Công nghệ

Sự trỗi dậy của "bản sao" công nghệ tại Trung Quốc

Dựa trên quy mô nền kinh tế và dân số, Trung Quốc từ lâu trở thành một trong những điểm đến mà các doanh nghiệp toàn cầu không thể bỏ qua. Tuy nhiên, một loạt cuộc rút lui gần đây, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, cho thấy đây vẫn là thị trường khó nhằn đối với các công ty đa quốc gia.

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa cơ chế quản lý gắt gao, sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong nước và sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc khiến nhiều công ty rơi vào thế khó. Tháng trước, mô hình lưu trú Airbnb trở thành dịch vụ công nghệ nước ngoài mới nhất rời bỏ Trung Quốc.

"Việc Trung Quốc thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, cũng như các hạn chế vì Covid-19 chỉ là yếu tố góp phần khiến Airbnb rút lui, không phải là lý do chính. Lý do cơ bản nhất là sự cạnh tranh gay gắt mà Airbnb phải đối mặt từ các đối thủ bản địa như Meituan và Ctrip với các dịch vụ đa tính năng", Angela Zhang, phó giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, nhận xét.

Lĩnh vực Công ty Mỹ Năm rời Trung Quốc Đối thủ tại Trung Quốc
Thương mại điện tử eBay 2016 Alibaba, JD.com
Thương mại điện tử Amazon 2019 Alibaba, JD.com
Mua chung Groupon 2011 Meituan
Dịch vụ vận tải Uber 2016 Didi
Tin tức Yahoo 2015 Sohu, Tencent
Email Yahoo 2022 Tencent, Net2Ease
Chia sẻ lưu trú Airbnb 2022 Tujia, Xiaozhu, Meituan
Sách điện tử Amazon Kindle 2023 Tencent

Loạt công ty Mỹ rời Trung Quốc do không thể cạnh tranh với dịch vụ nội. Nguồn: SCMP

Không lâu sau thông báo của Airbnb, Amazon cũng cho biết sẽ dừng mảng kinh doanh Kindle ở Trung Quốc. Họ đã ngừng bán thiết bị Kindle cho các nhà phân phối địa phương, còn cửa hàng sách trực tuyến sẽ đóng từ 30/6/2023.

Sự rút lui của Amazon khỏi Trung Quốc thực tế đã bắt đầu từ 2019, khi công ty đóng cổng thương mại điện tử. Quyết định được đưa ra sau khi hãng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ như Alibaba hay JD.com. Đây cũng là những cái tên đã đánh bật eBay vào năm 2016.

Hàng loạt ông lớn công nghệ phải rời Trung Quốc sau nhiều năm bị các đối thủ nội địa cạnh tranh. Cuối năm ngoái, mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn của Microsoft tuyên bố dừng hoạt động ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Yahoo đã đóng cổng tin tức tại đây từ 2015 và tiếp tục chấm dứt dịch vụ email trong năm nay. Hãng đồ dùng thể thao Nike cũng vừa rút ứng dụng mua sắm trực tuyến trong tháng này.

Những động thái trên đánh dấu sự tương phản rõ nét so với vài năm trước đây, khi Trung Quốc được coi là một thị trường phát triển với vô số tiềm năng. Khi đến thăm Trung Quốc năm 2017, Brian Chesky, nhà sáng lập Airbnb, từng bày tỏ tham vọng lớn khi tuyên bố tăng gấp đôi đầu tư và gấp ba lực lượng lao động. Dù vậy, dịch vụ này đã không thể trụ lại sau 5 năm.

"Mức chiết khấu mà Airbnb đưa ra không bằng các nền tảng địa phương như Fliggy và Trip.com, vì vậy người tiêu dùng thích chuyển sang các dịch vụ trong nước hơn", Tong Wenhao, nhà phân tích của công ty nghiên cứu LeadLeo, giải thích. "Các nền tảng địa phương cũng dễ giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng vì họ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành du lịch".

Cũng theo Wenhao, đó cũng là một trong các điểm yếu của các công ty Internet nước ngoài như Amazon và eBay - những doanh nghiệp đang bành trướng toàn cầu nhưng không thể phá vỡ thị trường Trung Quốc. Amazon và eBay bị lấn át bởi các nền tảng địa phương vốn ra đời sau như Alibaba và JD.com.

Trong trường hợp của Amazon năm 2019, Wenhao cho rằng công ty đã cố tìm cách đưa mô hình đăng ký Prime vào dịch vụ của mình. Trong khi mọi thứ miễn phí tại Trung Quốc, việc yêu cầu người dùng đăng ký khoản phí 288 nhân dân tệ (43 USD) mỗi năm khiến không ít người chuyển sang sản phẩm khác.

Một lý do khác là người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi cách mua sắm trực tuyến. Chẳng hạn, Taobao của Alibaba dẫn đầu về livestream bán hàng trong thị trường thương mại điện tử, trong khi Amazon đầu tư rất ít vào hình thức này.

Theo Rui Ma, người sáng lập Techbuzz China Podcast, các doanh nghiệp nước ngoài bị đánh giá khó nắm bắt xu hướng và tâm lý người dùng Trung Quốc hơn.

Thị trường Trung Quốc được đánh giá là khắc nghiệt với các dịch vụ trực tuyến nước ngoài. Ảnh: SCMP

Thị trường Trung Quốc được đánh giá là khắc nghiệt với các dịch vụ trực tuyến nước ngoài. Ảnh: SCMP

Ngược lại, các công ty chuyên về phần cứng ít bị ảnh hưởng hơn. Chẳng hạn, Apple vẫn là thương hiệu smartphone lớn thứ ba tại đây khi bán được 13 triệu iPhone trong quý đầu năm 2022, theo Counterpoint. Nhà sản xuất xe điện Tesla cũng dẫn đầu với 321.000 xe bán ra năm ngoái, bỏ xa các thương hiệu bản địa như Nio, Xpeng Motors và Li Auto với tổng cộng hơn 280.000 xe.

Theo Rui Ma, dù Trung Quốc vẫn là nơi hấp dẫn với các công ty nước ngoài, ông lạc quan về việc các doanh nghiệp Trung Quốc toàn cầu hóa, hơn là về việc các công ty quốc tế vào Trung Quốc.

"Trung Quốc hiện có hệ sinh thái đủ khác biệt so với phần còn lại của thế giới. Nó khá phức tạp để điều hướng. Tôi nghĩ, chỉ những công ty có công nghệ tiên tiến, khác biệt hoặc thương hiệu rất mạnh mới có thể làm việc lâu dài", Ma nói. "Ở chiều ngược lại thì khác. Trung Quốc có một số mô hình kinh doanh tốt, nhất là mảng thương mại điện tử và giải trí kỹ thuật số. Họ sẽ thành công, đặc biệt khi xét đến lợi thế về chuỗi cung ứng".

(theo SCMP)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm