Theo thông tin tại đại hội cổ đông bất thường của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) hôm 9/5 vừa qua, Thành viên HĐQT Lê Thái Sâm đang sở hữu 231,74 triệu cổ phiếu, tương đương 12,53% vốn điều lệ của Bamboo Airways.
Danh sách cổ đông lớn của hãng hàng không này còn bao gồm cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết với tỷ lệ sở hữu trên 10%, Phó Chủ tịch thường trực Doãn Hữu Đoàn 23%, Tập đoàn FLC 21,7% và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) khoảng 11%.
Tập đoàn FLC ngày 8/5 đã thông qua toàn văn dự thảo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng cổ phần Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm. Sau khi ông Sâm mua toàn bộ 21,7% vốn Bamboo Airways (tương đương 401,5 triệu cổ phiếu) từ Tập đoàn FLC, tỷ lệ sở hữu của ông Sâm sẽ tăng từ 12,5% hiện nay lên thành 34,2%.
Chưa hết, đại hội cổ đông bất thường ngày 9/5 của Bamboo Airways đã phê duyệt hai phương án phát hành tổng cộng 1,15 tỷ cổ phiếu và nâng vốn điều lệ từ mức 18.500 tỷ đồng hiện nay lên 30.000 tỷ đồng. Kế hoạch phát hành bao gồm 772 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ và 378 triệu cổ phiếu để bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Nếu ông Sâm sở hữu thêm ít nhất 867 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành 1,15 tỷ cổ phiếu nói trên, Thành viên HĐQT này sẽ nắm giữ hơn 1,5 tỷ cổ phiếu trên tổng số 3 tỷ cổ phiếu của Bamboo Airways.
Bất cập trong phương án phát hành của HĐQT Bamboo Airways
Từ năm 2022 đến nay, trong bối cảnh Bamboo Airways gặp khó khăn về tài chính, ông Lê Thái Sâm đã cho Bamboo Airways vay không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp, đồng thời không yêu cầu tài sản bảo đảm. Tính đến ngày 10/4/2023, tổng số tiền ông Sâm đã và đang cho Bamboo vay (bao gồm nợ gốc và lãi) là gần 7.728 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị (HĐQT) của Bamboo Airways ban đầu đề xuất phương án phát hành 772 triệu cổ phiếu (trị giá 7.720 tỷ đồng) để hoán đổi nợ và 185 triệu cổ phiếu (tương đương 1.850 tỷ đồng) để chào bán cho cổ đông chiến lược.
Ông Lê Thái Sâm cho rằng phương án này của HĐQT có hai điểm bất cập.
Thứ nhất, HĐQT chưa nêu rõ căn cứ hay tiêu chí nào để xác định danh sách chủ nợ thuộc đối tượng chào bán.
Phạm vi chủ nợ của doanh nghiệp gồm rất nhiều đối tượng khác nhau, “việc phương án chào bán cổ phần không xác định cụ thể đối tượng chủ nợ thuộc đối tượng chào bán là không đảm bảo công khai, minh bạch cũng như đảm bảo quyền ưu tiên cho những chủ nợ lớn, sẵn sàng cho Công ty vay tiền mà không yêu cầu tài sản đảm bảo trong giai đoạn, thời điểm khó khăn của Công ty như trường hợp của tôi”, văn bản đề nghị của ông Sâm có đoạn viết.
Thứ hai, quy mô phát hành quá nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu tài chính của Bamboo Airways.
Trong vai trò Thành viên HĐQT, ông Sâm đánh giá áp lực tài chính đối với Bamboo là rất lớn do hãng cần nguồn lực để thanh toán công nợ cho các nhà cung cấp và chủ tàu bay, để mở rộng quy mô đội tàu bay và mạng lưới đường bay, … “Vốn điều lệ Công ty cần thiết phải được đảm bảo ở con số tối thiểu 30.000 tỷ”, ông Lê Thái Sâm viết.
Theo phương án phát hành mà HĐQT trình đại hội cổ đông, vốn điều lệ của Bamboo sẽ chỉ tăng từ 18.500 tỷ lên 28.070 tỷ. Trong số vốn tăng thêm, 7.720 tỷ đồng là tiền đối trừ công nợ, nghĩa là Bamboo Airways không thu được tiền sau chào bán. Còn lại 1.850 tỷ đồng là tiền mặt được huy động để sử dụng cho các hoạt động, kế hoạch đầu tư của Bamboo. “Số tiền này là không đảm bảo cho các hoạt động, kế hoạch của Công ty”, ông Sâm nhận định.
Ông Lê Thái Sâm đáp ứng các tiêu chí do chính mình đặt ra
Vị cổ đông lớn và chủ nợ lớn này kiến nghị tăng số lượng cổ phần phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược từ 185 triệu đơn vị theo phương án ban đầu của HĐQT lên thành 378 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 3.780 tỷ đồng.
Số lượng cổ phần phát hành cho chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần được ông Sâm đề nghị giữ nguyên là 772 triệu cổ phiếu, tương ứng với 7.720 tỷ đồng. Con số này xấp xỉ tổng số tiền gốc và lãi mà ông Sâm đang cho Bamboo Airways vay tại ngày 10/4/2023 (gần 7.728 tỷ đồng).
Vốn điều lệ sau chào bán và hoán đổi nợ sẽ là 30.000 tỷ đồng, tương ứng với 3 tỷ cổ phần.
Ngoài ra, ông Lê Thái Sâm còn nêu chi tiết các tiêu chí xác định đối tượng được mua cổ phần phát hành thêm.
Theo đó, các chủ nợ muốn hoán đổi nợ thành cổ phần phải thỏa mãn hai yêu cầu. Thứ nhất, đã ký hợp đồng cho Bamboo Airways vay tiền mà không có hoặc không yêu cầu công ty có tài sản bảo đảm. Thứ hai, tổng dư nợ cho vay từ 1.000 tỷ đồng trở lên. Ông Sâm dễ dàng đáp ứng cả hai tiêu chí này.
Các nhà đầu tư chiến lược là tổ chức, cá nhân muốn tham gia đợt phát hành 378 triệu cổ phần của Bamboo Airways phải đáp ứng ba tiêu chí.
Thứ nhất, có tiềm lực tài chính hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của Bamboo Airways mà hội đồng quản trị xét thấy đóng góp vào hoạt động kinh doanh hoặc mang lại lợi ích cho công ty.
Thứ hai, có thể hỗ trợ công ty trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro tiên tiến, phát triển sản phẩm dịch vụ.
Thứ ba, sau khi mua cổ phiếu, cổ đông chiến lược phải sở hữu từ 5% trở lên vốn điều lệ của Bamboo Airways.
Ông Lê Thái Sâm là Thành viên HĐQT của Bamboo Airways, đang cho hãng này vay hơn 7.700 tỷ đồng, nên có thể coi là có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của công ty. Ông Sâm hiện đang sở hữu 12,5% vốn của Bamboo và chuẩn bị nhận thêm 21,7% vốn từ Tập đoàn FLC, nếu ông tham gia đợt phát hành sắp tới, tỷ lệ sở hữu của ông đương nhiên trên mức 5%.
Đại hội cổ đông đã thông qua tất cả kiến nghị của ông Lê Thái Sâm về khối lượng phát hành và tiêu chí chọn đối tượng phát hành.
Nếu mua tất cả 1,15 tỷ cổ phiếu sắp phát hành thêm, ông Sâm sẽ nắm giữ tổng cộng 1,78 tỷ cổ phần Bamboo Airways, tương đương hơn 59% vốn điều lệ của hãng hàng không này.