Sáng ngày 10/5, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã: BAF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Tính đến, 9 giờ 5 phút, buổi họp có 85 cổ đông tham dự, đại diện cho 117.529.730 cổ phần, tương ứng 81,89% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Tổng Giám đốc thường trực công ty cho biết: "Hiện nay, Siba Food đang gặp khó khăn ở vấn đề phần thịt bán tươi thấp và phần không thể bán tươi, phải đưa qua chế biến tương đối cao."
Do đó, sắp tới, công ty sẽ có sự lựa chọn con giống để tăng được phần bán tươi, có giá trị cao và nghiên cứu những sản phẩm mới để tận dụng tối đa phần không thể bán tươi.
Công ty cũng sẽ tham gia vào Phân Khu an toàn sinh học của Tổ chức Thú y Thế giới, từ đó, có thể kiểm soát được rủi ro dịch bệnh, giảm tỷ lệ thất thoát, tăng năng suất, giảm được chi phí và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Điều này còn có thể giúp công ty xuất khẩu thịt sang các thị trường khác.
Bên cạnh đó, ông Thành nhận định dịch bệnh (dịch tả lợn Châu Phi - ASF) là rủi ro nhưng cũng là cơ hội khi nó sẽ loại bỏ những nhà sản xuất không có khả năng kiểm soát. Nếu BAF có thể kiểm soát tốt thì sẽ nắm bắt được cơ hội khi giá heo tăng lên trong tương lai gần.
Theo ông Thành, hiện nay các đối thủ của công ty cũng đang phát triển mạnh mẽ và trong tương lai việc cạnh tranh về giá thành sẽ rất quan trọng. Do đó, BAF sẽ cần phải tối ưu hoá giá thành, năng suất, con giống và cả đội ngũ vận hành.
Tại cuộc họp, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 7.526 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 301 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 4,5% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Trong đó, mảng chăn nuôi dự kiến mang về 2.526 tỷ đồng doanh thu và 192 tỷ đồng lợi nhuận; mảng thức ăn chăn nuôi có kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng và hơn 45 tỷ đồng lợi nhuận; mảng nông sản dự kiến có doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận 64 tỷ đồng.
Năm 2023, ngoài kênh phân phối chính tại các cửa hàng SibaFood và BAF Meat Shop, công ty sẽ tăng cường bán lẻ thịt mảnh thông qua kênh thương lái nhằm tối đa hoá lợi nhuận, cũng như đưa sản phẩm tiếp cận đến người tiêu dùng.
Với chiến lược liên kết sản xuất gắn với phân phối, tiêu thụ sản phẩm, BAF sẽ bán cám kèm con giống. Dự kiến sản lượng cám bán ra thị trường năm nay là 80.000 tấn, cùng với đó là khoảng 61.000 heo giống.
Trong năm, BAF dự kiến sẽ đưa vào hoạt động các dự án trang trại Đông An Khánh (đã đi vào hoạt động trong quý I); Nam An Khánh; Trang Trại Xanh 2; Bắc An Khánh; Tân Châu; Tâm Hưng và Hải Đăng với tổng công suất 25.000 heo nái và 150.000 con heo thịt.
Bên cạnh đó, công ty dự kiến khởi công các dự án trang trại Tây An Khánh; Phú Yên 3; Phú Yên 2; Thiên Phú Sơn; Giai Xuân và Tân Hợp với tổng công suất 25.000 heo nái và 380.000 heo thịt.
Đến cuối năm, BAF ước tính tổng đàn sẽ tăng gấp đối so với cùng kỳ, đạt 37.000 heo nái và 270.000 heo thịt.
Kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 2.435 tỷ đồng
Cổ đông công ty cũng đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17%. Thời gian thực hiện dự kiến là trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.
Hiện tại, BAF đang có 143,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành tương ứng vốn điều lệ 1.435 tỷ đồng và công ty dự kiến sẽ phát hành hơn 24 triệu cổ phiếu để thực hiện chi trả cổ tức.
BAF cũng sẽ phát hành hơn 7 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân sự chủ chốt với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm và thời gian thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV. Số tiền được từ đợt phát hành sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn cho việc chăn nuôi heo của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, BAF sẽ chào bán 68,4 triệu cổ phiếu ra công chúng với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu từ đợt phát hành này không bị hạn chế chuyển nhượng và thời gian thực hiện dự kiến từ quý II đến quý IV.
BAF dự kiến số tiền thu được từ đợt phát hành là 684 tỷ đồng, trong đó, 165 tỷ dồng sẽ dùng bổ sung vốn hoạt động chăn nuôi heo của BAF; 400 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động kinh doanh nông sản và 119 tỷ đồng để tăng vốn cho các công ty con đầu tư chuồng trại.
