Có thể bạn đã biết, Trung Quốc xưa có chế độ kế tục gọi là "Đích trưởng tử kế thừa chế" - tức con trai cả của các vị chính thất trong hoàng tộc như Hoàng hậu, Vương hậu, Vương phi mới có quyền kế thừa ngai vị. Điều này cũng được thể hiện rõ trong "Công Dương truyện" của Công Dương Cao qua câu "Lập đích dĩ trưởng bất dĩ hiền, lập tử dĩ quý bất dĩ trưởng".
Giải thích một cách kĩ càng hơn, nếu cùng phận là Đích tử, thì nên chọn Đích trưởng tử (tức người lớn nhất trong các Đích tử) trở thành trữ quân, chứ không nên chọn người hiền tài. Còn trong trường hợp không có Đích tử buộc phải chọn Thứ tử - tức con của thê thiếp thì phải chọn người có mẹ xuất thân cao quý, không nên chọn Thứ trưởng tử (tức người lớn nhất trong các Thứ tử).
Trước đây có nhiều người hiểu lầm rằng chỉ có con cả của vợ cả mới là Đích tử, điều này là sai hoàn toàn. Chỉ cần cùng là vợ cả sinh ra, tất cả các con trai đều được gọi là Đích tử và người lớn nhất trong số họ chính là Đích trưởng tử. Thậm chí nếu Đích trưởng tử có vấn đề về nhân phẩm hay trí óc thì chỉ cần người này còn sống, đây vẫn là nhân vật có quyền kế thừa cao nhất.
Ví như Tấn Huệ đế Tư Mã Trung, ông nổi tiếng là trời sinh kém thông minh, trí tuệ chỉ như một đứa trẻ con. Thế nhưng rốt cục ông vẫn lên ngôi danh chính ngôn thuận vì mẹ ông là Dương Diễm - nguyên phối thê tử kiêm Hoàng hậu chính thức đầu tiên của Tấn Vũ đế Tư Mã Viêm. Trên Tư Mã Trung còn một người anh ruột cùng mẹ tên Tư Mã Quỹ, thế nhưng Tư Mã Quỹ chết yểu từ bé nên cuối cùng, vị trí Hoàng đế vẫn đến tay ông làm.
Cũng tương tự như thế vào thời nhà Đường, Đích trưởng tử Lý Thừa Càn - con trai trưởng của Đường Thái Tông Lý Thế Dân và Trưởng Tôn hoàng hậu được chọn làm Thái tử và sẵn sàng kế vị khi đến thời điểm thích hợp. Thế nhưng Lý Thừa Càn lại tạo phản khiến Lý Thế Dân tức giận phế ông khỏi ngôi Thái tử và để Lý Trị lên ngôi. Tuy Lý Trị xếp thứ chín trong số các người con trai của Lý Thế Dân và xếp thứ ba trong các Đích tử nhưng tính đến thời điểm đó, ông là người duy nhất đủ tư cách làm vua sau Đích trưởng tử Lý Thừa Càn.
Bởi khi ấy con trai thứ hai của Lý Thế Dân đã qua đời từ sớm, con trai thứ ba là Thứ tử nên dĩ nhiên không đủ tư cách, con trai thứ tư tuy là anh em ruột với Lý Trị và cũng là Đích tử nhưng đã phạm phải tội tranh đoạt hoàng vị và phế làm thứ dân nên xem như mất quyền thừa kế, các con trai còn lại tuy lớn tuổi, chững chạc hơn Lý Trị nhưng cũng chỉ toàn Thứ tử, vậy nên Lý Trị với thân phận Đích trưởng tử trong giai đoạn này đã danh chính ngôn thuận lên ngôi kế vị.
Đây chính là "Lập đích dĩ trưởng bất dĩ hiền, lập tử dĩ quý bất dĩ trưởng" mà Đông Dương Cao đã đề cập. Nói cách khác, Đích tử luôn có quyền thừa kế tài sản và tước vị cao nhất, trừ khi Đích tử trong nhà đều chết hết thì Thứ tử mới có quyền kế thừa hai thứ trên. Ví như Hán Vũ đế thời nhà Hán, sau khi Đích trưởng tử của ông là Lưu Cứ chết do vụ án Vu Cổ, Hán Vũ đế không còn Đích trưởng tử nào trong cung nên chỉ có thể chọn Thứ tử làm người kế vị.
Vậy nếu Hoàng đế không có Đích tử lẫn Thứ tử thì phải làm sao?
Hán Thành đế Lưu Ngao là một trường hợp xui xẻo như thế, cả 4 con trai của ông đều chết yểu nên ông đành truyền ngôi cho Lưu Hân - một người cháu gọi Lưu Ngao bằng bác. Thế nhưng Lưu Hân lại chỉ thích nam không thích nữ nên cũng không có con nối dõi, sau khi Hán Ai đế Lưu Hân mất, em họ của ông là Lưu Khản được Vương Mãng đưa lên làm vua. Và không may thay, Lưu Khản chưa kịp có con trai nào đủ khả năng kế vị thì cũng qua đời.
Các vị như Tống Nhân Tông, Minh Hi Tông, Đồng Trị, Quang Tự,... cũng đều không có con trai. Trong trường hợp này, thông thường họ sẽ chọn người có huyết mạch gần nhất với mình để kế vị.
(Nguồn: QQ, Baidu)