Trong tháng 6-2024, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục khi một loạt ngân hàng (NH) thương mại công bố biểu lãi suất mới, tăng ở nhiều kỳ hạn. Người gửi tiền hào hứng hơn trong khi doanh nghiệp (DN) lo ngại lãi suất cho vay sẽ nhích lên trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn.
Đồng loạt tăng lãi suất đầu vào
Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, từ đầu tháng 6-2024 đến nay, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm có xu hướng lan rộng. Thực tế cho thấy có khoảng 20 NH tăng lãi suất tiền gửi, trong đó một số NH quy mô nhỏ có 2 - 3 lần điều chỉnh lãi suất với mức tăng thêm từ khoảng 0,1 - 0,5 điểm %. Đáng chú ý, thị trường ghi nhận không ít NH chi trả lãi suất trên 7,5%/năm kỳ hạn 18 tháng trở lên, tuy nhiên để hưởng được mức lãi suất cao này, khách hàng phải gửi tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng.
Thị trường cũng xuất hiện mức lãi suất gửi tiết kiệm 6%/năm khi khách hàng gửi từ 24 - 36 tháng. Một số NH phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao để thu hút tiền nhàn rỗi từ người dân.
Đơn cử, NH Công Thương Việt Nam (Vietinbank) vừa tung ra thị trường chứng chỉ tiền gửi mang tên FLEXI với mức sinh lời khá hấp dẫn. Vietinbank không công bố chi tiết về lãi suất nhưng theo tư vấn của nhân viên NH này, người mua chứng chỉ tiền gửi sẽ có mức sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm. Ví dụ, nếu khách hàng mua 2 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi FLEXI, sau 32 ngày sẽ có lãi hơn 5,2 triệu đồng (tương ứng lãi suất 3%/năm); sau 97 ngày sẽ được hơn 17 triệu đồng tiền lãi (lãi suất 3,2%/năm). Trong khi đó, lãi suất tiền gửi đối với khách hàng cá nhân tại Vietinbank kỳ hạn từ 1 - 2 tháng chỉ 1,7%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 3%/năm.
NH Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 2 năm 2024 cho khách hàng cá nhân, lãi suất cố định lên tới 8%/năm, cao hơn khá nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm online cao nhất của NH này là 5,5%/năm.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo cấp cao Vietinbank thông tin huy động vốn của các NH vẫn dồi dào nhưng chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn. Trong khi đó, Chính phủ mong muốn trong 6 tháng cuối năm tín dụng phải tăng trưởng mạnh nhằm đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Để dư nợ cho vay bứt phá đi lên, NH cần phải cho vay trung dài hạn. Theo đó, không ít NH đã tăng lãi suất huy động vốn, trong đó có việc phát hành chứng chỉ tiền gửi nhằm kích thích người dân chuyển đổi gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài.
Lãi suất huy động nhích lên trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua từng tháng. Số liệu mới nhất của NH Nhà nước công bố cho thấy tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6-2024 đạt 3,79%. Doanh số tín dụng mà các NH cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm cao hơn doanh số của cùng kỳ 3 năm trước.
Tại TP HCM, tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 5-2024 đạt 3,61 triệu tỉ đồng, tăng 1,93% so với cuối năm 2023. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết dù tốc độ tăng trưởng không cao, song tín dụng duy trì tốc độ tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2 đến nay. Xu hướng tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi hoạt động kinh tế thường vận hành và tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm. Do đó, các NH cũng tăng cường huy động vốn đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Chưa lo lãi suất vay tăng theo
Công ty Chứng khoán MBS cho rằng lợi nhuận ròng (NIM) sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm khi lãi suất cho vay dự báo giảm thêm trong thời gian tới. Diễn biến này trong bối cảnh lãi suất huy động đã tăng nhẹ ở hầu hết NH.