Nếu BAF hoàn tất các đợt phát hành trên, dự kiến vốn điều lệ của BAF sẽ nâng lên mức 2.435 tỷ đồng.
Bầu bổ sung thành viên HĐQT
Tại đại hội, cổ đông công ty cũng đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT của ông Phan Ngọc Ấn theo đơn xin từ nhiệm từ ngày 11/4. Đồng thời, bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Tân làm thành viên mới của HĐQT.
Ông Tân được nhóm cổ đông lớn là CTCP Siba Holdings nắm 40,48% vốn điều lệ đề cử. Ông sinh năm 1975, là cử nhân kinh tế.
Giai đoạn 1998 - 2017, ông Tân từng có thời gian công tác và đảm nhiệm các chức vụ quản lý tại Chứng khoán ACBS; Ngân hàng SeABank; Chứng khoán Sao Việt; Chứng khoán Tràng An; Ngân hàng SCB và Ngân hàng Kiên Long.
Từ năm 2017 đến nay, ông Tân công tác tại CTCP Nông Nghiệp Việt với vai trò Giám đốc kinh doanh.
Phiên thảo luận:
Dự báo xu hướng giá heo hơi trong thời gian sắp tới? Kế hoạch năm 2023 của BAF xây dựng trên giả định nào?
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT BAF: Nguyên vật liệu ngũ cốc trên toàn thế giới tăng giá rất mạnh trong năm 2022. Trước quý II/2022, giá tăng khoảng 30-40% so với năm 2021, nên ảnh hưởng giá đầu vào của ngành chăn nuôi.
Hiện nay, xu hướng giá nguyên vật liệu trên thế giới đang giảm mạnh, hai tháng gần đây giảm 25%. Xu hướng sẽ giảm tiếp vào cuối năm và đầu năm sau. Đến giữa năm 2024, giá nguyên vật liệu sẽ trở về như lúc trước đại dịch và xung đột Nga - Ukraine. Nếu có thiết lập mặt bằng giá mới thì sẽ tăng khoảng 5-10% so với thời điểm đó.
Tổng cầu thị trường hiện nay bị giảm xuống do thu nhập giảm và suy thoái kinh tế. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, giá heo đã giảm mà thông thường giá heo hơi thường sẽ tăng 10-15% vào cuối năm.
Người dân thường nuôi heo trước để đón Tết với giá tốt, nhưng năm nay giá heo giảm trong thời gian cầu cao nhất của mọi năm đã phản ảnh sức mua suy giảm.
Dịch bện ASF làm tổng đàn heo đi xuống trong dài hạn nhưng ngắn hạn thì nguồn cung tăng, bởi người chăn nuôi đẩy heo ra thị trường sớm hơn làm giá giảm về quanh vùng giá 50.000 đồng/kg.
Theo nhận định của BAF, giá heo hơi đang trong quá trình hồi phục vì nguồn cung dài hạn đã giảm nhiều do dịch tả lợn càn quét tổng đàn. Cuối tháng 5 cho đến hết quý II năm sau, giá heo hơi bình quân sẽ rơi vào khoảng 60.000-65.000 đồng/kg. Do đó, từ giờ đến giữa năm sau giá sẽ tốt.
Tác động dịch tả lợn Châu Phi đến nguồn cung lợn tại Việt Nam ra sao?
Ông Trương Sỹ Bá: Hiện nay, dịch tả lợn đang hoành hành từ cuối năm ngoái và gần như trên thế giới chưa có vắc xin. Cũng có một số đơn vị công bố đã sản xuất được, nhưng BAF chưa kiểm nghiệm chắc chắn nên không sử dụng mà thực hiện "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Về chăn nuôi, nếu giữ được tổng đàn là thành công, đây là yếu tố quan trọng nhất. Bởi khi đó, giá cao cũng có đàn mà giá thấp cũng có đàn thì sẽ ra được giá bình quân. Nếu giá bình quân cao hơn giá vốn là thành công.
Còn nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ, tiềm lực yếu nên lúc có dịch họ phải bán lỗ. Ngược lại, khi giá heo cao, cần tái đàn thì họ không thể nên không ra được giá bình quân.
Chính dịch ASF là một thách thức cho các công ty chăn nuôi, đặc biệt, với chăn nuôi nhỏ lẻ. Chắc chắn chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ đi xuống. Từ mức 70% tổng đàn trên toàn Việt Nam trước đây, hiện tại, đang giảm còn 50% và tương lai sẽ khoảng 20-30%.
