Thuốc lá điện tử cũng gây hại cho sức khỏe - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam tại Hà Nội bị nhồi máu cơ tim trên nền hút thuốc lá lâu năm.
Năm nay mới 34 tuổi nhưng anh T. đã có tới 20 năm hút thuốc lá. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quân, phòng cấp cứu nội nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết anh T. nhập viện trong tình trạng sốc tim, nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành, quả tim không co bóp được.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán trong vòng 10-15 phút và chuyển ngay sang phòng can thiệp thành công. Trong quá trình can thiệp, bệnh nhân có biểu hiện ngừng tim và được sốc điện thành công. Hiện bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, trở về cuộc sống bình thường.
Theo bác sĩ Quân, điều đáng nói anh T. vốn có tiền sử khỏe mạnh, chưa đi khám phát hiện bệnh bao giờ nhưng có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm (từ năm 14 tuổi). Bệnh nhân hút cả thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống.
"Hút thuốc lá nhiều gây xơ vữa mạch mãn tính, không chỉ mạch vành mà tất cả các mạch máu trong cơ thể sẽ hình thành các mảng xơ vữa và dần dần hẹp lại. Bệnh nhân sẽ có đợt cấp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
Những bệnh lý này cần được khắc phục như bệnh nhân không được hút thuốc lại, nếu không sẽ tái hẹp rất nhanh, kể cả bệnh nhân đặt stent thành công sẽ tái hẹp nhanh và có thể gây ra tái phát nhồi máu cơ tim dẫn đến tử vong. Hoặc bệnh nhân có thể nhồi máu não, nằm tại chỗ, liệt nửa người, không thể tự sinh hoạt được", bác sĩ Quân thông tin.
Khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học và có hơn 70 chất gây ung thư
Thông tin trên được PGS.TS Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và các chuyên gia đưa ra tại lễ mittinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá vào sáng 28-5.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin thêm, WHO nhận định, sau đại dịch COVID-19 sẽ đến đại dịch của các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, rối loạn chuyển hóa, huyết áp, béo phì, tiểu đường… 70% người bệnh ở bệnh viện là người mắc các bệnh không lây nhiễm này.
"Thực sự thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây nên các bệnh tật có tỉ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới", ông Khuê nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng đưa ra một số kết quả trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc. Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại các tỉnh, thành do Đại học Y tế công cộng thực hiện năm 2020 so với năm 2015 như sau: Tỉ lệ nam giới hút thuốc giảm 45,3% xuống 42,3%.
Tỉ lệ hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm cũng giảm so với năm 2015, như nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà giảm từ 59,9% xuống 56%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar, cà phê, trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.
"Nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với một số thử thách, đó là tỉ lệ dùng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, shisha)", ông Khuê nhận định.