Giàu có nhờ thừa kế, sự nghiệp thăng tiến hay trúng xổ số khiến nhiều người đổi vận. Nhưng theo một số nghiên cứu, nhóm người này dễ bị căng thẳng, lo lắng, thậm chí cuộc sống lụi bại nếu không biết cách chi tiêu khoa học.
Một trong những bi kịch của người bất giờ giàu có là mắc bệnh SWS (Sudden Wealth Syndrome). Thuật ngữ này được nhà tâm lý học Stephen Goldbart, người đồng sáng lập Viện tiền bạc, ý nghĩa và lựa chọn (Mỹ), đặt tên, nhằm chỉ một loại bệnh tâm lý của các cá nhân bất ngờ sở hữu khoản tiền lớn. Các triệu chứng của SWS gồm cảm giác bị cô lập khỏi bạn bè, thấy tội lỗi khi có vận may, sợ mất tiền và tự làm đau bản thân.
Lấy ví dụ từ các vận động viên chuyên nghiệp. Thống kê của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ năm 2015 cho thấy gần hơn 15% cầu thủ tham gia giải Bóng bầu dục NFL đã nộp đơn xin phá sản trong 12 năm từ khi nghỉ hưu. Dù nhiều người trong số họ từng sở hữu hàng triệu USD.
Hay một nghiên cứu năm 2010 đăng trên Tạp chí Kinh tế và Thống kê Mỹ khảo sát gần 35.000 người trúng xổ số từ 50.000 đến 150.000 USD. Kết quả phát hiện trong vòng 5 năm sau khi trúng thưởng, hơn 1.900 người đã nộp đơn xin phá sản. Nhiều trường hợp trúng số độc đắc trên khắp thế giới thừa nhận hối hận khi chi tiêu phung phí để bản thân rơi vào cảnh nợ nần, ly hôn, gặp rắc rối với các mối quan hệ, sức khỏe giảm sút hoặc bị sát hại.
Lý giải cho việc những người đột nhiên giàu có thường gặp biến cố, các chuyên gia cho rằng do mỗi cá nhân không có sự chuẩn bị để đối phó với những thay đổi. Bên cạnh đó, một số yếu tố khách quan có thể kể đến như sự ghen tị của những người xung quanh và nhiều kẻ âm mưu chiếm đoạt tài sản.
Goldbart, người thường làm việc với giới siêu giàu, nói trong một cuộc phỏng vấn với trang WenMD rằng những người mới giàu thường phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng danh tính" - đặc biệt là người trẻ.
"Nguyên nhân là bởi khi giàu có, họ không còn phải làm việc để kiếm sống, mất kết nối với xã hội. Họ không chắc chắn làm thế nào để nhìn nhận bản thân là "đã nghỉ hưu" khi cuộc sống làm việc gần như chưa bắt đầu. Ngược lại, những người giàu có ở độ tuổi 50-60 thường xử lý nó tốt hơn, một phần vì việc tích lũy của cải khi họ già đi là điều bình thường", Goldbart nói.
Để tránh rơi vào khủng hoảng, tiến sĩ James Royal, nhà đầu tư và quản lý tài sản tại Mỹ khuyên bạn nên thực hiện 3 điều.
Đặt mục tiêu tài chính
Tâm lý chung khi sở hữu khối tài sản lớn là mua sắm nhiều món đồ có giá trị như nhà, siêu xe, du thuyền. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc đầu tiên bạn nên làm là tìm cố vấn giỏi về quản lý tài chính để có thể bảo toàn tài sản trong thời gian dài.
Dễ hiểu hơn, ngay khi trở nên giàu có bạn cần đóng thuế và cùng cố vấn tài chính lập danh sách các mục tiêu muốn đạt được như đóng học phí cho con, trả nợ, tiết kiệm tiền nghỉ hưu, đầu tư, thiết lập quỹ tín thác hoặc đóng góp từ thiện. Bởi chỉ có một cố vấn tài sản có kinh nghiệm mới giúp bạn tạo ra một kế hoạch sử dụng nguồn tiền hiệu quả nhất.
Không vội đưa ra quyết định
Chuyên gia tài chính người Mỹ Susan Bradley, tác giả của cuốn sách Sudden Money: Managing a Financial Windfall (Bất ngờ có tiền: Quản lý một khoản tài chính), khuyên bạn nên "nằm yên" vài tuần đầu tiên để suy nghĩ mọi việc. Điều này cho bạn thời gian để xử lý cảm xúc của bản thân trước khi quyết định mọi việc.
"Đừng vội vung tiền khi chưa có kế hoạch quản lý rõ ràng", chuyên gia nói.
Giữ kín vận may
Nhà hoạch định tài chính tại Mỹ Robert Pagliarini, từng chia sẻ với Forbes: "Khi nói đến sự giàu có đột ngột, càng ít người biết càng tốt".
Chuyên gia khuyên giữ bí mật vận may có thể giúp người mới giàu có tránh được áp lực từ bạn bè, doanh nghiệp và tổ chức từ thiện. Bởi khi ai đó biết bạn kiếm được nhiều tiền sẽ nảy sinh lòng đố kỵ, có ý định lợi dụng hoặc nhờ sự giúp đỡ.
Trên thực tế, nhiều người trúng số đã quyết định chỉ chia sẻ thông tin về tài sản với cố vấn tài chính bởi họ được yêu cầu bảo mật thông tin.
(Theo Investopedia, Bankrate, Moneycrashers)