Tài chính

Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực có tính đầu cơ: Siết thế nào cho hợp lý?

Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, để phục hồi kinh tế, chúng ta đang cần một nguồn vốn lớn để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, của các doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại đang đổ dồn đầu cơ vào một số lĩnh vực có rủi ro cao, nguy cơ hình thành "bong bóng" cho nền kinh tế như bất động sản, chứng khoán... Trước tình hình này Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc điều chỉnh dòng vốn vào các lĩnh vực có tính đầu cơ .

Tại Nghị quyết số 50 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực có tính đầu cơ: Siết thế nào cho hợp lý? - Ảnh 1.

Nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, của các doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại đang đổ dồn đầu cơ vào một số lĩnh vực có rủi ro cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)


Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ; tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản

Mới đây, một số ngân hàng thương mại như Sacombank, Techcombank đã có thông báo tạm dừng cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo về việc siết chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản và đến nay các ngân hàng đã có những động thái quyết liệt hơn.

Theo nhiều chuyên gia, trước diễn biến thị trường nhà đất vốn được cho là tăng nhiệt quá nóng hiện nay, vốn cho đầu tư lĩnh vực này có thể bị siết chặt hơn trong thời gian tới.

Ngân hàng Sacombank không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay đối với cán bộ, công nhân viên và người mua/xây/sửa bất động sản để ở. Ngân hàng này cũng không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ cùng lúc. Thông báo được áp dụng đến hết tháng 6 năm nay.

Trước đó, Techcombank cũng tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3.

Theo đại diện các ngân hàng, đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tập trung ưu tiên vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

"Trong từng thời điểm tùy theo vấn đề về sự tăng trưởng kiểm soát, chúng tôi có sự điều chỉnh nhất định. Nếu ở thời điểm nào đó khi những nguồn hoạt động về cho vay bất động sản giảm do khách hàng trả nợ thì chúng tôi có thể điều chỉnh ngay tức thời chứ không phải là sự cứng nhắc, phải tạm ngưng ở một thời gian lâu dài", ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng Sacombank, cho biết.

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng, Viện đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, việc siết tín dụng bất động sản đang được thực hiện khá chặt chẽ và có xu hướng mở rộng ra. Từ việc cho vay các dự án để huy động vốn, hay tham gia với tư cách là đối tác. Các khoản vay của khách hàng khi tham gia mua các dự án. Các khoản vay thế chấp tài sản và việc siết tín dụng vào thời điểm này là hợp lý.

"Hầu hết các tổ chức tín dụng hay khuyến cáo của thị trường hiện nay đều cho rằng bất động sản đang có rủi ro tín dụng cao. Ngoài chuyện trái phiếu, hiện nay chúng ta thấy rủi ro cao liên quan đến chuyện thị trường khi chi phí đắt, giá tăng cao thì nó tạo ra sự hấp thu của thị trường có thể thấp. Đặc biệt hiện nay, thị trường thiên về các nhu cầu mang tính đầu tư, như vậy người ta cho rằng đó là một rủi ro", ông Huỳnh Phước Nghĩa cho hay.

Kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực có tính đầu cơ: Siết thế nào cho hợp lý? - Ảnh 2.

Một số ngân hàng thương mại đã thông báo tạm dừng cho vay trong lĩnh vực bất động sản. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Một số ý kiến cho rằng, việc ngân hàng hạn chế cho vay vào lĩnh vực bất động sản hiện nay là biện pháp tạm thời tùy từng ngân hàng để đánh giá lại các khoản vay, độ rủi ro và hướng xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

"Đa phần bất động sản cho vay đó đều không phải là những bất động sản có giá trị khai thác mà có những nguồn thu trả về cho ngân hàng. Cái thứ hai còn quan trọng hơn khi giá trị các khoản vay đã tăng lên cùng miếng đất. Một miếng đất được xử lý năm 2016, 2017 khác việc xử lý năm 2021 ở giá cao hơn có thể tới 100 - 200%. Những vấn đề đó làm tăng rủi ro rất lớn cho ngân hàng", TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng, Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, đánh giá.

Tăng trưởng tín dụng quý 1 tích cực

Chỉ tính riêng trong quý 1, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế là 5,04%, cao gấp hơn 2 lần con số của cùng kỳ năm 2021 cho thấy nhu cầu vốn đang gia tăng cao từ phía doanh nghiệp, nền kinh tế đang phục hồi tích cực.

Hiện các ngân hàng đang phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua nhiều chương trình, chính sách tín dụng để kịp thời cung ứng vốn, đảm bảo dòng tiền tập trung phục hồi sản xuất.

Tập đoàn An Phát Holdings vừa đầu tư thêm một nhà máy nguyên liệu nhựa thân thiện môi trường với công nghệ chuyển giao hoàn toàn từ Đức. Vốn đầu tư lên tới 120 triệu USD. Việc chủ động nguyên liệu đầu vào sẽ giúp chi phí sản xuất tiết kiệm từ 15 - 20%, cộng thêm dòng vốn tín dụng tiếp tục ưu đãi, giúp doanh nghiệp có thêm tự tin vào triển vọng tăng trưởng.

"Hiện chúng tôi đang được các ngân hàng hỗ trợ, nhưng do sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm thân thiện môi trường nên chúng tôi cũng mong muốn nhân được các chính sách hỗ trợ hơn nữa từ chính quyền và các cơ quan nhà nước", ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, cho biết.

Với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất thực nhiều ngân hàng đang cho vay bình quân khoảng 4,3%/năm. Con số này thấp hơn so với trần lãi suất cho vay VND mà Ngân hàng Nhà nước quy định là 4,5%/năm. Những doanh nghiệp tốt sẽ chủ động lựa chọn mục tiêu hợp tác với ngân hàng, chứ không chỉ dừng ở quan hệ vay nợ.

"Chúng tôi sẽ chọn những ngân hàng không chỉ cấp vốn mà có thể là bạn, là cố vấn, là ngân hàng có thể đầu tư như những nhà đầu tư thực sự", ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã sản xuất và thủy sản Xuyên Việt, cho hay.

Để tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, các doanh nghiệp mong đợi ngành ngân hàng sẽ sớm triển khai chương trình cấp bù lãi suất 2%/năm với giá trị hơn 40.000 tỷ đồng dành cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng có khả năng trả nợ và phục hồi.

Mục tiêu tăng tín dụng năm 2022 là 14% nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đánh giá các mục tiêu chính sách tiền tệ để có điều chỉnh vào cuối năm cho phù hợp với diễn biến thực của nền kinh tế vĩ mô. Con số tăng trưởng này sẽ vào những đâu, vào với mức độ như thế nào là hợp lý, an toàn đảm bảo sản xuất, kinh tế phục hồi và không làm nghẽn sự phát triển cần thiết của các lĩnh vực khác vì thực tế, lĩnh vực nào cũng là cấu phần quan trọng của nền kinh tế.

Việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc siết dòng tín dụng vào các lĩnh vực đầu cơ đã được ngân hàng thực hiện như thế nào? Dòng tiền có sự liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán - bất động sản nên dù siết như thế nào cũng sẽ tác động đến cả 3. Ngân hàng Nhà nước có phương án gì để có thể giảm bớt những tác động do siết chặt tín dụng không? Siết như thế nào và mở như thế nào là hợp lý với dòng tín dụng?


Cùng chuyên mục

Đọc thêm