Theo Washington Post, nhiều ứng dụng di động theo dõi trẻ nhiều đến mức khó tin, nhưng các hãng công nghệ như Apple hay Google dường như lại làm ngơ. Theo công ty chuyên phân tích gian lận Pixelate (Mỹ), hơn 66% trong số 1.000 ứng dụng iOS phổ biến với trẻ em đang âm thầm thu thập thông tin cá nhân của chúng. Với ứng dụng Android, tỷ lệ này là 79%.
Các ứng dụng như Angry Birds 2, Candy Crush Saga... định vị vị trí của trẻ, thu thập thông tin nhận dạng rồi gửi tới các công ty chuyên theo dõi sở thích và dự đoán ý muốn của trẻ, thậm chí bán thông tin đó cho bên khác.
Nghiên cứu của tổ chức Ofcom chỉ ra nhiều trẻ em không phân biệt được quảng cáo dựa trên nội dung và công nghệ theo dõi, cho phép các nhà tiếp thị nhắm tới trẻ em như tập khách hàng tiềm năng.
Tại Mỹ, Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ trên mạng (COPPA) được ban hành từ năm 1998, trong đó chỉ rõ các công ty không được thu thập thông tin cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Edward Markey, một trong những người biên soạn COPPA, cho rằng nó cần được sửa đổi. "Khi đạo luật được soạn, mới xuất hiện về những nguy cơ doanh nghiệp có thể lợi dụng trẻ em. Còn giờ đây, vấn đề đang tràn lan hơn bao giờ hết", ông nói.
SuperAwesome, công ty chuyên hỗ trợ các nhà phát triển điều chỉnh ứng dụng theo đúng luật, tiết lộ rằng khi một đứa trẻ bước sang tuổi 13, các công ty quảng cáo trực tuyến đã nắm trong tay trung bình 72 triệu điểm dữ liệu về chúng.
"COPPA được thông qua trong thế giới mà cha mẹ ở cạnh con khi chúng dùng máy tính. Điện thoại và thiết bị di động chúng ta có vào năm 2022 mang đến những thách thức mới", Stacy Feuer, Phó chủ tịch Ủy ban đánh giá phần mềm giải trí Mỹ (ESRB), nhận xét.
Pixalate đã sử dụng phần mềm và con người để đánh giá, trong đó có các giáo viên, để thử nghiệm điều Apple và Google không làm được. Đó là phân loại các ứng dụng có thể thu hút trẻ em. Thông qua thử nghiệm, hơn 391.000 ứng dụng cho trẻ được phát hiện trên App Store và Google Play, nhiều hơn so với phần chọn lọc trong các khu giới hạn dành cho trẻ.
Sau đó, Pixalate tiến hành nghiên cứu cách mỗi ứng dụng xử lý thông tin cá nhân. 7% trong số các ứng dụng mà công ty phân loại đã gửi định vị và địa chỉ Internet của người dùng đến đơn vị quảng cáo. Theo Pixalate, các ứng dụng phổ biến lại có nhiều khả năng theo dõi hơn, bởi chúng có động cơ để kiếm tiền từ quảng cáo nhắm tới nhóm người dùng cụ thể.
Đại diện Google và Apple khẳng định kho ứng dụng của họ vẫn bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em. Apple tỏ ra không đồng tình với nghiên cứu từ Pixalate, nói rằng công ty có xung đột lợi ích vì họ cũng bán dịch vụ cho các nhà quảng cáo. Trong khi đó, Google cho rằng phương pháp xác định của Pixalate quá rộng. Hạn chế trong nghiên cứu của Pixalate là không kiểm tra những ứng dụng nào cần sự cho phép của cha mẹ như COPPA.
Tuy nhiên, từ năm 2018, một nghiên cứu với 5.855 ứng dụng miễn phí phổ biến dành cho trẻ em cho thấy phần lớn có khả năng vi phạm đạo luật COPPA. Hai năm sau, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra hai phần ba ứng dụng được dùng bởi 124 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đã thu thập và chia sẻ thông tin nhận dạng.
Một nghiên cứu gần đây phát hiện 90% trong số 164 phần mềm và trang web giáo dục đã gửi thông tin người dùng tới ngành quảng cáo. "Các gã khổng lồ ngành công nghệ đang đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe tinh thần và phúc lợi xã hội của mọi trẻ em ở Mỹ, vì đó là sức mạnh mà họ có ngày hôm nay", thượng nghị sĩ Markey nói.
Lỗ hổng trong quyền riêng tư của trẻ
Để xem cách ứng dụng thu thập dữ liệu của trẻ em, hãy đặt mình vào vị trí của các bậc cha mẹ.
Đứa bé 12 tuổi tìm kiếm trò chơi tô màu trên App Store và chọn sản phẩm Pixel Art: Paint by Number do công ty Easybrain phát triển. Trước khi tải, cha mẹ xem qua danh sách trong App Store và thấy dòng "Tuổi: 12+" ở đầu trang. Bản xem trước của ứng dụng là hình minh họa một loại rau và một con chim để tô màu. Có gì để không thích ở một ứng dụng miễn phí như thế?
Nhưng theo Pixalate, khi đứa trẻ mở Pixel Art, ứng dụng sẽ gửi dữ liệu định vị vị trí, địa chỉ IP và một đoạn mã khác để nhận dạng điện thoại của trẻ. Pixel Art không hỏi tuổi người chơi và không yêu cầu phụ huynh cấp quyền sử dụng.
Easybrain khẳng định điều đó không cần thiết vì ứng dụng không dành riêng cho trẻ em. "Chúng tôi vận hành dịch vụ dành cho người dùng chung và không nhận thấy Pixel Art thu thập, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của bất kỳ trẻ em nào dưới 13 tuổi", Evan Roberts, người phát ngôn của công ty, nói.
Nói cách khác, nhiều nhà phát triển ứng dụng chỉ được yêu cầu ngừng thu thập dữ liệu hoặc phải nhận sự đồng ý của phụ huynh trong trường hợp họ biết người dùng là trẻ em. Nếu không, họ hoàn toàn có thể khẳng định sản phẩm dành cho "người dùng chung" chứ không phải là sản phẩm "hướng đến trẻ em".
Sự làm ngơ của các kho ứng dụng
Apple và Google đều khẳng định đang làm rất tốt trong việc bảo vệ trẻ em.
"Những ứng dụng được thiết kế cho trẻ cung cấp nhiều lớp bảo mật và công cụ bổ sung để bảo vệ người trẻ tuổi, cũng như quy trách nhiệm cho những ai cố gắng khai thác dữ liệu từ chúng", người phát ngôn Apple Peter Ajemian nói.
Danielle Cohen, người phát ngôn của Google, khẳng định Google Play có "các quy trình nghiêm ngặt và tính năng độc đáo" để bảo vệ trẻ em trên nền tảng.
Cả hai công ty cho biết họ yêu cầu ứng dụng tuân theo luật và có những quy tắc riêng tư đặc biệt với ứng dụng dành cho trẻ em. Câu hỏi đặt ra là ứng dụng nào tuân thủ các quy tắc này. Google Play có mục dành riêng cho trẻ, nơi ứng dụng được gắn nhãn là "Được giáo viên tán thành" và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nhưng chỉ 5% ứng dụng hướng đến trẻ em phổ biến nhất mà Pixalate phân loại ở trên xuất hiện trong mục này.
Danh mục dành cho trẻ em cũng nằm cuối cùng trên App Store, nhưng công cụ kiểm soát từ phụ huynh của Apple cũng chỉ giúp ích một cách hạn chế. Khi cha mẹ thiết lập tài khoản iOS cho trẻ, họ có thể phê duyệt giao dịch mua ứng dụng, nhưng Apple lại không giới hạn việc tiếp cận những ứng dụng vốn không được thiết kế riêng cho trẻ.
Với một chiếc iPhone thiết lập tài khoản trẻ em, Apple sẽ tự động kích hoạt cài đặt "yêu cầu ứng dụng không theo dõi". Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm ứng dụng Pixel Art trên tài khoản iOS của một đứa trẻ, các nhà nghiên cứu vẫn phát hiện nó chia sẻ dữ liệu cá nhân, bao gồm vị trí chung, địa chỉ IP và phương thức theo dõi chéo giữa nhiều ứng dụng của một nhà sản xuất.
Theo Washington Post, Apple và Google cần chấm dứt việc làm ngơ, gắn nhãn các ứng dụng dành cho trẻ em trong cửa hàng. YouTube đã gắn nhãn video hướng đến trẻ em trên nền tảng của mình sau thỏa thuận với Ủy Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) năm 2019.
(theo Washington Post)