Do đó, BAF đầu tư để đón sóng tương lai. Công ty đang thực hiện lấy thị phần của chăn nuôi nhỏ lẻ và các đối thủ cũng đang làm điều này. Khi nào lấy hết phần này, công ty mới thực hiện cạnh tranh với các đối thủ ở nhóm cao hơn như doanh nghiệp FDI.
Theo tìm hiểu của BAF, hiện tại, tổng đàn của Việt Nam bị mất khoảng 20-25% so với bình thường nên thời gian sắp tới, chắc chắn giá sẽ tăng.
Giá heo hơi đã đi qua đáy chưa?
Ông Trương Sỹ Bá: Giá heo hơi chạm đáy ở vùng 49.000-50.000 đồng/kg và ở đó, không xuống thêm được nữa. Với giá này thì nông dân nhỏ lẻ nếu giữ được đàn trong dịch, sẽ lỗ. Bời vì, giá vốn của họ là 53.000-54.000 đông/kg, ai làm tốt hơn thì 51.000-52.000 đồng/kg.
Còn BAF đã có định mức, giá vốn chỉ quanh mức 45.000 đồng/kg
Với diễn biến dịch, câu chuyện giá heo hơi lên 100.000 đồng/kg như năm 2020 là hoàn toàn có thể. Tóm lại, đây là cơ hội cho những nhà chăn nuôi hiện đại.
Hiệu quả bán thịt heo qua Siba Food thế nào? Kế hoạch phát triển mảng Food thời gian tới?
Ông Trương Sỹ Bá: Ngoài những dự án đã được trình bày tại đại hội thì BAF còn khoảng 3 dự án lớn ở Đắk Lắk, Gia Lai và Nghệ An, nhưng chưa có giấy phép xây dựng nên chưa thể trình bày.
Dự kiến đến cuối năm 2024, giữa năm 2025 thì tổng đàn của BAF ở mức 90.000 con heo nái và hơn 2,2 triệu heo thịt. Khi đó, BAF chắc chắn nằm trong top 3 công ty về chăn nuôi.
Hiện nay, công ty đang giành thị phần của khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, các đối thủ cũng tương tự. Nên trong 7-10 năm nữa khi mà tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ổn định, câu chuyện cạnh tranh heo hơi sẽ rất khốc liệt. Do đó, từ bây giờ phải tính đến câu chuyện cạnh tranh trong tương lai với Feed – Farm – Food.
Feed là mảng dễ nhất và hiệu quả nhất, nhưng phải bán được sản phẩm và lợi nhuận khoảng 8-10%. Nhưng gần đây các công ty chăn nuôi cũng đang khó khăn, tái cấu trúc. Mảng Feed, 5-7 năm gần đây đã đến giai đoạn bão hoà, suy giảm so với trước đây.
Farm là nguồn tiêu thụ cho mảng Feed. Tuy nhiên, làm mảng này cũng cực kỳ khó. Bởi có tiền là xây dựng được nhưng để quản trị hiệu quả thì cực kỳ khó khăn, phức tạp. Có thể, khẳng định chăn nuôi heo là khó nhất trong hệ sinh thái BAF đang làm.
Còn mảng Food chắc chắn phải xây dựng bởi nếu các nhà máy đều cơ cấu chuyển sang Feed - Farm và dừng ở đó thì cạnh tranh sẽ rất khốc liệt. Mảng Food thì phải giết mổ và sau đó phải bán ra các kênh phân phối, cũng như chế biến sâu để tối ưu bài toán giá trị gia tăng.
Chính vì thế Tập đoàn Tân Long phải xây dựng chuỗi Siba Food và BAF tham gia một phần nhỏ trong đó. Khi mảng bán lẻ này lớn lên sẽ phục vụ ngay đầu ra sau giết mổ cho BAF.
Đối với BAF thì chỉ tham gia vào Siba Food có 10% vốn nên không tính đến chuyện lời lỗ. Shiba Food cũng giống như những khách hàng khác của công ty và việc xây dựng chuỗi bán lẻ không thể nhanh chóng được nên công ty đang đi chậm, chắc.
Nếu khép kín được chuỗi 3F thì coi như công ty chiến thắng không có đối thủ, còn vẫn bán heo hơi thì sẽ gặp khó khăn trong tương lai.
Vì sao kết quả kinh doanh quý I thấp?
Ông Trương Sỹ Bá: Kết quả bị ảnh hưởng từ quý trước vì giá heo hơi xuống. Tuy nhiên, giá heo có tính chu kỳ cao. Chu kỳ giá xuống mất 3-6 tháng nhưng chu kỳ tăng giá cũng vậy. Cho nên giá phải tính giá bình quân cả năm.
