Khoảng 9h ngày 28/5, nhiều người theo dõi FapTV phát hiện kênh bị đổi tên thành "Tesla US", đồng thời phát video trực tiếp với nội dung về toạ đàm giữa Elon Musk và một số lãnh đạo công nghệ về tiền điện tử. Có lúc, video trực tiếp này thu hút hơn 12 nghìn lượt xem.
Thông qua video trực tiếp, người dùng được dẫn đến một trang web tặng Bitcoin và Ethereum. Trang này có tên miền và giao diện gây nhầm lẫn với trang web của Tesla, đề nghị người dùng chuyển tiền số đến một địa chỉ cho trước và sẽ nhận lại gấp đôi số tiền đã chuyển.
Đây thực chất là chiêu lừa đảo tiền điện tử, từng xuất hiện trên YouTube vài năm gần đây. Video được phát thường là video cũ đăng lại, được đặt tiêu đề thu hút người dùng về việc tặng tiền số. Thử tìm kiếm với tiêu đề tương tự trên YouTube, nền tảng này cho thấy video nói trên cũng được phát trực tiếp tại một số kênh khác vào sáng nay.
Trên fanpage chính thức, FapTV cho biết họ bị hacker kiểm soát kênh. "Chúng tôi cảnh báo mọi người không click vào đường link trong video đang trực tiếp trên kênh hoặc các link lạ, tránh tiếp tay cho hacker", thông báo viết.
FapTV khẳng định họ không nhận quảng cáo tiền ảo. Đây có thể là lý do hacker tìm cách kiểm soát kênh này. "Cảnh báo đến các kênh đồng nghiệp. Thị trường tiền ảo đang giảm khá sâu nên hacker sẽ còn tiếp tục lộng hành, hãy tỉnh táo và không click vào link lạ".
Ông Huy Phạm, đại diện Metub - mạng đa kênh (MCN) hỗ trợ FapTV, nói ngay sau khi sự việc xảy ra, họ đã phối hợp cùng chủ kênh liên hệ Google để xử lý. "Sự việc được phát hiện và xử lý trong khoảng một tiếng. Sau đó kênh đã trở lại bình thường", ông Huy nói.
Về nguyên nhân sự cố, đại diện Metub cho biết sẽ phải đợi kết quả điều tra từ Google. Mạng đa kênh này hiện phối hợp cùng các kênh trong hệ thống nhằm tăng cường bảo mật.
FapTV là kênh YouTube chuyên về nội dung hài hước, được lập ra từ năm 2014. Kênh hiện có hơn 13,3 triệu lượt đăng ký, đứng thứ ba tại Việt Nam, theo thống kê của SocialBlade.
Tình trạng chiếm quyền kiểm soát kênh và phát các video quảng cáo tiền điện tử xuất hiện từ lâu trên YouTube. Hồi đầu năm, hàng loạt kênh có ảnh hưởng trong thị trường tiền số như CoinMarketCap, Altcoin Buzz, BitBoy Crypto,Box Mining, Mayweather, The Moon... bị hacker kiểm soát. Những kênh này sau đó đồng loạt đăng video giống hệt nhau, nhắc đến một loại tiền điện tử có tên One World, khuyến khích người xem đầu tư vào đồng này bằng cách gửi tiền điện tử đến một địa chỉ ví, nhưng thực chất là lừa đảo.
Tại Việt Nam năm 2020, nhiều kênh "triệu sub" của MC Trấn Thành, ca sĩ Hồ Quang Hiếu từng bị chiếm quyền điều khiển và thực hiện các hành vi tương tự.