Tài chính

Khó khăn dần hiện hữu, ngân hàng nào sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn?

Theo báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây của Chứng khoán VNDirect, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý I/2023 thể hiện những khó khăn đang dần hiện hữu.

Tính đến cuối quý I, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 2,1% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức 5 - 6% của các quý cùng kỳ năm trước. Trong đó, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp lớn có mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành như Techcombank, HDBank, VPBank, TPBank, MSB,... trong khi tín dụng cá nhân lại suy giảm.

 

 

 

 

Chuyên gia phân tích cho rằng nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của nhóm khách hàng cá nhân, theo đó làm giảm nhu cầu vay và các ngân hàng cũng sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm này.

Ngược lại, các khách hàng doanh nghiệp mà cụ thể là BĐS lại có nhu cầu cao về vốn, họ cần thêm dòng tiền để đảo nợ/tài trợ hoạt động kinh doanh. Tín dụng kinh doanh BĐS tăng 6,5% so với đầu năm.

Bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, VNDirect nhận định các khách hàng cá nhân (KHCN) sẽ có xu hướng tăng “gửi tiết kiệm” trong môi trường lãi suất cao và kinh tế suy yếu (thể hiện ở việc tiền gửi cá nhân tiếp tục đà tăng trưởng cho đến tháng 2/2023). Trong khi đó, tiền gửi KHDN tiếp tục sụt giảm đáng kể cùng thời điểm.

 

 

 

Ngân hàng nào sẽ hạn chế được rủi ro thu hẹp NIM?

Theo khảo sát của VNDirect, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trung bình của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm 18 điểm cơ bản trong quý I/2023 do các ngân hàng đã phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.

Hơn nữa, NIM của một số ngân hàng cổ phần như Techcombank, TPBank, VPBank, MB,... giảm đáng kể do thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng (hai lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường) đang khó khăn.

 

 

 

Chuyên gia của VNDirect cho rằng xu hướng tăng cho vay KHDN và huy động từ KHCN sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi, dự kiến ít nhất đến quý III/2023.

Do đó, trong 2023, NIM của các ngân hàng cho vay KHDN và nắm giữ TPDN trong danh mục tín dụng và huy động chỉ phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng, sẽ giảm mạnh hơn toàn ngành.

Ngược lại, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa dạng (từ liên ngân hàng, KHCN, CASA cao…) như VIB, HDBank, MB,… sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp.

Riêng với Sacombank, NIM sẽ cải thiện đáng kể nhờ không còn áp lực lãi dự thu.

Nợ xấu vẫn là yếu tố đáng quan tâm nhất

Theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý I (so với 2% cuối 2022). Đa số ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng và bao phủ nợ xấu (LLR) giảm so với quý trước.

Chuyên gia phân tích cũng lưu ý những khó khăn từ thị trường BĐS vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối 2022. Do vậy, những ngân hàng có bộ đệm dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào BĐS như Vietcombank, ACB… sẽ hạn chế được rủi ro hiện tại.

"Chúng tôi kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng, cụ thể như Techcombank, MB, VPBank,… được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành và một số dự án BĐS được tháo gỡ pháp lý", báo cáo viết.

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm