EIB khởi sắc sau đại hội cổ đông, khối ngoại và tự doanh tích cực gom cổ phiếu ngân hàng
Tiếp nối đà thăng hoa của tuần trước, trong tuần qua (23/5 - 27/5) diễn biến tích cực với 21/27 mã tăng giá và 6 mã giá.
Trong đó, cổ phiếu EIB tăng mạnh nhất toàn ngành với mức 10,4%. Riêng phiên cuối cùng cổ phiếu này tăng vọt 4,9% sau khi đại hội cổ đông 2022 lần thứ 2 được tổ chức thành công. Tại đại hội, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 107,5% so với năm trước.
Trả lời câu hỏi về việc cổ đông ngoại SMBC rút vốn khỏi Eximbank có làm xáo trộn đến hoạt động ngân hàng không, Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú cho biết hiện nay SMBC mới chỉ chấm dứt thoả thuận liên minh chiến lược chứ chưa rút vốn. Hiện SMBC vẫn là cổ đông lớn của Eximbank.
Xếp sau EIB là ACB với mức tăng 9,5% với hai phiên trong tuần tăng mạnh trên 4% với đà mua vào tích cực từ khối tự doanh.
Các cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn như HDB, TCB, CTG, MBB có mức tăng dao động từ 3 - 6%, qua đó thoát khỏi vùng đáy ngắn hạn của các tuần trước đó.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu giảm giá chủ yếu là các mã giao dịch trên HNX và UPCoM. Song, mức giảm mạnh nhất chỉ là 1,6% thuộc về SGB.
Tương tự tuần trước đó, mặc dù sắc xanh lan tỏa, nhưng thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, tuần qua hơn 580 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, giảm hơn 16% so với tuần trước, giá trị giao dịch tương đương đạt hơn 11.882 tỷ đồng (giảm 15,5%).
Cổ phiếu STB vẫn dẫn đầu toàn ngành với hơn 106 triệu đơn vị, tuy nhiên đã giảm 22,6% so với tuần trước, giá trị giao dịch chỉ ở mức 2.305 tỷ đồng. Thanh khoản VPB, MBB và TCB cũng chứng kiến đà giảm tương tự. Dù vậy, thanh khoản của SHB lại tăng hơn 10% lên hơn 75 triệu đơn vị.
3 mã cổ phiếu ngân hàng thu hút được sự chú ý nhất của các nhà đầu tư nước ngoài trong tuần là HDB, VCB và CTG với mức mua ròng lần lượt là 98 tỷ , 88 tỷ và 74 tỷ đồng. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, khối ngoại không bán ròng một mã ngân hàng nào quá 10 tỷ đồng.
Với động thái tương đồng, nhóm tự doanh gom mạnh nhóm cổ phiếu vua, mua ròng 107 tỷ đồng ACB, 94 tỷ đồng TCB, 89 tỷ đồng VPB, 86 tỷ đồng MBB. Ngoài ra, MSB, TPB, VIB và CTG cũng nằm trong danh mục gom mua. Chỉ duy nhất cổ phiếu bị nhóm tự doanh bán ròng mạnh trong tuần là EIB với 73 tỷ đồng.
Một số sự kiện ngân hàng nổi bật trong tuần
Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 20/5, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 20/5 đạt 7,66% và đến 27/5 có thể ở mức 7,75% so với cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối tháng 3, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, tăng 3,45% so với cuối năm 2021.Trong đó, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,3 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm ngoái, tương đương hơn 390.000 tỷ đồng.
Đại diện các ngân hàng cho rằng để có thể sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN cần sớm nới room tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn đang tăng mạnh hiện nay.
Agribank là ngân hàng đầu tiên triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách nhà nước. Khoản cho vay ưu đãi hỗ trợ 2% lãi suất được áp dụng đối với các thỏa thuận cho vay và giải ngân từ 1/1 đến 31/12/2023. Ngân hàng sẽ dừng hỗ trợ lãi suất sau thời điểm 31/12/2023 hoặc khi hết nguồn kinh phí (hạn mức hỗ trợ lãi suất) được NHNN thông báo, tùy theo thời điểm đến trước.
Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Đào Minh Tú giữ chức vụ Phó Thống đốc NHNN từ ngày 15/5/2022.
SHB siết nợ doanh nghiệp liên quan tới nhóm Louis Holdings trong bối cảnh ông Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Louis Holdings đã bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 20/4 về tội thao túng thị trường chứng khoán.
Techcombank sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương hơn 0,18% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, bằng 28% giá cổ phiếu TCB chốt phiên 20/5 (35.700 đồng/cp).