Mới đây, tờ Bangkok Post (Thái Lan) đã gọi năm 2023 là "năm đáng quên" của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan. Sở này có tên viết tắt là SET, đây cũng là tên của chỉ số chính của sở.
Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan hôm 29/12 đã kết thúc một năm đáng quên khi mất 15,2% giá trị kể từ cuối năm 2022. Chỉ số SET đóng cửa ngày 29/12, ngày giao dịch cuối cùng trong năm, với mức tăng khiêm tốn hằng ngày là 5,42 điểm lên 1.415,85, trên doanh thu trị giá 47,8 tỷ baht (1 baht ~ 700 đồng).
Như vậy, chỉ số kết thúc năm 2023 thậm chí còn thấp hơn so với năm đại dịch 2020, khi đó đóng cửa ở mức 1.449,35. Hồi năm ngoái, kết thúc năm ở mốc 1.668,66 điểm.
Trong số các thị trường lớn ở châu Á, chỉ có Hang Seng ở Hong Kong (Trung Quốc), với mức giảm 16%, có thành tích kém hơn trong năm nay. Ngược lại, nhiều chỉ số chính ở Bắc Mỹ, Châu Âu và các nơi khác chứng kiến mức tăng phần trăm hai con số vào năm 2023 bất chấp nhiều lo ngại về nền kinh tế toàn cầu trì trệ.
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa cao hơn SET, trong đó Hong Kong dẫn đầu mức tăng, khi niềm tin của nhà đầu tư ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Chỉ số SET của Thái Lan từng đạt mức cao nhất trong năm nay là 1.691,41 vào ngày 10/1 và mức thấp nhất là 1.357,97 vào ngày 13/12.
"Nhiều tháng bất ổn chính trị đã làm suy giảm tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là người nước ngoài tránh xa cổ phiếu Thái Lan để chờ một số thông tin rõ ràng về định hướng chính trị và kinh tế của đất nước", tờ Bangkok Post bình luận.
Theo tờ này, các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 30% doanh thu trên SET, nhưng phần lớn cổ phần của họ nằm ở các công ty blue-chip nên hoạt động của họ có thể có tác động lớn đến thị trường.
Sự sụt giảm rõ rệt xảy ra vào cuối năm, khi các nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng các chính sách như ví kỹ thuật số trị giá 500 tỷ baht, tự hỏi chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng nợ của đất nước.
Sau giai đoạn tăng giá năm 2002 khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 202,7 tỷ baht cổ phiếu Thái Lan, họ vào năm 2023 đã bán ròng 192,5 tỷ baht, tiếp theo là các nhà môi giới ở mức 5,6 tỷ baht. Các tổ chức địa phương mua ròng 81,1 tỷ baht và các nhà đầu tư bán lẻ mua ròng số cổ phiếu trị giá 116,9 tỷ baht.
Vn-Index tăng 8,3% so với phiên đầu năm 2023
Phiên giao dịch đầu năm 2023 (ngày 3/1), thị trường bật tăng mạnh mẽ với sắc xanh lan tỏa khắp các ngành hàng và lớp cổ phiếu. Kết phiên, Vn-Index tăng 36,81 điểm lên hơn 1.043 điểm.
Chốt phiên hôm nay, 29/12, Vn-Index đạt 1.129,93 điểm. Tương đầu phiên đầu năm, sắc xanh cũng gần như tràn ngập sàn ngày cuối năm. Theo đó, Vn-Index đã tăng hơn 8,3% so với ngày giao dịch đầu tiên của năm 2023. Tính cả năm 2023, Vn-Index tăng 123 điểm, tương đương 12,2%.
Sau quý đầu năm có phần ảm đạm, thị trường chứng khoán bắt đầu "nóng" dần từ đầu tháng 5 với các luồng thông tin hỗ trợ đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của thị trường trái phiếu và bất động sản. Vn-Index đi lên mạnh mẽ và đạt đỉnh một năm vào giữa tháng 9. Đây cũng là khoảng thời gian giao dịch rất sôi động với nhiều phiên khớp lệnh tỷ USD.
Tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh cùng một số cơn gió ngược đến từ bên ngoài đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh. Vn-Index có thời điểm gần đánh mất thành quả tăng giá từ đầu năm khi lùi về sát mốc 1.000 điểm hồi cuối tháng 10. Nhịp hồi phục trong 2 tháng cuối năm chưa đủ để đưa VN-Index về đỉnh cũ nhưng cũng kịp kéo chỉ số lên trên 1.100 điểm.
Giá trị vốn hóa của HoSE cũng theo đó tăng thêm hơn 500.000 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 4,5 triệu tỷ đồng. Tính chung cả 3 sàn, giá trị vốn hóa toàn thị trường lên đến gần 5,9 triệu tỷ đồng (~245 tỷ USD).
Thị trường hồi phục, khối ngoại lại quay đầu "trả hàng" sau giai đoạn mua ròng "ồ ạt" cuối năm ngoái. Xu hướng bán ròng bắt đầu rõ rệt từ tháng 4, kéo dài 9 tháng liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính chung cả năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 23.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.