BAF đang xây dựng rất nhiều trang trại. Mà trang trại đang khởi công đến lúc có doanh thu thì mất khoảng 1,5 năm nhưng thời gian đó vẫn phải trả lãi vay. Các báo cáo sau này có thể bóc tách riêng phần của những trang trại hiện hữu để có góc nhìn khách quan hơn.
Thời gian qua các công ty khác lỗ bởi vì họ dính dịch bệnh. Nhưng BAF vẫn bảo vệ được đàn nên phát triển tốt.
"Không công ty nào bị dịch lại thông báo rằng tôi dính dịch cả", ông Bá nói.
Giá cổ phiếu BAF đang giảm mạnh kể từ tháng 2/2022, tại sao ban lãnh đạo lại tự tin phát hành huy động vốn thời điểm hiện tại?
Ông Trương Sỹ Bá: Trong giai đoạn 2020-2021 là thời gian đại dịch, BAF đã tập trung mua các dự án, đất đai tại các tỉnh để chuẩn bị cho việc đầu tư mạnh.
BAF khẳng định việc lên sàn là để đại chúng hoá, huy động những nguồn lực tốt nhất để phát triển chứ không có ý định bán vốn và chắc chắn không làm điều đó. Công ty chỉ lên sàn với mục tiêu để huy động nguồn vốn đại chúng để mở rộng kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Tầm nhìn năm 2030 của BAF là có 6 triệu con heo thịt và 4 triệu con heo liên kết với nông dân, như vậy có hơn 10 triệu con. Từ đó, cần xây dựng hơn 10 nhà máy thức ăn chăn nuôi, cộng với 130 trang trại. Với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng cho mỗi trang trại như hiện nay thì cần gần 30.000 tỷ đồng để đầu tư. Tuy nhiên, thì công ty sẽ không đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn vay, huy động mà còn dựa vào lợi nhuận giữ lại.
Hy vọng hết giai đoạn 2025-2026, BAF sẽ tái đầu tư bằng chính nguồn lợi nhuận và vốn khấu hao. Do đó, thời gian này BAF chưa thể chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tại sao BAF tài trợ hai câu lạc bộ bóng đá trong tình hình kinh doanh hiện tại?
Ông Trương Sỹ Bá: Tài trợ CLB Bóng đá Sông Lam Nghệ An là Tập Tân Long chứ không phải BAF và BAF được hưởng lợi từ Tân Long.
Còn về CLB Hà Nội FC thì BAF đang mở rộng ra thị trường này, nhưng cũng là Tân Long tài trợ chứ chưa lấy đồng nào từ BAF.
Lý do dời trụ sở hoạt động là gì?
Ông Trương Sỹ Bá: Văn phòng cũ tận dụng từ Tân Long nên không tốn chi phí. Do quá trình phát triển, để tạo ra hình ảnh chuyên nghiệp hơn nên mới đổi văn phòng. Chi phí văn phòng mới tốn khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm.
Tân Long có nhà máy gạo Hạnh Phúc ở An Giang thì BAF có hưởng lợi gì về nguồn phụ phẩm không?
Ông Trương Sỹ Bá: Khi BAF bắt đầu sản xuất cám cho đàn heo nội bộ thì phụ phẩm lúa gạo của Tân Long luôn đặc biệt ưu tiên cho BAF về mặt chất lượng.
Nhà máy giết mổ ở Bình Phước công suất đầu tư như thế nào?
Ông Trương Sỹ Bá: BAF đang trong quá trình xây dựng mảng Food. Trước đây, khi chưa xây dựng Food thì công ty cũng tính toán phải xây dựng hệ thống giết mổ hiện đại. Nhưng sau khi làm Shiba Food, thịt đóng khay thị trường tiêu thụ manh mún và nhỏ lẻ.
Công ty có nghiên cứu các đối tác thì họ cũng gặp vấn đề giải quyết phụ phẩm. Sản xuất và bán ra càng nhiều top sell (các phần thịt được ưu chuộng như ba rọi,...) thì phụ phẩm càng nhiều, có thể gây ra thua lỗ.
Mà nếu làm thịt cấp đông thì không hiệu quả vì phải cạnh tranh thị đông lạnh nhập khẩu giá rẻ. Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thay đổi, nên phân khúc thịt mát cũng đang phải xem lại.
Nếu đầu tư ra nhà máy hiện đại mà không lấp đầy công suất trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí, nên công ty đang chờ đợi thêm thời gian mới xây dựng. Tuy nhiên, nếu xây dựng thì công xuất là 240 con/giờ.
Có thể sắp tới BAF sẽ đầu tư dạng phân tán, đáp ứng nhu cầu của từng khu vực tiêu thụ theo hình thức thủ công kết hợp công nghệ để chi phí đầu tư rẻ và tối ưu chi phí vận chuyển.