Dự báo về xu hướng lãi suất sắp tới, nhóm chuyên gia của WiResearch (Công ty Wigroup) nói rằng lãi suất huy động tại các nhóm NH thương mại lớn và một số NH thương mại khác ở các kỳ hạn ngắn tăng nhẹ 0,2 - 0,5 điểm % trong tháng 5 so với tháng trước. Ở nhóm NH quốc doanh không có biến động lãi suất. Vì vậy, việc lãi suất nhích lên cho thấy nhu cầu về vốn là có nhưng chỉ ngắn hạn, xảy ra cục bộ ở một số NH. Mặt bằng chung lãi suất tiền gửi ở tất cả nhóm NH thương mại đang tiếp tục duy trì ở mức thấp, cho thấy thanh khoản của hệ thống vẫn ổn định. Lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức hiện tại trước khi nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong nửa cuối năm.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trong quý III hoặc quý IV/2024 nhưng lãi suất cho vay sẽ cố gắng giữ ở mức hiện tại. Lãi suất tiền gửi nhích lên do có một số kênh đầu tư hấp dẫn hơn tạo áp lực tăng lãi suất huy động nhưng không nhiều. Thời gian tới, lãi suất huy động sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ trong một số thời điểm nhu cầu tín dụng thời vụ tăng cao nửa cuối năm.
"Với lãi suất cho vay, tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và NH Nhà nước đặt ra với ngành NH là phấn đấu ổn định và giảm tiếp 1 - 2 điểm % qua những chính sách giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin. Diễn biến này cho thấy NIM của NH sẽ tiếp tục bị thu hẹp, năm ngoái đã thu hẹp xuống 3,5%, năm nay còn 3% hoặc thấp hơn" - ông Lực nói.
Ở góc nhìn của DN, ông Nguyễn Xuân Hiền, đại diện Công ty TNHH Nhà ở xã hội Việt Nam, băn khoăn lãi suất cho vay có nguy cơ tăng? DN ông đang có khoản vay dài hạn với mức lãi suất 10,5%/năm. Gần đây, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng trở lại nên nhiều khả năng thời gian tới, lãi suất cho vay cũng khó có thể đứng yên.
Về vấn đề này, lãnh đạo Vietinbank cho biết hiện các NH đang nỗ lực tiết kiệm chi phí kinh doanh, đồng thời đã chủ động giảm lợi nhuận… nên lãi suất đầu ra có thể không tăng theo lãi suất tiền gửi. Bởi lẽ, nếu tăng lãi suất cho vay, khách hàng không tiếp cận được vốn thì NH sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Giảm lãi vay, cơ cấu nợ hỗ trợ doanh nghiệp
Tại Nghị quyết số 82/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5-2024, Chính phủ giao NH Nhà nước điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng… NH Nhà nước chỉ đạo các NH thương mại thực hiện hiệu quả giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, DN, hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Chỉ đạo, khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2 điểm %.
Trong những giải pháp hỗ trợ DN, NH Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo NH Nhà nước, gia hạn Thông tư 02 đến hết năm nay (thay vì hết hạn vào ngày 30-6) sẽ tiếp tục góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, giúp giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới. Từ đó có thêm nguồn lực đầu tư, phục hồi sản xuất - kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, phù hợp với chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
Giữ nguyên lãi suất điều hành
Tại báo cáo cập nhật kinh tế, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB dự đoán kỳ vọng NH Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong thời gian còn lại của năm nay. Nhận định này dựa trên cơ sở cơ quan quản lý cân bằng giữa các yếu tố phục hồi kinh tế trong nước ổn định, áp lực lạm phát vừa phải và đồng VNĐ giảm giá so với USD.
Trong khi đó, báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, các chuyên gia của NH Standard Chartered dự báo NH Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất tái cấp vốn thêm 0,5 điểm % vào quý IV/2024 trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Yếu tố tỉ giá có thể sẽ thúc đẩy NH Nhà nước tăng lãi suất trong quý cuối năm hoặc sớm hơn nhưng cũng cần theo dõi diễn biến điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).