Theo ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở KH&ĐT Cần Thơ, việc đầu tư dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là hết sức cần thiết, nhằm mục tiêu tăng cường khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Theo Công điện số 418/CĐ-TTg ngày 16/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm trình HĐND thông qua số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương (NSĐP) cam kết tham gia các dự án, số vốn yêu cầu địa phương cam kết cụ thể là tối thiểu 50% kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án.
Được biết, chi phí GPMB của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP Cần Thơ là 2.123 tỷ đồng. Như vậy, số vốn tối thiểu cần cam kết của Cần Thơ tham gia dự án là 1.061,5 tỷ đồng.
Số tiền này được lấy từ nguồn vốn NSĐP thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa phân bổ chi tiết. Trong đó, dự kiến năm 2022 sẽ bố trí 200 tỷ đồng, còn lại 861,5 tỷ đồng sẽ được bố trí vào năm 2023.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp có phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, UBND TP Cần Thơ sẽ trình xin ý kiến HĐND TP về việc bố trí vốn NSĐP để tham gia thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ.
Sơ đồ hướng tuyến dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Trước đó, HĐND các tỉnh Hậu Giang, An Giang và Sóc Trăng cũng đã thống nhất thông qua việc bố trí vốn NSĐP thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tham gia thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án này.
Trong đó, Hậu Giang bố trí 823 tỷ đồng; An Giang bố trí 1.380 tỷ đồng và Sóc Trăng bố trí 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng 4 địa phương có dự án đi qua đã thống nhất bố trí hơn 4.264 tỷ đồng cho dự án.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 (thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Tổng chiều dài trên 188km, trong đó, đi qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 57km, TP Cần Thơ hơn 37km, tỉnh Hậu Giang gần 37km và tỉnh Sóc Trăng gần 57km.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 44.700 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022-2025 khoảng hơn 35.700 tỷ đồng, năm 2026 khoảng hơn 8.900 tỷ đồng.
Theo Công điện số 418/CĐ-TTg ngày 16/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp tăng tổng mức đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải chịu trách nhiệm bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương được giao hoặc từ các nguồn hợp pháp khác như tăng thu, tiết kiệm chi…
Thủ tướng yêu cầu các địa phương có nghị quyết HĐND trước ngày 30/5/2022, gửi Bộ GTVT để tổng hợp trình Quốc hội.