Elon Musk muốn có lithium. Trung Quốc cũng đang lùng sục khắp Tây Tạng để khai thác thứ kim loại quý, trong khi phía các nhà sản xuất pin thì “đỏ mắt’’ tìm kiếm. Lithium, thứ được coi là trung tâm của quá trình chuyển dịch sang ô tô điện, theo đó vướng vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Cầu vượt xa cung khiến giá bị đẩy lên gần 500% chỉ sau 1 năm, đồng thời làm gián đoạn mọi nỗ lực ngăn chặn sự nóng lên của toàn cầu.
KHỦNG HOẢNG LITHIUM
Khủng hoảng lithium trầm trọng đến mức chính phủ Trung Quốc, quốc gia sản xuất khoảng 80% lượng pin lithium-ion trên thế giới, phải lên tiếng khuyến khích các nhà cung cấp giảm giá bán. Chuyên gia thuộc tổ chức Macquarie Group cảnh báo về một viễn cảnh “thâm hụt lithium vĩnh viễn”, trong khi Citigroup dự báo giá kim loại quý này sẽ tăng gấp đôi một cách “cực đoan’’ trong năm 2022.
Theo Bloomberg, đầu tư toàn cầu cho xe điện tăng nhanh hơn bất kỳ lĩnh vực năng lượng mới nào trong vài năm trở lại đây, vượt xa cả năng lượng gió và mặt trời. Theo Benchmark Mineral Intelligence, với mức giá lithium giao ngay hiện tại, chi phí cho một chiếc xe điện mới sẽ phải tăng thêm 1.000 USD. Cùng với đà tăng giá của loạt nguyên liệu thô khác, nỗ lực giảm giá xe điện để cạnh tranh với xe xăng sau bao năm có thể đổ sông đổ bể. Ngoài ra, việc các nhà sản xuất pin không có đủ lượng lithium cần thiết cũng khiến kế hoạch mở rộng nguồn cung xe điện bị hạn chế, từ đó gây khó khăn cho mục tiêu giảm khí phát thải.
“Có vẻ như nỗ lực cải thiện nguồn cung sẽ khó có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu trong 3 năm tới. Các nhà sản xuất xe điện dường như đã "ngủ quên trên vô lăng’’ rồi’’, Cameron Perks, chuyên gia phân tích tại Benchmark cho biết.
Giá lithium theo đó càng tăng cao hơn nữa, đến nỗi tỷ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk hồi tháng 4 phải thẳng thừng tuyên bố trên Twitter:
"Lithium tăng giá thật điên rồ!. Trừ khi chi phí đầu vào được cải thiện, nếu không, Tesla có thể phải trực tiếp khai thác lithium quy mô lớn’’.
Theo Bloomberg, cả Tesla, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và Contemporary Amperex Technology - hãng sản xuất pin EV lớn nhất thế giới đều đã phải tăng giá bán các sản phẩm xe điện.
“Ngành công nghiệp xe hơi đang phải đối mặt với cơn bão giá do chi phí leo thang chóng mặt’’, Chủ tịch hãng xe điện XPeng, ông Brian Gu, chia sẻ.
Cầu vượt xa cung khiến giá lithium bị đẩy lên gần 500% chỉ sau 1 năm
Trước đây, trong giai đoạn 2018-2020, giá lithium giảm một nửa giá trị do thị trường pin xe điện chưa bùng nổ. Điều này khiến dòng vốn đầu tư chảy vào lithium không ổn định, và dĩ nhiên, sau khi xe điện trở thành xu thế mới, phía các nhà sản xuất đã không kịp trở tay. Những ảnh hưởng từ sau đại dịch COVID-19 cũng như căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraine cũng khiến việc khai thác lithium, niken, than chì và coban trở nên khó khăn hơn.
Nguồn cung thắt chặt cùng đà tăng giá chóng mặt đã thúc đẩy một loạt các thương vụ mua lại và “bắt tay’’ liên doanh, trong bối cảnh bất kỳ nhà sản xuất pin hay ô tô điện nào cũng muốn đảm bảo nguồn cung cho mình. Làn sóng chủ nghĩa độc quyền tài nguyên cũng trở thành hệ luỵ khó tránh. Hồi đầu tháng 6 năm ngoái, Fitch Solutions cho biết lithium đã trở thành một loại “khoáng sản chiến lược”, đồng thời cảnh báo về “sự can thiệp ngày càng tăng từ phía chính phủ”.
BÀI TOÁN NAN GIẢI VỀ ỔN ĐỊNH NGUỒN CUNG
Thực tế, lithium mất nhiều năm để trở thành thứ kim loại chủ đạo. Được phát hiện vào năm 1817 bởi nhà hóa học Thụy Điển Johan August Arfwedson, song lithium không được sản xuất quy mô lớn mãi cho đến khi Mỹ bắt đầu dự trữ chúng để chế tạo vũ khí vào cuối những năm 1950. Lithium sau đó bắt đầu được sử dụng trong các hợp kim nhẹ, pin đồng xu và pin điện thoại di động vào những năm 1990.
Hiện tại, hơn một nửa nguồn cung thế giới được khai thác tại “Cánh đồng lithium” hay “Tam giác lithium” - khu vực biên giới giữa 3 quốc gia Argentina, Bolivia và Chile. Tại đây, nơi mỏ lithium Soquimich nằm trên sa mạc Atacama, các nhà sản xuất sẽ chiết rút lithium từ hồ nước muối bằng cách cho chúng tự bay hơi trong vòng 12-28 tháng. Tuy nhiên, công nghệ này hiện chỉ thu được khoảng 50% lượng lithium trong nước muối mà thôi.
Phần lớn nguồn cung còn lại đến từ trầm tích của một loại đá lửa tên spodumene, trong đó Australia là nhà khai thác lớn nhất. Chúng được đem lọc với axit sulfuric, sau đó chuyển đến Trung Quốc để sản xuất thành lithium hydroxit và lithium carbonate - những hợp chất có thể kết hợp với niken hoặc coban để tạo thành pin xe điện.
Theo các chuyên gia, cách nhanh nhất để tăng nguồn cung là cải thiện sản lượng khai thác từ những nguồn hiện có này. Ganfeng Lithium, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới cho biết đang lên kế hoạch sử dụng mức lợi nhuận kỷ lục để tăng sản lượng. Công ty Pilbara Minerals của Australia cũng đặt mục tiêu tăng công suất thêm 50% trong quý III/2022 bằng cách mở rộng mỏ Pilgangoora phía tây Australia. Dự án này còn có sự tham gia của các đối tác Trung Quốc là Great Wall Motor và CATL.
Tuy nhiên, không phải cứ muốn tăng sản lượng lithium là tăng được ngay, bởi quá trình này còn phụ thuộc vào giấy phép hoạt động và thời gian chờ nước muối bay hơi.
Cánh đồng muối để chiết xuất lithium
Sáng kiến khai thác một trữ mỏ mới theo đó ra đời.
Các siêu cường quốc khai thác mỏ, bao gồm Australia và Canada, đều cam kết hỗ trợ khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng, bao gồm cả lithium. Trung Quốc mới đây cũng thông báo phát hiện ra một mỏ spodumene trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng - nơi được cho là có thể chứa hơn 1 triệu tấn oxit lithium. Tuy nhiên, phía chính phủ cũng thừa nhận quá trình này mất rất nhiều thời gian, và hơn nữa, cũng không chắc dành được sự đồng thuận từ phía người dân địa phương.
“Có rất nhiều lithium trong lòng đất, nhưng vấn đề ở chỗ, sẽ không thể đầu tư kịp thời. Tesla xây dựng một nhà máy gigafactory trong khoảng 2 năm, các nhà máy cathode thì cần ít thời gian hơn, nhưng đối với các dự án lithium, chúng ta có thể mất tới 10 năm”, Joe Lowry, nhà sáng lập công ty cố vấn Global Lithium cho biết.
Theo Bloomberg, đề xuất của tập đoàn Rio Tinto nhằm khai thác mỏ Jadar trị giá 2,4 tỷ USD tại Serbia đang bị hàng nghìn người dân địa phương biểu tình phản đối. Rio cho biết mỏ Jadar này, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026, sẽ tạo ra hơn 2.000 việc làm, đồng thời đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất về môi trường, bao gồm cả việc sử dụng nước tái chế và xe tải điện.
Quá trình khai thác lithium đòi hỏi một lượng lớn nước khổng lồ
Ngoài Rio, dự án Barroso của Savannah Resources tại Bồ Đào Nha và Lithium Americas Corp tại Nevada cũng đang vấp phải sự phản đối gay gắt của những đoàn người biểu tình.
Hơn nữa, các nhà sản xuất lithium còn phải đối mặt với một vấn đề lớn khác. Thực tế, một phần lý do khiến người tiêu dùng sẵn sàng mua xe điện là bởi nó “xanh” và thân thiện với môi trường. Thế nhưng, chuỗi cung ứng lithium thì khó có thể “xanh” được như vậy.
“Mong muốn lớn nhất của các nhà sản xuất lithium là có thể giảm lượng khí thải’’, ông Dominic Wells, chuyên gia phân tích cao cấp tại Wood Mackenzie cho biết.
CHI PHÍ CHO MÔI TRƯỜNG
Sa mạc Atacama phía bắc Chile là một trong những nơi khô hạn nhất Trái đất, song quá trình khai thác lithium lại đòi hỏi một lượng lớn nước. Theo Bloomberg NEF, nhà sản xuất có thể mất khoảng 70.000 lít nước để tạo ra 1 tấn lithium.
Ngoài ra, việc khai thác spodumene tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Quá trình vận chuyển đến Trung Quốc để tinh chế ra lithium cũng tạo ra lượng carbon dioxide nhiều gấp 3,5 lần so với việc chiết xuất lithium từ nước muối.
Đoàn người biểu tình phản đối các dự án lithium
“Rất nhiều bụi bẩn sẽ được tạo ra trong quá trình sản xuất lithium. Liti đá cứng có lượng khí thải carbon cao và cần nhiều bước xử lý hơn thông thường’’, Steven Vassiloudis, Giám đốc điều hành Novalith cho biết.
Dẫu vậy, các nhà sản xuất ô tô vẫn đang nỗ lực bảo vệ hình tượng “xanh” cho chiếc xe điện. BMW và một tập đoàn được hậu thuẫn bởi những gã khổng lồ ô tô Đức, bao gồm Daimler AG và Volkswagen AG, đã bắt đầu các cuộc điều tra riêng biệt về tình trạng sử dụng nước tại các cánh đồng muối Nam Mỹ.
Các công ty theo đuổi công nghệ mới cũng đang nỗ lực cắt giảm lượng nước và xanh hóa hoạt động khai thác. Trong đó, Charlotte, nhà sản xuất lithium lớn nhất thế giới, vừa tuyên bố sẽ cắt giảm 25% lượng nước sử dụng trong năm 2030 ở các khu vực có nguy cơ cao hạn hán.
“Cắt giảm nước và điện trong quá trình sản xuất lithium là một mục tiêu vô cùng quan trọng. Bất kỳ ai làm được điều này sẽ đều thu được lợi nhuận rất cao’’, ông Ken Hoffman, Chuyên gia cấp cao tại McKinsey & Co. cho biết.
Mục tiêu này khuyến khích rất nhiều các công ty khởi nghiệp ra đời, đặc biệt là những startup chuyên chiết tách lithium bằng phương pháp hoá học để tăng năng suất.
“Công nghệ này có thể thành công vào cuối năm sau, từ đó giúp nguồn cung được đảm bảo’’, Hoffman tại McKinsey nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng quá trình sản xuất lithium bằng hình thức hoá học trên lại khá tốn kém và không được bền vững. Hơn nữa, ngay cả khi nghiên cứu thành công, các nhà cung cấp vẫn cần rất nhiều thời gian để bắt kịp nhu cầu.
Hệ luỵ ảnh hưởng đến môi trường đã thúc đẩy các công ty khai thác tìm một giải pháp thay thế cho pin lithium-ion, song cho đến nay, chưa nhà sản xuất nào có thể làm được được đó.
“Lithium-ion sẽ vẫn là công nghệ pin thống trị, ít nhất là cho đến năm 2035. Các nhà sản xuất ô tô khả năng cao sẽ phải tự mình khai thác để giúp phát triển và mở rộng quy mô công nghệ chiết rút lithium thế hệ tiếp theo này”, Ampofo của Bloomberg NEF nói.
Theo Bloomberg NEF, việc tái chế pin cũ cũng có thể tạo ra lithium và đáp ứng khoảng 16% nhu cầu thị trường vào năm 2035. Tuy nhiên, số lượng pin cũ này sẽ chỉ tăng lên từ sau năm 2030.
Việc tái chế pin cũ có thể tạo ra lithium và đáp ứng khoảng 16% nhu cầu thị trường vào năm 2035
“Về cơ bản, hiện nay chúng ta không có đủ pin tái chế’’, Hoffman của McKinsey cho biết. “Bản thân nó cũng sẽ gây hại đến môi trường’’.
Kết quả là, cuộc khủng hoảng lithium, khả năng cao sẽ không thể sớm biến mất. Ngành công nghiệp tồn tại dưới mục tiêu tạo ra những chiếc xe điện để bảo vệ môi trường này, theo đó, vẫn không có nhiều sự lựa chọn, ngoài việc cố gắng đẩy nhanh sản lượng càng sớm càng tốt.
Theo: Bloomberg