Sáng 25-8, TAND Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử hai bảo mẫu Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành (cùng ở Hà Nội) về tội giết người. Hai bị cáo đã đánh đập, hành hạ khiến cháu bé 17 tháng tuổi tử vong.
Hai bị cáo tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: CTV
Lời khai của bảo mẫu
Theo cáo trạng, hai bị cáo mở lớp trông trẻ trái phép tại thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội. Vào khoảng tháng 2-2023, khi nhận trông cháu Phạm Tiến Đ. (sinh ngày 11-9-2021), con chị Phùng Thị T., hai bảo mẫu đã ném, tát, dùng chân giẫm đạp, đá vào bụng, ngực, tai cháu khiến cháu tử vong.
Trên bục khai báo tại phiên tòa, hai bị cáo cúi gằm mặt, vừa trả lời HĐXX vừa sụt sùi. Bị cáo An khai vào ngày đầu tiên cháu Đ. được mẹ đưa đến cơ sở trông giữ trẻ, cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Lúc nhận trẻ là 7 giờ 30.
Đến khoảng 9 giờ, các bị cáo đưa các cháu vào phòng ngủ thì cháu Đ. quấy khóc. Bị cáo An nhìn thấy Lành xốc cháu lên, mang vào phòng ngủ và ném cháu xuống nền nhà (có trải tấm xốp).
Nghe lời khai của bảo mẫu, người mẹ đau khổ khóc nấc, còn người cha liên tục lau nước mắt.
Bị cáo An khai nhìn thấy hành vi đó nhưng không làm gì để ngăn lại. Khi chủ tọa hỏi bị cáo ''có thấy nguy hiểm không'', bị cáo im lặng.
Sau đó, cháu bé vẫn khóc. Bị cáo khai đã ''dùng chân phải giẫm, đạp vào ngực, bụng, tai'' cháu bé.
Đến ngày 26-3, cháu Đ. vẫn đến lớp, lúc đó mình bị cáo An đón trẻ, bị cáo Lành bận việc gia đình. Lúc cháu bé bất tỉnh, ''chị Lành hướng dẫn bị cáo nói là Đ. ốm'' - bị cáo An khai.
Cũng theo lời khai của bị cáo An, hai bị cáo không có trình độ bằng cấp, cơ sở trông giữ trẻ cũng không được cấp phép.
Khi chủ tọa hỏi ''có bị chính quyền kiểm tra không?''. Bị cáo An khẳng định không bị kiểm tra.
Tuy nhiên, chủ tọa đã công bố cơ sở trông giữ trẻ này đã 2 lần bị kiểm tra. Lần thứ nhất, UBND xã Vạn Điểm ra quyết định tạm đình chỉ; lần thứ hai, UBND xã ra quyết định đình chỉ. Nhưng các bị cáo vẫn tiếp tục tổ chức trông giữ trẻ.
Còn bị cáo Lành thừa nhận các hành vi cáo trạng đã nêu và xin lỗi vì hành vi không kiểm soát được của mình
Chủ tọa phiên tòa hỏi ''bị cáo nhận trông các cháu thì phải chăm sóc dỗ dành khi quấy khóc. Đây lại dùng hành động vậy, bị cáo suy nghĩ gì?''. Hai bảo mẫu chỉ im lặng, cúi đầu nhận tội.
Nước mắt cha mẹ
Chị T. mẹ cháu vừa khóc vừa trình bày trước Tòa án, chị tin tưởng người quen, người nhà nên đã gửi cháu. Bình thường cháu rất ngoan. Khi gửi cháu đến lớp, như mọi ngày, khi Lành trả cháu bé, chị thấy trên người con có vết tím. Chị có hỏi con bị làm sao thì Lành bảo con chơi bị ngã.
Lúc đó, chị không nghi ngờ vì lúc sau con vẫn bình thường. Đến tối, chồng chị hỏi sao con bị tím tai thế này rồi mắng nên chị cũng hỏi lại An. An bảo trưa cháu không ngủ, nghịch nên thế. Lúc chiều đón, Lành cũng bảo ''chị ơi, trưa cháu không ngủ nên trèo lên ghế bị ngã''.
''Mọi người cứ nói là trẻ con ngã có mụ đỡ nên tôi không lo lắng lắm, phần nữa cũng tin tưởng các cô'' - mẹ cháu bé nói.
Người mẹ khai tiếp, các ngày 24, 25-2, cháu không có vấn đề gì, đến rạng sáng 26 thì cháu có tỉnh giấc, ho hai tiếng thì trớ sữa. Sáng 26-2, cháu ăn hết 1 chén cháo, đến 7 giờ 30 thì đến lớp. Đến 10 giờ 30, cô giáo gọi điện, chị hoảng quá, chạy về.
''Hoảng quá, tôi hô hào bế con lên trạm xá sơ cứu. Lúc đó, cháu vẫn ở lớp, nằm ở nền xốp, cứng đơ, thẳng cẳng, quần áo ướt hết. Tôi bế con đi ra trạm xá, lấy được cái bình oxy cho con thở được tí, nấc lên một chút. Sau đó trên xe đến bệnh viện, con lại nấc, trớ ra bát cháo. Lúc đó trên xe, tôi chỉ có biết khóc gọi con'' - người mẹ vừa khóc vừa khai.
Cha cháu bé cho biết mỗi gia đình của hai bị cáo đã bồi thường 200 triệu đồng.
Giám định pháp y kết luận, nguyên nhân cháu Đ. tử vong là suy tuần hoàn hô hấp không hồi phục do chấn thương sọ não nặng. Chấn thương sọ não của cháu bị gây ra do tác động của vật tày vào vùng trán - đỉnh - thái dương trái.