Meta từng rót tiền vào những thứ thú vị, chẳng hạn như đặc quyền nhân viên, metaverse và các thương vụ mua lại. Tuy nhiên, trong “năm hiệu quả” này, Mark Zuckerberg có lẽ sẽ dùng số tiền mặt trị giá 40,74 tỷ USD phục vụ cho một mục đích đặc biệt, song khá nhàm chán: làm hài lòng các cổ đông.
Nếu điều này xảy ra, Meta sẽ giống Apple - tập đoàn ngồi trên 'núi tiền' 454 tỷ USD nhưng không vung tay thâu tóm các công ty khác mà chỉ dùng để lấy lòng 15% người giàu nhất hành tinh.
Kể từ năm 2012, Meta Platforms, trước đây gọi là Facebook, đã mua lại hơn 100 công ty, bao gồm những tên tuổi lớn như WhatsApp, Instagram và Oculus. Những thương vụ mua lại đó đã giúp Meta “mọc thêm cánh” trên Internet, từ đó đẩy doanh thu gã khổng lồ mạng xã hội tăng vọt: từ 5 tỷ USD năm 2012 lên 116 tỷ USD vào năm ngoái.
Thành công này khiến vốn dự trữ của Meta “dày” lên trông thấy. Trong một báo cáo thu nhập mới đây, công ty cho biết hiện đang sở hữu 40,74 tỷ USD dưới dạng tiền mặt, các khoản tương đương tiền và chứng khoán.
Tuy nhiên, khi tốc độ tăng trưởng doanh thu chững lại do nhiều yếu tố ngoại cảnh còn giá cổ phiếu lại ghi nhận nhiều phiên đỏ lửa, số tiền kể trên giờ đây dùng để giao dịch cổ phiếu và các hoạt động liên quan thay vì đẩy mạnh sự đổi mới.
Động thái giám sát chống độc quyền của giới chức trở thành “cái gai” đối với hành vi thâu tóm. Các nhà đầu tư cũng không quan tâm đến việc tài trợ vô độ thúc đẩy metaverse trong bối cảnh nền kinh tế liên tục đối mặt với những triển vọng không chắc chắn. Bong bóng công nghệ cuối cùng đã nổ tung và khiến số liệu hoạt động kinh doanh Meta quay về thời trước đại dịch.
Sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, cổ phiếu Meta lao dốc. Để phần nào xoa dịu phố Wall, công ty này hồi đầu năm tuyên bố sẽ mua lại số cổ phiếu trị giá 40 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Quyết định này giúp nâng cao giá trị của Meta, đồng thời bù đắp phần nào cho quãng thời gian tồi tệ.
Theo nhà phân tích chứng khoán của UBS Lloyd Walmsley, thâu tóm là quá trình tự nhiên đối với một công ty nhiều tiền mặt, tuy nhiên, trong bối cảnh độc quyền bị giám sát, điều này trở nên vô cùng khó khăn. Cũng theo Walmsley, Ủy ban Thương mại Liên bang đang thực sự hoài nghi đối với các vụ sáp nhập công nghệ lớn dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden.
Angelo Zino, nhà phân tích vốn chủ sở hữu cao cấp tại CFRA Research, đồng ý rằng Meta cần tránh xa bất kỳ thương vụ mua lại nào trong một thời gian, vì rằng “bối cảnh chính trị có thể ngăn Big Tech phát triển”.
Trước đó, FTC từng kiện Meta vì thâu tóm Inside, một ứng dụng thể dục thực tế ảo, với cáo buộc tập đoàn này mua lại quá nhiều đối thủ VR và bóp nghẹt cạnh tranh ở các thị trường mới nổi. Vụ kiện sau đó lan tỏa chút hiệu ứng ra toàn ngành, đồng thời kéo theo nhiều vụ kiện khác nhắm vào Big Tech.
“Khả năng cao Meta có thể bắt đầu chia cổ tức để thu hút một lớp nhà đầu tư mới”, Angelo Zino nhận định.
Nếu đúng là như vậy, động thái trên có thể xoa dịu Phố Wall sau khi nó gây áp lực buộc Meta phải cắt giảm chi phí và sa thải hàng nghìn nhân viên trong vài tháng qua. Tập đoàn này trước đó còn yêu cầu nhiều quản lý và Giám đốc chuyển sang làm các công việc cá nhân nhiều hơn hoặc chấp nhận bị sa thải như một cách giúp tập đoàn này vận hành hiệu quả.
Động thái trên nằm trong chiến dịch “làm phẳng nội bộ”, khiến các quản lý cấp cao chia sẻ quyền lực với cấp dưới và tập trung vào các nhiệm vụ chuyên môn hơn như nghiên cứu, thiết kế, viết code… Những ai không chấp nhận yêu cầu này sẽ phải rời công ty.
“Một tổ chức tinh gọn sẽ vận hành nhanh hơn. Mọi người sẽ làm việc hiệu quả, vui vẻ và thỏa mãn hơn”, Zuckerberg viết.
Mới đây nhất, Meta tuyên bố cắt giảm thêm 10.000 nhân sự trong các đợt sa thải thứ hai, đồng thời xóa bỏ 5.000 vị trí tuyển dụng. Thông báo được đưa ra sau một quyết định hồi tháng 11 rằng công ty sẽ cắt giảm hơn 11.000 nhân sự. Vào thời điểm đó, Zuckerberg nói công ty đã mở rộng quá mức do nhận định sai về thị hiếu người dùng. “Tôi đã sai và tôi chịu trách nhiệm về điều đó,” vị CEO này viết trong một bức thư gửi cho nhân viên.
“Đến thời điểm này, chúng ta nên chuẩn bị trước tinh thần, rằng nền kinh tế khó khăn hiện nay sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới. Lãi suất cao khiến nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả. Bất ổn địa chính trị cũng dẫn đến nhiều xung đột. Ngày càng nhiều quy định sẽ kìm hãm đà tăng trưởng và gia tăng chi phí đổi mới công nghệ. Với tình hình này, chúng ta cần hoạt động hiệu quả hơn so với trước đây để có thể thành công”, Mark Zuckerberg nói.
Tuy nhiên, theo Laura Boudreau, giáo sư Trường Kinh doanh Columbia, người chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa công ty và người lao động, động lực hướng tới “Năm hiệu quả” có thể phản tác dụng nếu chúng ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng công việc hàng ngày của nhân viên.
Mới đây, trong một thông báo nội bộ, Meta tuyên bố tạm dừng tất cả các ứng dụng làm việc từ xa. Theo quan điểm của Mark Zuckerberg, nhiều kỹ sư trẻ mới vào nghề sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu trao đổi với đồng đội ít nhất 3 ngày/tuần. Việc xây dựng lòng tin và phát triển mối quan hệ cũng trở nên dễ dàng hơn.
Trong nhiều thập kỷ, các giám đốc điều hành đã đưa ra nhiều sáng kiến cắt giảm nhân sự và chi phí, theo WSJ. Quyết định trên của Meta được cho là đúng đắn, nhất là khi bộ máy lao động tại tập đoàn này những năm qua ‘phình to’ vô lối.
Theo: BI, WSJ