Những ngày cuối cùng của năm 2023, nhiều doanh nghiệp lớn đã được thông qua thay đổi chỉ tiêu kinh doanh ngay trước thềm chốt sổ.
Mới đây nhất, HĐQT CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) đã thông qua điều chỉnh một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023 ngay trước thềm cuối năm.
Năm 2023, Đạm Cà Mau hạ chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế xuống còn 916 tỷ, giảm 34% so với kế hoạch cũ. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đạt 616,5 tỷ lãi sau thuế, tức mới đạt 67% chỉ tiêu lợi nhuận đã điều chỉnh.
Công ty đã đưa ra ước tính kết quả năm 2023 với doanh thu 13.572 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.031 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 78% so với kết quả kỷ lục năm ngoái. Như vậy, với chỉ tiêu sau điều chỉnh thì công ty dự kiến hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đây là năm thứ ba liên tiếp Đạm Cà Mau điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm trước giờ chốt sổ. Năm 2021 và 2022, Đạm Cà Mau đã xin điều chỉnh tăng các chỉ tiêu kinh doanh năm, trong khi năm nay là điều chỉnh giảm.
Trong báo cáo phân tích mới đây của SSI Research cho biết kế hoạch lợi nhuận trước thuế hiện tại thấp hơn nhiều so với mức đã đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên do chi phí khí đầu vào cao hơn dự kiến (9,69 USD/mmbtu trong 10 tháng so với 8,67 USD/mmbtu theo như kế hoạch đặt ra cho năm 2023 tại ĐHĐCĐ).
Điều này có thể là do giá urê thấp hơn dự kiến (9.400 đồng/kg trong 9 tháng so với 11.200 đồng/kg tại thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ). Thứ hai là nhiều nguồn cung khí có chi phí cao hơn và thứ ba là giá dầu trong 10 tháng (83 USD/thùng) thực tế đã cao hơn kế hoạch (70 USD/thùng).
Kế hoạch sửa đổi thực tế hơn so với kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ vì các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thường đặt ra kế hoạch năm vào đầu năm tài chính dựa trên giả định giá dầu thận trọng. Điều này khiến chi phí sản xuất của Đạm Cà Mau thấp hơn so với thực tế phát sinh, do đó giải thích cho lợi nhuận trước thuế kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ cao hơn.
Với cùng lý do, HĐQT CTCP Licogi 14 (Mã: L14) cũng đã thông qua điều chỉnh hạ chỉ tiêu kinh doanh so với kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.
Theo kế hoạch điều chỉnh, tổng doanh thu năm 2023 của L14 là 156 tỷ đồng, giảm 20% so với chỉ tiêu ban đầu. Trong đó, đóng góp lớn nhất vẫn từ hoạt động xây lắp và hoạt động khác với 114 tỷ đồng, còn lại hoạt động tài chính dự kiến đem về 30 tỷ và mảng bất động sản đóng góp 12 tỷ đồng doanh thu.
Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế còn 20 tỷ đồng, giảm 20% so với kế hoạch ban đầu.
Licogi 14 hạ chỉ tiêu kinh doanh khi 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới đạt 67 tỷ doanh thu và chưa tới 16 tỷ lãi sau thuế. So với kế hoạch điều chỉnh, doanh nghiệp đã thực hiện được 43% chỉ tiêu doanh thu và 78% mục tiêu lợi nhuận năm sau ba quý.
Ngoài các doanh nghiệp trên thì trong quý cuối cùng của năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng thông qua hạ chỉ tiêu kinh doanh năm như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT), Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN), CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - Mã: VSN), CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco - Mã: AGR),...
Công ty dệt may Vinatex đã thông qua điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu từ 17.500 tỷ đồng xuống 16.500 tỷ đồng, tương đương mức giảm 6%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 39% so với kế hoạch ban đầu, từ 610 tỷ đồng xuống 370 tỷ đồng.
Lý giải về việc điều chỉnh này, Vinatex cho biết trước đó ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Tập đoàn đã thông qua các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023 theo kịch bản tốt, tuy nhiên diễn biến thị trường trong thời gian qua liên tục có những khó khăn, bất lợi đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm và dự báo thị trường các tháng cuối năm không được như kỳ vọng, Vinatex điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Còn với VNSteel, trong bối cảnh ngành thép vẫn đầy khó khăn, HĐQT đã thông qua điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế công ty mẹ năm 2023 về mức 1 tỷ đồng. Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 52 tỷ đồng.
Đại diện ngành tôm là Sao Ta cho biết giá tiêu thụ thấp, khiến sức tiêu thụ tôm Việt bị tác động khá mạnh, đa phần các thị trường đều bị giảm sút và tác động tới công ty.
Cuối tháng 10, Sao Ta đã được thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm với
Doanh nghiệp duy nhất xin tăng chỉ tiêu lợi nhuận
Trái ngược với các đơn vị trên thì HĐQT CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) lại thông qua việc điều chỉnh tăng một số chỉ tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023.
Tổng doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng 52% so với chỉ tiêu ban đầu lên 145.102 tỷ đồng còn chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cao gấp 3 lần sau điều chỉnh lên 4.868 tỷ đồng. Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng dự kiến tăng tỷ lệ cổ tức năm 2023 từ mức 3% được phê duyệt tại ĐHĐCĐ thường niên lên 7%.
Chỉ tiêu | Thực hiện 2022 | Kế hoạch 2023 ban đầu | Kế hoạch 2023 đã điều chỉnh |
Sản lượng tiêu thụ (tấn) | 7.003.079 | 5.624.734 | 6.765.415 |
Doanh thu (tỷ đồng) | 167.126 | 95.645 | 145.102 |
Lợi nhuận sau thuế (tỷ đồng) | 14.669 | 1.628 | 4.868 |
Cổ tức (%) | 7% | 3% | 7% |
9 tháng đầu năm, Lọc hoá dầu Bình Sơn đã vượt các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên với 105.490 tỷ doanh thu và 6.181 tỷ lãi sau thuế.
Kế hoạch kinh doanh ban đầu của Lọc hoá dầu Bình Sơn dựa trên giả định giá dầu bình quân năm nay là 70 USD thùng/năm.