Đi làm thuê vẫn khởi nghiệp được
Phong trào khởi nghiệp đang phát triển khá mạnh những năm gần đây. Thực tế, có nhiều bạn trẻ đi làm thuê và cảm thấy chán nản, muốn nghỉ việc ra ngoài khởi nghiệp cho riêng mình. Tuy vậy, theo CEO Robenny US & Asia Markets, không nhất thiết phải nghỉ việc để khởi nghiệp. Hiện có một số doanh nghiệp lớn tạo điều kiện để nhân viên của mình vừa làm, vừa có thể khởi nghiệp. "Chúng ta vẫn đi làm, nhận lương bình thường và làm tốt công việc hàng ngày. Không lo cơm áo gạo tiền mà vẫn có đam mê cho startup", ông Robert Trần nhấn mạnh.
Nghĩa là trong công ty lớn sẽ có 1 quỹ dành cho startup. Quỹ này được 1 bộ phận quản lý giống như quỹ đầu tư bên ngoài, người quản lý quỹ đó phải làm cho nó tăng trưởng theo thời gian. Những ai đi startup ở trong doanh nghiệp được đánh giá giống như 1 startup bên ngoài. Nếu idea nào tốt sẽ được quỹ nội bộ đó đầu tư. Từ quỹ đó được xây dựng lên thành 1 công ty con phát triển riêng biệt.
"Các bạn nhân viên công ty không cần phải bươn chải bên ngoài để làm startup của riêng mình với rất nhiều rủi ro hoặc không phải đi làm thuê cho người ta mãi mãi mà vẫn có thể có ý tưởng và xây dựng startup cho riêng mình, đó là mặt được của mô hình khởi nghiệp trong công ty", ông Robert Trần khẳng định.
Tuy nhiên trên thực tế, có những công ty có được ý tưởng là startup nhưng lại không biết connect với nhân viên để tham gia vào startup này. Do đó, theo ông Robert Trần bản thân doanh nghiệp đó phải có chương trình chuẩn, lên ý tưởng rõ ràng. Hiện nay, một số người chủ doanh nghiệp lớn không phân biệt được lập nghiệp và khởi nghiệp. Lập nghiệp là không muốn làm công cho ai, tự đi làm, còn khởi nghiệp là 1 ý tưởng, làm bằng sự đam mê có thể fell hoặc không fell. Vì thế, các bạn trẻ vừa có thể đi làm, vừa có thể khởi nghiệp.
Startup thành công là ở ý tưởng chứ không phải là tiền
Theo CEO Robenny US & Asia Markets, một doanh nghiệp muốn xây dựng mô hình "startup inside corporate" phải có khoảng 400 tỉ đồng. Và tất nhiên, các ý tưởng startup phải "follow" chiến lược phát triển của doanh nghiệp đó. Chẳng hạn, doanh nghiệp đó làm về dược phẩm thì ý tưởng startup của bạn nhân viên đó phải liên quan đến dược phẩm. Điều này có lợi cho cả đôi bên: Nhân viên có cơ hội khởi nghiệp; về phía công ty đầu tư để có được 1 công ty khác, có thể làm đối tác của nhau nếu startup đó đi xa được. Ông Robert Trần cho rằng, với mô hình này còn tạo ra văn hóa dám thử cho nhân viên và cũng là cách giữ người tài cho công ty.
Theo ông Robert Trần, trong khởi nghiệp, ý tưởng quan trọng hơn tiền
"20% thời gian làm startup không có nghĩa là công ty nuôi để các bạn làm startup mà thực tế 80% thời gian các bạn có thể làm cho công việc bình thường bên các bộ phận khác như sales, marketing, sản xuất… 20% còn lại để tạo ra ý tưởng làm startup với nhau", ông Robert Trần giải thích thêm.
"Nếu cả đời chỉ làm công nhân cho một công ty lớn thì cũng sẽ chán. Nếu công ty đó cho cơ hội khởi nghiệp thì đây là cơ hội rất lớn để các bạn trẻ được đào tạo bài bản, học hỏi được nhiều thứ và nếu làm tốt có thể lên làm ông chủ của một công ty startup. Thậm chí, khi idea tốt, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng mua lại", ông Robert Trần nhấn mạnh.
Theo quan điểm của CEO này, startup thành công là ở ý tưởng chứ không phải là tiền. Cũng chẳng có gì xấu khi mà đi ăn cắp ý tưởng cả. Quan trọng là biến ý tưởng đó thành hiện thực như thế nào, phù hợp ra sao với nhu cầu thị trường.