Theo CNBC, làn sóng này đang diễn ra ồ ạt sau khi giá tiền điện tử giảm mạnh. Số người phải nghỉ việc ở Coinbase chiếm gần 1/5 nhân sự trong bối cảnh thị trường liên tục mất đáy. Sàn này có khoảng 5.000 nhân viên toàn thời gian.
Công ty cho biết ban đầu chỉ định ngừng tuyển dụng, nhưng sau hai tuần thị trường liên tục biến động, họ buộc phải cắt giảm. Trước đó vào đầu năm, sàn giao dịch này từng tuyên bố sẽ tuyển thêm 2.000 nhân viên nhưng kế hoạch đã phá sản.
Brian Armstrong, Giám đốc điều hành của Coinbase, cho biết: "Chi phí nhân sự chiếm tỷ lệ quá cao trong thị trường bất ổn. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng chúng tôi không thể gồng gánh thêm trong bối cảnh này". Công ty cho biết họ thậm chí không có các khoản trợ cấp về mặt tài chính cho nhân viên bị mất việc.
Coinbase không phải là công ty tiền mã hóa duy nhất phải giảm nhân sự. Ngày 13/6, BlockFi, nền tảng cho vay và giao dịch tiền điện tử thông báo sa thải 20% trong số 850 nhân viên. Trên Twitter, Giám đốc điều hành Zac Prince cho biết việc cắt giảm lần này do "sự thay đổi đột ngột của thị trường".
Trước đó, công ty đã có một "cơn mưa" tuyển dụng cuối năm 2020. Khi thị trường sôi động, số nhân sự của họ tăng từ 150 lên hơn 850. Giờ đây BlockFi chỉ còn khoảng 600 nhân viên. Zac Prince cho biết, ngoài nhân sự, BlockFi còn tìm cách giảm chi phí tiếp thị, loại bỏ các nhà cung cấp không quan trọng, giảm lương và đóng băng tuyển dụng.
Làn sóng không chỉ diễn ra ở nước Mỹ mà còn lan khắp thế giới. Crypto.com - công ty có trụ sở tại Singapore cho biết họ sẽ đã giảm 260 nhân viên đầu tháng 6, tương đương 5% nhân sự. Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa như Gemini, Mercado Bitcoin và Bitso cũng đã sa thải ít nhất 10% nhân viên.
Một số người bị nghỉ việc cho biết họ đã chuẩn bị tâm lý từ trước khi tham gia vào thị trường. Trong thời kỳ hoàng kim, họ được trả mức lương hậu hĩnh nên dù bị cắt giảm, những người làm trong lĩnh vực này không tỏ ra quá sốc. Nhiều người tin khi thị trường ổn định trở lại, họ vẫn có thể tìm được công việc mới.
Ngày 14/6, giá trị của Bitcoin, Ethereum và nhiều tiền số khác đã giảm mạnh. Celsius, nền tảng cho vay tiền mã hóa, đã tạm dừng mọi hoạt động rút tiền và chuyển khoản do "điều kiện thị trường khắc nghiệt". Binance - sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới cũng dừng rút BTC trong vòng ba tiếng với lý do sự cố kỹ thuật.
Kris Marszalek, Giám đốc điều hành Crypto.com, nói với Los Angeles Times: "Vài năm tới, khi nhìn lại giai đoạn này, chúng ta sẽ thấy thị trường đã cố gắng vượt 'cửa tử' để trở nên khởi sắc hơn".
Trong khi đó, The Verge cho rằng các công ty tiền mã hóa đã có một đợt tuyển dụng ồ ạt khi thị trường sôi động và nhiều người đặt kỳ vọng lớn vào công nghệ blockchain. Tuy nhiên đến nay, khi đà tăng trưởng chững lại, hàng nghìn tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường, doanh số NFT sụt giảm và các công ty lớn trong ngành đều gặp rắc rối, làn sóng sa thải diễn ra trên quy mô rộng là điều dễ hiểu.
Nhiều công ty công nghệ truyền thống và cả Big Tech cũng đều gặp khó khăn ở giai đoạn này. Tuy nhiên, mọi thứ trong thị trường tiền mã hóa có thể sụp đổ nhanh hơn bình thường. Hầu hết công ty tiền điện tử thu hút khách hàng bằng lời hứa kiếm tiền nhanh. Nhưng khi mọi thứ thay đổi, mô hình kinh doanh của họ có thể biến mất sau một đêm.