Bất động sản

Giao dịch đình trệ vì khách ép giá “rát” với chủ đất: "Tôi chủ yếu săn hàng cắt lỗ, không bán thì thôi"

Giao dịch đình trệ vì khách ép giá “rát” với chủ đất: "Tôi chủ yếu săn hàng cắt lỗ, không bán thì thôi" - Ảnh 1.

Một câu chuyện được kể ra từ môi giới bất động sản tại thị trường khu Đông Tp.HCM. Môi giới này rao bán căn nhà phố trong khu đô thị giá 9.5 tỉ đồng cho một nhà đầu tư. Mức giá này đã giảm gần 2 tỉ đồng so với khu vực.

Sau một thời gian rao bán, một vị khách vào xem nhà và trả giá xuống 6 tỉ đồng. Dù sốc và biết rằng chủ nhà sẽ không bán với mức giá này, nhưng môi giới vẫn cố thuyết phục khách để mong có giao dịch. Dù vậy, với mức giá này, chủ nhà từ chối thương lượng và gần như không muốn tiếp vị khách lẫn môi giới.

Theo nam môi giới, dù được thuyết phục mức giá chủ nhà đưa ra đã rất tốt so với thị trường nhưng khách mua giữ quan điểm “phải giá đó mới mua”. Thậm chí, nhiều vị khách cho rằng “tôi săn hàng cắt lỗ, không bán thì thôi”, liên tục ép giá bên bán với mức giá giảm từ 50-70%.

Sở hữu hai nền đất tại quận 9 (cũ, nay là Tp.Thủ Đức, Tp.HCM), do kẹt dòng tiền, anh Hoàng rao bán một nền với mức giá 2.5 tỉ đồng. Giá này đã giảm 300 triệu đồng so với nền đất bên cạnh. Tuy nhiên, mới đây anh đã xảy ra cự cãi với người mua và môi giới khi bên mua trả giá nền đất của anh còn 1.9 tỉ đồng. Dù tức giận vì cách “trả bỏ” của bên mua, nhưng anh Hoàng cũng tỏ ra lo lắng vì mảnh đất của mình mất giá nhiều như vậy.

Là nhà đầu tư có dòng tài chính tốt và chuyên đi tìm hàng ngộp để mua vào, anh Q (sống tại Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết, lúc này giá phải thật tốt mới mua vào. Tuy nhiên, cũng có những bất động sản vị trí đẹp, ưng ý nhưng chủ nhà không chịu giảm giá thêm thì vẫn mua. Ngược lại, có những bất động sản phải giảm thêm nữa mới mua được. “Đây cũng là giai đoạn nhiều người kẹt cần bán ra nên mình có thể trả được giá tốt”, vị này cho hay.

Giao dịch đình trệ vì khách ép giá “rát” với chủ đất: "Tôi chủ yếu săn hàng cắt lỗ, không bán thì thôi" - Ảnh 2.

Hiện nay, bên mua chỉ nhắm đến bất động sản ngộp tài chính cần cắt lỗ sâu, họ vào ép giá rất “rát” bên bán. Đây cũng là lý do nhiều tháng qua dù nguồn hàng ngộp ra thị trường nhiều nhưng giao dịch phần lớn ở tình trạng chờ do các bên không thương lượng được giá. Bên bán không muốn bán với giá quá rẻ, bên mua thì không vội, vì cho rằng, giá bất động sản còn giảm.

Theo ông Phan Vi, một một môi giới lĩnh vực nhà phố cho biết, có nhiều người đi mua bất động sản theo hình thức “trả bỏ”. Khi thấy người bán cần dòng tiền nên liên tục trả giá thấp. Hoặc trực tiếp trả giá hoặc thông qua môi giới để ép giá. Tuy nhiên, hiện tại rất ít người mua bán bằng mọi giá. Nếu bên bán đến mức phải bán tháo kiểu mất trắng (giảm 60-70%) thì họ sẽ có xu hướng dừng lại và tìm phương án khác.

Theo một nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực bất động sản, chuyện trả giá để mua được giá thấp nhất diễn ra thường xuyên trên thị trường. Tuy nhiên, ép giá giảm 50-70% là hiếm gặp. Những tài sản ngộp ở giai đoạn này đa số giảm 15-30%, rất ít trường hợp giảm 50%. Những giao dịch xuất hiện trên thị trường gần đây đều đến từ các giao dịch ngộp, chủ yếu ở phân khúc đất nền.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm