Lam Research Corp là nhà sản xuất thiết bị bán dẫn mới nhất đưa ra ước tính thiệt hại tài chính. Công ty có trụ sở ở Thung lũng Silicon cho biết sẽ tổn thất khoảng 2,5 tỷ USD trong năm 2023 do lệnh cấm mới.
"Chúng tôi đã thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ quy tắc, đồng thời ngừng vận chuyển hàng hóa cũng như hỗ trợ sản phẩm theo yêu cầu của chính phủ Mỹ", Timothy Archer, CEO của Lam Research, nói với SCMP, ngày 19/10.
Mỹ được xem là đang quyết bóp nghẹt mảng bán dẫn Trung Quốc. Chính quyền Mỹ hôm 7/10 công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, ngăn Trung Quốc mua nhiều loại chip bán dẫn được chế tạo bằng thiết bị của Mỹ trên khắp thế giới. Động thái này dựa trên Quy định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài (FDPR). Quy định này được ban hành năm 1959 và bổ sung năm 2020 nhằm cho phép Mỹ kiểm soát những loại chip sản xuất ở nước ngoài, ngăn chúng đến tay Huawei và chặn dòng chảy thiết bị bán dẫn đến Nga.
Theo điều khoản mới, các công ty ở mọi nơi trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc nếu trong sản phẩm có công nghệ Mỹ. Họ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt. Phần lớn quy định có hiệu lực ngay lập tức.
Lệnh cấm khiến những doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc gặp khó. Trước Lam Research, Applied Materials - nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất của Mỹ - cũng thừa nhận việc hạn chế xuất khẩu sẽ khiến doanh thu của hãng bị mất từ 250 triệu đến 550 triệu USD trong quý vừa qua. Lam Research, Applied Materials và một công ty bán dẫn khác của Mỹ là KLA Corp hiện là các nhà cung cấp tấm wafer fab dùng để sản xuất chip lớn nhất của Mỹ.
Lam Research đang phụ thuộc khá lớn vào các đơn hàng từ đối tác Trung Quốc. Ước tính, thị trường Trung Quốc chiếm 30% tổng doanh thu trong quý II/2022, cao hơn mức 6% ở thị trường Mỹ. Tương tự, doanh thu Applied Materials và KLA tại thị trường tỷ dân lần lượt là 33% và 26%.
ASML Holding, công ty Hà Lan độc quyền về các công cụ in thạch bản cực tím cần thiết để sản xuất chip tiên tiến, hiện sử dụng nhiều công nghệ Mỹ và là đối tác quan trọng của Trung Quốc về chip. Công ty cho biết lệnh cấm từ Washington tác động "khá hạn chế". Dù vậy, trong một bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ, hãng yêu cầu nhân viên "không phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho khách hàng ở Trung Quốc".
Hướng đi của Trung Quốc
Trung Quốc hiện đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ nhiều hơn khi dành hàng chục tỷ USD cho lĩnh vực bán dẫn. Theo số liệu từ hãng nghiên cứu CVInfo, trong giai đoạn 2020-2021, nước này đã đổ hơn 30 tỷ USD để nghiên cứu và sản xuất bán dẫn.
Theo SCMP, chính quyền địa phương tại Trung Quốc cũng ưu ái hơn đối với các doanh nghiệp bán dẫn trong nước, bằng cách tăng gấp đôi ưu đãi tiền mặt và hỗ trợ chính sách thông thoáng. Trong số đó, Thâm Quyến và Thượng Hải đi đầu về thu hút doanh nghiệp, nhà máy lẫn nhân tài mảng chip.
Việc thúc đẩy những công ty có thành tựu bán dẫn cũng được chú trọng. Lishui, thành phố phía đông tỉnh Chiết Giang, ngày 14/10 cho biết đang trao phần thưởng cho các doanh nghiệp thiết kế chip đã có sản phẩm riêng. Nếu doanh thu hàng năm của một doanh nghiệp thiết kế chip vượt quá 20 triệu nhân dân tệ (2,78 triệu USD), 100 triệu nhân dân tệ (13,8 triệu USD) và 500 triệu nhân dân tệ (70 triệu USD), họ sẽ được trợ cấp lần lượt là 300.000 nhân dân tệ (41.500 USD), một triệu nhân dân tệ (140.000 USD) và 5 triệu nhân dân tệ (700.000 USD). Đối với các công ty có doanh thu trên 500 triệu nhân dân tệ, phần thưởng còn cao hơn nhiều lần.
"Chính sách lần này có định hướng rõ ràng, chính xác, có yếu tố thúc đẩy, tính thích hợp và sự ủng hộ mạnh mẽ", Xia Zhiming, một quan chức thành phố Lishui, cho biết.
Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, hiện đã công bố các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn bằng cách đẩy nhanh sự phát triển của một số ngành công nghiệp, chẳng hạn phần mềm và dịch vụ thông tin, lưới điện thông minh, mạch tích hợp và y sinh học.
Thượng Hải cũng đưa ra tham vọng trở thành "bệ phóng cho các ngành công nghiệp của tương lai" bằng các ưu đãi chính sách và nhân lực. Thâm Quyến và Hợp Phì cũng có cách làm như Thượng Hải, kết hợp với các khoản thưởng và ưu đãi tới 30 triệu nhân dân tệ cho các doanh nghiệp bán dẫn làm ăn hiệu quả.
Dù vậy, theo công ty tư vấn bán dẫn ICWise, chính quyền các địa phương tại Trung Quốc nên thận trọng cũng như có chiến lược dài hạn khi soạn thảo các chính sách để tránh lãng phí nguồn lực. "Bán dẫn là một lĩnh vực đầy tính khoa học, cần tôn trọng tính chuyên nghiệp, đồng thời nghiên cứu kỹ mô hình tăng trưởng thay vì chạy theo một cách mù quáng", đại diện ICWise nhận định.
Wei Shaojun, Chủ tịch mảng thiết kế mạch tích hợp tại Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, cho rằng chính quyền trung ương và địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn cho R&D về bán dẫn để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. "Nếu chúng ta không đầu vào R&D liên tục, sẽ khó có động lực để phát triển trong tương lai", Wei nói.