Sức khỏe

Lý Sơn vơi dần những chuyến tàu ngược gió cứu người

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý, diện tích hơn 10km², là nơi sinh sống của hơn 22.000 người dân. Đồng thời là điểm đến của hàng trăm nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Thế nhưng, vào mùa mưa bão, hòn đảo này lại rơi vào tình cảnh bị cô lập hoàn toàn với đất liền.

Ngày trước, mỗi ca cấp cứu là một cuộc chạy đua nghẹt thở giữa sự sống và cái chết. Không ít lần, người nhà chỉ biết bất lực nhìn người thân trở nặng vì không có tàu, không có phương tiện để rời đảo, đưa bệnh nhân vào đất liền cấp cứu.

Lý Sơn vơi dần những chuyến tàu ngược gió cứu người ảnh 1

Một góc huyện đảo Lý Sơn.

Trước tình trạng đó, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn. Công trình được đầu tư có diện tích trên 13.000m2, tổng kinh phí 287 tỷ đồng, quy mô 100 giường bệnh, cùng trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bệnh viện cấp huyện hạng III.

Vào một đêm cuối tháng 4, thời tiết trên vùng biển Lý Sơn chuyển biến xấu, một nam thanh niên bị tai nạn giao thông trong tình trạng đa chấn thương, được người thân chuyển đến Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn.

Nếu như trước đây, với những triệu chứng nghi ngờ chấn thương sọ não, bệnh nhân sẽ buộc phải chuyển tuyến khẩn cấp vào đất liền để chụp CT (chụp cắt lớp), điều trị. Gia đình sẽ phải “cắn răng” chi gần 20 triệu đồng cho một chuyến tàu vượt biển vào đất liền cấp cứu, bất chấp hiểm nguy giữa biển khơi.

Lý Sơn vơi dần những chuyến tàu ngược gió cứu người ảnh 2

Trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn với quy mô 100 giường bệnh.

Nhưng lần này, bệnh nhân được các bác sĩ đưa đi chụp CT não ngay tại đảo bằng hệ thống máy hiện đại. Sau khi có kết quả, các bác sĩ loại trừ được tình trạng chấn thương sọ não, nên giữ bệnh nhân lại huyện đảo để điều trị, không phải chuyển tuyến vào đất liền.

“Trước kia chưa có máy CT, trường hợp này người nhà buộc phải đưa bệnh nhân vào đất liền, tốn kém rất nhiều chi phí. Riêng khoản thuê tàu tốn gần 20 triệu đồng”, bác sĩ Trần Thành Tân - Trưởng khoa Dược cận lâm sàng (Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn) nói.

Theo bác sĩ Tân, bây giờ đơn vị đã được đầu tư nhiều trang thiết bị tiên tiến. Đáng chú ý là lần đầu tiên y tế huyện đảo đưa vào sử dụng máy CT 32 lát cắt, máy X-Quang kỹ thuật số hiện đại, giúp các bác sĩ chẩn đoán cận lâm sàng hiệu quả hơn trước đây rất nhiều, một số ca được xử lý ngay tại chỗ, giảm tình trạng chuyển tuyến vào đất liền, đỡ tốn kém chi phí đi lại cho người dân.

Lý Sơn vơi dần những chuyến tàu ngược gió cứu người ảnh 3

Lần đầu tiên trên huyện đảo Lý Sơn có máy CT 32 lát cắt.

Sau hơn một năm đưa vào sử dụng, Trung tâm Y tế quân dân y huyện Lý Sơn với quy mô khang trang, hiện đại đã từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cho người dân huyện đảo. Mỗi ngày, cơ sở điều trị nội trú cho trên 50 bệnh nhân và điều trị ngoại trú cho trên 100 bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh đạt khoảng 70- 75%.

Bà Bùi Thị Tứ (thôn Đông An Hải) cho hay, bà bị bệnh mãn tính, thường xuyên đến trung tâm để điều trị bệnh, lấy thuốc. Được khám bệnh với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại gần nhà và được y bác sĩ tư vấn rất nhiệt tình, bà rất hài lòng.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn Dương Tiến Thuận, hiện Trung tâm có tổng cộng hơn 80 cán bộ y bác sĩ, trong đó có 14 bác sĩ với 7 khoa chuyên môn. “Với điều kiện cách trở với đất liền, Trung tâm đã quán triệt, động viên đội ngũ y, bác sĩ khắc phục khó khăn, nâng cao y đức để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân đất đảo. Những trường hợp bệnh phức tạp mới chuyển tuyến”, ông Thuận cho hay.

Lý Sơn vơi dần những chuyến tàu ngược gió cứu người ảnh 4

Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân.

Đặc biệt, vào mùa mưa bão, những bệnh nhân nặng rất khó chuyển tuyến kịp thời. Do đó, Sở Y tế còn điều động các y, bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh ra hỗ trợ cho Trung tâm, giúp rất nhiều bệnh nhân nặng thoát khỏi nguy kịch.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương chia sẻ, công trình này có ý nghĩa chiến lược không chỉ với sức khỏe nhân dân, cán bộ chiến sĩ mà còn đảm bảo điều kiện y tế cho hàng trăm nghìn du khách đến đảo mỗi năm.

Lý Sơn vơi dần những chuyến tàu ngược gió cứu người ảnh 5

Người dân điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế quân dân y Lý Sơn.

Thế nhưng để trung tâm hoạt động ổn định, lâu dài, huyện Lý Sơn mong muốn ngành y tế sớm có chính sách thu hút bác sĩ về đảo. “Ngoài chế độ đãi ngộ, cần khuyến khích đào tạo bác sĩ là con em địa phương. Chỉ có họ mới thật sự gắn bó lâu dài”, bà Hương nhấn mạnh.

Đồng thời, ngành y tế cũng cần có giải pháp thu hút, điều chuyển nhân lực bác sĩ có chuyên môn sâu để đáp ứng nhu cầu cấp cứu người bệnh, nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị, an toàn tính mạng cho người bệnh tại đảo Lý Sơn.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt tăng

Sáng nay (20/5), giá vàng miếng tăng mạnh trở lại, lên hơn 119 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn thấp hơn giá vàng miếng từ 2-4,5 triệu đồng/lượng tuỳ từng thương hiệu.

Lương hưu ra sao từ ngày 1/7?

Từ 1/7, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới có hiệu lực quy định thời điểm hưởng lương hưu được xác định là ngày đầu tiên của tháng tính từ ngày đầu tiên của tháng liền kề sau tháng người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện hưởng.

EVNGENCO3 sẵn sàng huy động trong cao điểm mùa khô 2025

Với 2,77 tỷ kWh điện sản xuất trong tháng 4, sản lượng của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) trong 4 tháng đầu năm 2025 nâng lên 9,57 tỷ kWh, đạt 99,1% kế hoạch và bằng 103,1% cùng kỳ năm 2024.

Bị chẩn đoán nhầm suốt 9 năm, cô gái suýt mất đôi tay vì bệnh ung thư hiếm gặp

Cô gái 23 tuổi đã trải qua 10 năm chịu những cơn đau với 2 lần mổ không triệt để vừa được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chẩn đoán mắc sarcoma bao hoạt dịch. Đây là một loại ung thư mô liên kết hiếm gặp và rất nguy hiểm, dễ tái phát và không đáp ứng với hóa xạ trị. Với phương pháp vi phẫu do các bác sĩ thực hiện, bệnh nhân đã giữ lại được đôi tay.

Không để cán bộ "ngồi cà phê bàn chuyện cơ cấu" xao nhãng nhiệm vụ

“Về tư tưởng cán bộ, khi sáp nhập, chắc chắn sẽ có tâm lý dao động. Vì vậy, cần tuyên truyền, giải thích rõ để cán bộ, đảng viên hiểu và đồng thuận. Không nên để tình trạng cán bộ ngồi cà phê sáng bàn chuyện cơ cấu, rồi xao nhãng nhiệm vụ”, ông Đồng Văn Thanh – Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang trao đổi tại cuộc họp với lãnh đạo Cần Thơ, Sóc Trăng về hợp nhất 3 địa phương.