Bất động sản

Giá đất vùng ven TP HCM nhiều nơi tăng mạnh

 (Ảnh minh họa: Trường Nguyên).

Tại Hội thảo “Tạo đà phục hồi thị trường bất động sản phía Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức chiều ngày 16/4, ông Trần Thế Anh, Giám đốc Kinh doanh Thắng Lợi Group cho biết, giá đất tại 5 huyện vùng ven TP HCM gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ hiện nay đã tăng 5-15% so với đầu năm 2021, thậm chí nhiều khu vực tăng 30-35%.

Bên cạnh đó, giá đất nền tại các tỉnh giáp ranh như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,… đều tăng phổ biến 10 - 15%.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới bất động sản luôn tăng cao sau mỗi đợt dịch COVID-19. Cụ thể, ở đợt dịch thứ nhất tăng 306%, đợt 2 tăng 62%, đợt 3 tăng 376% và đợt 4 tăng 105%.

Có nhiều yếu tố dẫn đến việc tăng trưởng này như các chính sách, nghị quyết, Luật Bất động sản 2014, Nghị quyết 54/2017,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho TP HCM thực hiện những chương trình đột phá, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản vùng ven TP HCM và các tỉnh lân cận tăng trưởng đáng kể.

Thêm vào đó, việc thay đổi các chính sách quản lý cho phù hợp và xử phạt các dự án không hoàn thành tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư và khách hàng. 

Ngoài ra, việc sắp xếp lại địa giới hành chính các địa phương thuộc TP HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam cũng giúp thị trường sôi động. Thông tin một địa phương được quy hoạch "lên quận hay lên thành phố" cũng kích thích kỳ vọng của người dân, nhà đầu tư về các hứa hẹn chính sách hạ tầng, đô thị, dịch vụ, cơ hội kinh doanh,… và kéo giá bất động sản tăng theo.

  • TIN LIÊN QUAN
  • Bài toán huy động vốn cho doanh nghiệp bất động sản 16/04/2022 - 15:39

  • TP HCM không có dự án chung cư mới nào mở bán trong ba tháng qua 16/04/2022 - 07:45

  • Một tỉnh phía Nam xuất hiện những dự án đất nền có giá chào bán trên 74 triệu đồng/m2 13/04/2022 - 13:43

  • Giá bất động sản Thủ Đức đang phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư hay tâm lý đầu cơ?

Tuy nhiên, ông Trần Thế Anh cho rằng thách thức đối với thị trường hiện nay là hiện tượng siết vốn từ ngân hàng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các giao dịch và hành lang pháp lý vẫn còn nhiều tồn tại bất cập.

Đặc biệt, thị trường vẫn còn các dự án nhỏ lẻ, manh mún phát triển mạnh, không có kiểm soát, gây nguy cơ vỡ quy hoạch, rối loạn thị trường và khó kết nối hạ tầng khi nhà nước triển khai…

"Nhằm giảm tiếp cận các dự án nhỏ lẻ, manh mún, trong năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 42 dự án, quy mô sử dụng đất khoảng 112,8 ha. Tuy nhiên, theo thống kế sơ bộ, sở ngành đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ có 9 dự án, quy mô sử dụng đất khoảng 142,25 ha", Giám đốc Kinh doanh Thắng Lợi Group thông tin.

Theo ông Trần Thế Anh, cần có cơ chế tiếp cận vốn dễ hơn để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cũng như khách hàng phát triển dự án và mua nhà ở. Bên cạnh đó, cũng cần phát triển mạnh hạ tầng khu vực phía Nam, nhất là cao tốc và các tuyến vành đai. 

"Đặc biệt, cần đầu tư mạnh mô hình nhà ở vừa túi tiền, song song với việc đa dạng hoá các loại hình sản phẩm với nhiều phân khúc phù hợp nhu cầu khách hàng.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng phê duyệt pháp lý nhanh hơn, đồng thời thí điểm mô hình vừa cấp phép vừa làm dự án để tối ưu hoá chi phí cho doanh nghiệp và khách hàng", ông Trần Thế Anh chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm