Sau khi chạy và nhảy qua, Cruise nói: "Chỉ muốn cắt ngang và chúc ông may mắn". Dù trông như thật, video chỉ là sản phẩm của Cris Ume và Miles Fisher, những người đánh lừa hàng triệu người xem bằng công nghệ deepfake.
Sau hơn một tuần xuất hiện, video thu hút hơn 10 triệu lượt xem, gần 700.000 lượt thích và bình luận trên TikTok. Nhiều người đánh giá cao những hình ảnh được dựng một cách tự nhiên và chân thực. Tuy nhiên, cũng không ít người cảm thấy bất an khi các nội dung deepfake đang trở nên giống thật một cách đáng lo ngại.
Chris Ume, một nghệ sĩ về hiệu ứng hình ảnh, bắt đầu nổi tiếng từ năm 2021 khi tạo ra những video giả siêu thực về Tom Cruise với các hoạt động như chơi golf, biểu diễn ảo thuật, chia sẻ suy nghĩ... Ume chọn một người có ngoại hình gần giống và có thể thực hiện nhuần nhuyễn các động tác như tài tử. Diễn viên người Mỹ Miles Fisher được mời tham gia dự án.
Ume sử dụng thiết bị phần cứng chuyên nghiệp và dành hai tháng huấn luyện AI bằng các dữ liệu hình ảnh của Cruise. Mỗi video ông mất vài ngày để quay và 24 tiếng để làm hậu kỳ.
"Tôi nhận thấy mình giống gương mặt đại diện không chính thức của phong trào deepfake. Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra sản phẩm deepfake đầu tiên trông thực sự chân thực", Fisher nói với NBC cuối năm ngoái. Các video được đăng trên tài khoản TikTok có tên Deeptomcruise. Cả hai không kiếm được lợi nhuận nào từ tài khoản có hơn 3,4 triệu người theo dõi.
Những lo ngại về deepfake
Theo Relevant, các video giả mạo diễn viên như trên có vẻ vui nhộn, nhưng giới chuyên gia lại lo ngại về mặt tối của công nghệ này khi nó ngày càng hoàn thiện.
"Không gì có thể ngăn ai đó cắt dán hình ảnh của tôi hoặc của bất kỳ ai lên một cơ thể khác và khiến nó trông giống như thật", diễn viên Scarlett Johansson nói vào năm 2018. "Hãy cố gắng bảo vệ bản thân khỏi Internet. Internet là một hố sâu tối tăm rộng lớn".
Không chỉ người nổi tiếng, ngay cả phụ nữ bình thường cũng có thể thành nạn nhân của deepfake. Bất kỳ ai cũng có thể trả tiền mua công cụ deepfake để tạo video khiêu dâm về hàng xóm, đồng nghiệp, người yêu cũ, bạn bè. Tất cả những gì họ cần là thời gian và hình ảnh, vốn dễ dàng có được qua các tài khoản mạng xã hội như Instagram và Facebook. Các video đó có thể nằm trong kho nội dung khiêu dâm riêng tư của ai đó, hoặc được sử dụng để bôi nhọ, tống tiền. Trong khi đó, luật pháp nhìn chung vẫn còn chậm so với sự phát triển của công nghệ này.
"Đối với những người không có địa vị cao, deepfake có thể làm tổn hại đến triển vọng công việc, mối quan hệ giữa các cá nhân, danh tiếng, sức khỏe tinh thần của họ", nhà phê bình Anita Sarkeesian nói với Washington Post. "Nó được sử dụng như một vũ khí để bịt miệng, hạ thấp, thể hiện quyền lực đối với phụ nữ. Deepfake không chỉ là một trò chơi vui nhộn, mà có thể hủy hoại cuộc sống".
(theo The Brag, Relevant)