1. Tránh các thành kiến
Trong quan điểm của không ít người, con gái phải mặc áo quần màu hồng, chơi búp bê và con trai phải mặc đồ màu xanh, mê ô tô. Quan điểm này có thể “bóp nghẹt” ước mơ của con cái ngay từ khi mới hình thành.
Cha mẹ tốt nhất không nên đánh giá các sở thích của con cái, xóa bỏ ranh giới giữa “đồ con trai và đồ con gái”. Dù là trai hay gái, trẻ đều có thể trở nên xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào bản thân thích.
2. Để con cái được tự do
Một số cha mẹ kỳ vọng con mình trở nên giỏi giang trong một hoạt động nào đó mà bản thân thích. Thế nhưng, trên thực tế, trẻ có thể chẳng muốn tiết lộ sở thích của mình cho cha mẹ biết.
Muốn khai phá tiềm năng của con mình, cha mẹ nên chú ý và quan sát tới con cái nhiều hơn, xem chúng đang hứng thú với điều gì. Bằng cách để trẻ được tự do khám phá, chúng sẽ cố gắng hơn với những gì bản thân thích.
3. Không coi thường
Mỗi sở thích là nền tảng ban đầu để trẻ hình thành niềm đam mê và nghề nghiệp của mình sau này. Cha mẹ không nên coi thường những sở thích kỳ lạ của con cái và nói những câu như “sở thích đó không giúp con có một công việc tốt sau này”, hay như “tốt hơn là con nên làm cái gì đó bổ ích hơn”.
4. Đừng ép buộc
Nếu một đứa trẻ chưa biết mình thích gì, không có ước mơ cụ thể, cha mẹ hãy cho trẻ thêm thời gian để hình thành những thứ chúng quan tâm. Trong quá trình tìm đam mê của bản thân, cha mẹ nên tương tác với con cái nhiều hơn. Việc lồng ghép các trò chơi vào hoạt động hằng ngày sẽ rất bổ ích.
5. Đừng khiến cho việc học trở nên quá tải
Trẻ em cần có thời gian vui chơi bên cạnh việc học ở trường. Nghỉ ngơi, vui chơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa là cách để trẻ cân bằng lại việc học của mình.
6. Cho phép trẻ thử những thứ khác nhau
Trẻ em cũng như người lớn, chúng sẽ cảm thấy nhàm chán khi làm đi làm một việc. Trẻ thấy mệt mỏi, muốn khám phá các hoạt động mới mẻ hơn. Đây là điều rất bình thường trong quá trình phát triển của trẻ.
Một trong những cách cha mẹ hỗ trợ con cái là cho trẻ tham gia những môn chúng thích như bơi lội, vẽ, leo núi…
7. Kiên nhẫn chờ đợi
Có một số ước mơ của trẻ bị cha me nhận xét là viễn vông như trở thành phù thủy, công chúa. Tuy nhiên, cha mẹ không nên đưa ra những lời nhận xét gay gắt như vậy với con mình. Một đứa trẻ liên tục bị đánh giá và chỉ trích như vậy thường có cảm giác tiêu cực về bản thân.
Nếu một ngày trẻ muốn trở thành phi hành gia, tại sao cha mẹ không cùng trẻ chế tạo một tên lửa bằng bìa cứng. Bằng cách này, trẻ sẽ khám phá ra các kỹ năng của mình và củng cố thêm ước mơ của bản thân.
8. Dẫn chứng cụ thể
Bên cạnh khuyến khích con cái cố gắng vì ước mơ của mình, cha mẹ nên thể hiện bằng các hành động cụ thể. Chẳng hạn như khi thấy một thứ gì đó có liên quan tới ước mơ của con cái, cha mẹ có thể giới thiệu nó cho trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên kể về ước mơ của mình và quá trình đạt được ước mơ đó như thế nào. Từ đó, trẻ sẽ học hỏi theo tấm gương là cha mẹ mình.
9. Lắng nghe nhu cầu của con cái
Khi trẻ chia sẻ một ý thích bất chợt, yêu cầu được đi học một lớp nào đó, muốn tham gia một hoạt động cụ thể…, trẻ chỉ đang muốn bày tỏ cho cha mẹ hiểu đó là những thứ khiến chúng cảm thấy hạnh phúc. Việc tích cực lắng nghe nhu cầu của con cái sẽ hỗ trợ rất tốt cho trẻ phát triển tài năng của mình.
10. Đừng so sánh
Việc so sánh con cái với một đứa trẻ khác chỉ tạo ra căng thẳng và lo lắng. Cha mẹ cần hiểu rằng, mỗi đứa trẻ đều khác nhau, có ưu và nhược điểm của riêng mình. Điều tốt nhất cha mẹ cần làm là kiên nhẫn với từng giai đoạn con cái đang trải qua và hỗ trợ khi cần thiết.