Phụ huynh nào cũng muốn con mình lớn lên sẽ trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Thế nhưng không phải ai cũng biết cách để con mình hoàn thiện theo mong muốn. Để có thể giáo dục con khoa học là một vấn đề khó khăn đối với các bậc cha mẹ.
Nếu cha mẹ đang loay hoay trong cách nuôi dạy con thì có thể tham khảo những phương pháp dưới đây. Nhiều ông bố bà mẹ đã áp dụng và khiến con trở nên ngoan ngoãn, phát triển theo đúng định hướng đặt ra ban đầu.
1. Cha mẹ khéo dạy con kỹ năng xã hội
Một số gia đình thường dạy con yêu thương, quan tâm đến những người thân trong gia đình mà không chú trọng đến việc giúp đỡ và quan tâm đến những người xung quanh, không có họ hàng với mình. Đó là phương pháp chưa khoa học. Nếu cha mẹ dạy cho con cách quan tâm, giúp đỡ người ngoài xã hội sẽ khiến con được mọi người quý mến, giúp đỡ tận tình. Khi trẻ lớn lên dễ dàng hoà đồng, thích nghi với cuộc sống.
Không chỉ chú trọng việc học tập, cha mẹ cần dạy con những kỹ năng sống khác. (Ảnh minh hoạ)
Một nghiên cứu khác của Đại học Pennsylvania và Duke (Hoa Kỳ) nói rằng, giúp trẻ phát triển các kỹ năng liên quan đến giao tiếp, tương tác xã hội là một trong những điều quan trọng nhất để nuôi dưỡng tương lai. Vì vậy, cha mẹ không chỉ chăm chăm khuyến khích con học kiến thức từ sách vở mà hãy giúp con phát triển kỹ năng như: Khả năng giao tiếp, khả năng chia sẻ, cách giải quyết vấn đề,…
2. Cha mẹ không tiếc lời khen con
Khen và chê là 2 kỹ năng quan trọng đối với sự phát triển của con. Có nhiều cha mẹ nghĩ rằng, khi được khen, trẻ sẽ trở nên kiêu ngạo và khó dạy bảo hơn. Thế nhưng quan niệm này không chính xác. Trên thực tế, việc bạn khen con đúng thời điểm sẽ mang lại kết quả tốt không ngờ tới.
Hãy dành lời khen khi con làm việc tốt hay đạt được thành tích cao. (Ảnh minh hoạ).
Trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm. Khi chúng nghe được những lời khen từ cha mẹ sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và hãnh diện. Tuy nhiên, cha mẹ không nên vì thế mà lạm dụng khen con một cách ngẫu nhiên. Những lời khen chung chung, không cụ thể sẽ không có tác dụng vì trẻ không hiểu lý do được khen ngợi. Hãy chỉ khen khi trẻ thực hiện một hành vi cụ thể nào đó, tránh trường hợp để trẻ mất lòng tin vào người lớn.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không nên khen con thông minh. Điều này dễ dẫn đến việc sản sinh ra cả một thế hệ luôn tự mãn, ít coi trọng sự nỗ lực. Muốn trẻ trở thành người thành công, cha mẹ nên chú ý cổ vũ, khen ngợi vì những nỗ lực mà con đạt được chứ không phải vì sự thông minh.
3. Cha mẹ lạc quan, vui vẻ
Cha mẹ đừng nên thể hiện sự mệt mỏi, bực bội thường xuyên trước mặt các con vì trạng thái tâm lý ấy sẽ lây sang trẻ. Điều này ảnh hường tiêu cực đến sự phát triển tâm lý, tư duy của trẻ. Hiện tượng này được gọi là sự "lây nhiễm cảm xúc". Ngược lại, nếu cha mẹ luôn vui vẻ, hạnh phúc sẽ giúp trẻ có cảm xúc và năng lượng tích cực.
Cha mẹ là người sống cùng con, tiếp xúc với con nhiều nhất. Vì thế, cha mẹ nên bộc lộ sự lạc quan, vui vẻ trước mặt con. Trạng thái tâm lý đó sẽ lan truyền sang trẻ, giúp trẻ lớn lên có cái nhìn lạc quan và luôn vượt qua được những vấn đề
Trong quá trình nuôi dạy con, hãy luôn duy trì tâm trạng tích cực. (Ảnh minh hoạ)
4. Cha mẹ trở thành bạn đồng hành cùng con
Thật tốt nếu bạn vừa chăm sóc trẻ với cương vị là cha mẹ, lại vừa có thể trở thành bạn của con. Hãy dành thời gian để chơi với con nhiều hơn. Điều này sẽ giúp con nâng cao hiểu biết biết về thế giới bên ngoài. Những khả năng giao tiếp và phát triển về trí tuệ cũng từ đây mà hình thành. Do đó, cha mẹ hãy tranh thủ những lúc rảnh rỗi để ở bên con, chơi với con và dạy con những kỹ năng mềm trong cuộc sống.
Nuôi dạy con khoa học không phải là áp đặt những điều luật khắt khe vào con cái, mà cần quan sát và thấu hiểu tâm lý để giáo dục con thích hợp nhất. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tính cách khác nhau. Do đó, cha mẹ cần điều chỉnh bản thân để hài hoà với tâm sinh lý của trẻ.
Cha mẹ có thể hiểu được trẻ thông qua những trò chơi và tình huống thực tế. Hãy cố gắng để con tránh xa những thiết bị điện tử, thay vào đó hãy trò chuyện, trao đổi thường xuyên với trẻ như những người bạn. Đây chính là yếu tố quan trọng để sau này trẻ có thể chia sẻ mọi chuyện với cha mẹ.