Theo chương trình Quốc hội dự kiến, sáng nay (20/5), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trình bày dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD)sửa đổi.
Dự thảo luật đưa ra lần này nhằm thể chế hóa các quy định đã được áp dụng theo Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu,đặc biệt liên quan đến quyền xử lý tài sản bảo đảm, thu giữ tài sản và thu hồi nợ.
Trong dự thảo Luật sửa đổi lần này, Chính phủ đề xuất luật hóa ba nhóm chính sách tại Nghị quyết 42/2017QH14.
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng.
Thứ hai, tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các tổ chức tín dụng.
Với dự thảo Luật lần này, NHNN kỳ vọng sẽ tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả hơn để xử lý dứt điểm nợ xấu và tăng cường tính ổn định cho hệ thống TCTD. Đồng thời, góp phần khơi thông nguồn vốn, tạo động lực khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%.
Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý trong dự thảo là đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt.
Cụ thể, dự thảo đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm và không có tài sản bảo đảm từ Thủ tướng Chính phủ về NHNN.
"Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm đối với tổ chức tín dụng. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0%/năm", theo dự thảo.
Quy định này không chỉ triệt để phân cấp, phân quyền mà còn giảm bớt khâu trung gian, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD.
Việc phân cấp này cũng nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của NHNN trong công tác điều hành, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn về thanh khoản hoặc cần can thiệp khẩn cấp để bảo vệ hệ thống.
Theo NHNN, việc luật hóa các quy định quan trọng trong xử lý nợ xấu và phân cấp thẩm quyền cho vay đặc biệt được kỳ vọng không chỉ giúp ngành ngân hàng vận hành hiệu quả hơn, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ an toàn hệ thống tài chính quốc gia trước các rủi ro tiềm ẩn.
Đây cũng là bước đệm để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tổ chức quốc tế và các chủ thể trong nền kinh tế đối với năng lực điều hành và sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam.