Chứng khoán

Tuần 23 - 27/5: Khối ngoại thu hẹp quy mô bán ròng, tiếp tục xả mạnh nhóm thép và chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam có tuần phục hồi thứ hai liên tiếp sau giai đoạn giảm mạnh trước đó. Mặc dù VN-Index sụt giảm ngay phiên đầu tuần, lực cầu đã xuất hiện ở nhóm cổ phiếu large cap kéo chỉ số tăng điểm ở những phiên tiếp theo. 

Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 44,74 điểm, tương đương 3,61% lên mức 1.285,45 điểm. Kém sắc hơn, HNX-Index dừng chân ở mức 311,17 điểm, răng 1,35% so với tuần trước.

Thị trường đã có một tuần giao dịch với tâm lý tích cực khi VN-Index vượt thành công ngưỡng cản 1.280 điểm và sự xuất hiện của nhóm bluechip giúp nhà đầu tư kỳ vọng hơn vào thị trường sẽ bước vào xu hướng tăng. Tuy nhiên, sự thành công sẽ đến chắc chắn hơn khi có sự tham gia của dòng tiền.

Nhưng trên thực tế, thanh khoản trung bình trên sàn HOSE tuần qua chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên, mặc dù cải thiện so với tuần trước đó nhưng vẫn ở mức thấp nhất một năm.

Khối ngoại tiếp tục xu hướng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán, tuy nhiên đã thu hẹp quy mô bán ròng xuống còn hơn 200 tỷ đồng, tập trung chủ yếu trên sàn HOSE. Lực cung hướng đến nhóm chứng khoán (512 tỷ đồng), bất động sản (421 tỷ đồng), thép (420 tỷ đồng)... nhưng dòng tiền xuất hiện tại chứng chỉ quỹ (365 tỷ đồng), ngân hàng (320 tỷ đồng), hoá chất (294 tỷ đồng) cũng phần nào cân lại nhịp xả. 

Tập trung mua ròng chứng chỉ quỹ, tiếp tục xả HPG và SSI trên sàn HOSE

HOSE là sàn giao dịch duy nhất ghi nhận quy mô bán ròng hơn 320 tỷ đồng tuần qua. Trong đó, mã HPG của CTCP Tập đoàn Hoà Phát tiếp tục chịu áp lực xả mạnh với giá trị 332 tỷ đồng, tương đương 9,5 triệu cổ phiếu. Một cổ phiếu cùng ngành là NKG cũng bị khối ngoại rút 92,5 tỷ đồng.

Theo sau, các cổ phiếu ngành chứng khoán, có thể kể đến SSI và VND nằm trong danh mục rút ròng tuần thứ ba liên tiếp với 236 tỷ đồng và 229 tỷ đồng.

Có thể thấy khối ngoại không mấy "mặn mà" với ngành này mặc dù các mã đang trong giai đoạn phục hồi. Lực cầu chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, điển hình nhất là SSI với thanh khoản trung bình tuần qua đạt hơn 21 triệu đơn vị, cao gấp đôi tuần trước. 

 (Ảnh: Bảo Ngọc).

Các cổ phiếu có giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng còn có VIC (176 tỷ đồng) và DXG (125 tỷ đồng). Cùng chiều là các mã GAS (70 tỷ đồng), SAB (69 tỷ đồng), MSN (65 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (58 tỷ đồng).

 (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Ngược lại, FUEVFVND là chứng chỉ quỹ duy nhất lọt top 10 mã được mua ròng, đồng thời cân lại lực bán của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị nổi trội hơn 428 tỷ đồng, tương đương 16 triệu đơn vị. 

Khối này cũng tích cực mua gom nhóm phân bón, ví dụ như DCM (192 tỷ đồng) và DPM (147 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại cũng bắt đầu giải ngân trở lại cổ phiếu ngân hàng như HDB (98 tỷ đồng), VCB (89 tỷ đồng) và CTG (74 tỷ đồng).

Hai cổ phiếu cùng hệ sinh thái là FRT và FPT ghi nhận giá trị mua ròng lần lượt 80,5 tỷ đồng và 68 tỷ đồng. Hai mã này có một tuần giao dịch khởi sắc, đặc biệt là FPT khi luôn dẫn dắt chỉ số và đang trên đường trở lại vùng đỉnh lịch sử 118.000 đồng/cp thiết lập hồi đầu tháng 4.

Mua ròng trở lại trên sàn HNX

Khối ngoại đã trở lại mua ròng gần 40 tỷ đồng trên sàn HMX tuần 23 - 27/5. Giao dịch của khối này tâpn trung tại mã IDC với 19,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, hai cổ phiếu cùng họ PVS và PVI cũng được gom lần lượt 19,6 tỷ đồng và 7,7 tỷ đồng. Theo sau là các mã TNG (6,2 tỷ đồng), BAX (4,1 tỷ đồng)...

Ngược lại, chiều bán ra khá ảm đạm khi giá trị tại các mã chỉ trên dưới 5 tỷ đồng. Có thể kể đến NTP (5,2 tỷ đồng), THD (3,5 tỷ đồng), CEO (3,2 tỷ đồng), PSD (2,4 tỷ đồng), PLC (2 tỷ đồng)...

 (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Mạnh tay gom BSR trên UPCoM

Tuần qua, thị trường UPCoM ghi nhận giá trị mua ròng 70 tỷ đồng, giảm gần 20% so với tuần trước. Dòng tiền ngoại tiếp tục tìm đến cổ phiếu BSR của CTCP Lọc Hoá dầu Bình Sơn trong suốt tuần giao dịch với quy mô 104 tỷ đồng, tương đương 4,3 triệu đơn vị. Tính từ đầu tháng 5 tới này, mã này đã được mua gom gần 270 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các mã cùng chiều còn có QNS (9,3 tỷ đồng), QTP (4,4 tỷ đồng), SIP (3,9 tỷ đồng) và ACV (2,5 tỷ đồng).

Ngược lại, cổ phiếu VTP bị xả nhiều nhất với 30,3 tỷ đồng. Kế đến là các mã NTC (8,3 tỷ đồng), VEA (7,2 tỷ đồng), CLX (6,4 tỷ đồng), GHC (3,1 tỷ đồng).

 (Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm