Chứng khoán

Khối ngoại trở lại mua ròng hơn 460 tỷ đồng tuần cuối năm 2023

Tuần cuối năm 2023 đã có diễn biến khá tích cực khi là tuần tăng mạnh nhất kể từ nhịp giảm từ đỉnh 1.250 hồi tháng 9 đến nay. Tính chung cả tuần, VN-Index đã tăng 26,87 điểm, tương ứng tăng 2,44% để chốt tuần tại 1.129,93 điểm. Trong tuần VN-Index có lúc cũng đã vượt khá xa mốc 1.130 tuy nhiên trước áp lực chốt lãi VN-Index vẫn chưa thể chốt tuần trên ngưỡng này.

Giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường ở mức 18.263 tỷ đồng, tăng 24% so với tuần trước nhưng giảm nhẹ 1,7% so với trung bình 5 tuần. Nhìn theo khung thời gian tuần, thanh khoản cải thiện ở ngành bất động sản, chứng khoán, xây dựng, thép, ... trong khi biến động không đáng kể ở các ngành ngân hàng, hóa chất, thực phẩm, công nghệ thông tin, dầu khí.

Đóng góp lớn nhất đến đà tăng của VN-Index trong tuần là VHM và VPB với mức điểm tác động là 3,2 điểm và 2,1 điểm. Chiều giảm điểm dẫn đầu là VCB khi mã này có nhịp giảm 3% trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần cổ phiếu của Vietcombank làm VN-Index giảm 0,72 điểm.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.  

Sau chuỗi 20 bán ròng liên tục, khối ngoại đã trở lại mua ròng trên HOSE trong 3 phiên giao dịch cuối năm và trở lại mua ròng hơn 463 tỷ đồng trong tuần sau nhiều tuần bán ròng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, NĐT nước ngoài gom ròng gần 393 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy, cổ phiếu HCM của Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (Chứng khoán HSC) được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 115,1 tỷ đồng trong tuần. Liên quan đến hoạt động kinh doanh, Chứng khoán HSC dự kiến chào bán hơn 297 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ lên trên 7.550 tỷ đồng.

Theo đăng ký, tổng số lượng phát hành là 297,2 triệu đơn vị, trong đó 228,6 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu và 68,6 triệu đơn vị phát hành để trả cổ tức. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 4.581 tỷ đồng lên thành 7.552 tỷ đồng.

Phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu đã được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp ngày 8/8/2022. Tổng giá trị phát hành dự kiến theo mệnh giá đạt 2.286 tỷ đồng. Công ty dự kiến cân nhắc dùng số tiền thu được để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) 1.786 tỷ đồng và bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh 500 tỷ đồng.

Ở nhóm công nghệ, FPT được gom ròng với 102,6 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ ba trong top 10 là mã VCB của Vietcombank với quy mô 80,9 tỷ đồng. Kế đó, dòng tiền ngoại còn tìm đến HSG, PVD, STB, MSN, BCM, VPB, GEX, ... với giá trị dưới 80 tỷ đồng.

Ở phía đối diện, cổ phiếu GMD bị khối ngoại xả ròng mạnh nhất với quy mô 174,2 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ hai trong top 10 bán ròng là VNM với 173,3 tỷ đồng.

Ngoài hai mã trên, khối ngoại cũng rút ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán như SSI (72,5 tỷ đồng), SHB (71 tỷ đồng), VND (65,2 tỷ đồng), MSB (42,4 tỷ đồng), BID (42,4 tỷ đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 3/5 phiên. Tính chung cả tuần khối này tiếp tục gom ròng hơn gần 15 tỷ đồng.

Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 31,9 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của TNG (4,9 tỷ đồng), SHS (4,8 tỷ đồng), cùng với NRC, VGS, ... với giá trị thấp hơn.

Trong khi đó, khối ngoại tập trung bán ròng 16,2 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS, theo sau là 5 tỷ đồng mã CEO. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như VCS, NVB, TIG, ... với giá trị dưới 4 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tục trong tuần. Tổng công, khối ngoại bán ròng gần 6,6 triệu đơn vị với tổng giá trị gần 166 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất 199,8 tỷ đồng ở cổ phiếu NCG của Suất ăn Hàng không Nội Bài, quy mô xả ròng bỏ xa các mã còn lại trong danh mục như  VTP (73,9 tỷ đồng), ACV (12,4 tỷ đồng), QNS (11,7 tỷ đồng), GDA (1,5 tỷ đồng), ...

Tại chiều mua, cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP tiếp tục dẫn đầu với quy mô 9,6 tỷ đồng. Kế tiếp, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 5,3 tỷ đồng mã MCH và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như LTG, MML và TCI.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm