Nhiều ngày nay, một bài chia sẻ quan điểm “Ghét Tết” của chị Thu Giao (cựu Giám đốc Nhân sự, người sáng lập Hội Quán Tuyệt Diệu) đã gây không ít tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Chị Thu Giao cho rằng: “Công việc đình trệ, bao nhiêu việc bị tắc vì Tết. Nhạc xuân và trang trí xấu xí khắp nơi. Cúng bái mê tín dọa dẫm nhau khắp nơi… Sợ nhất là sau Tết vài tuần mọi người còn vật vờ vì ăn uống, cả tháng 2 - 3 coi như toi, vì Tết…”
Và vì thế, chị Thu Giao còn mong rằng: “Giá mà nhắm mắt một cái hết luôn Tết, thì may quá. Mình Tết này sẽ thật thư thái bình an giản dị, không bị Tết làm phiền. Nhất định mình chả cần “ăn Tết”…”
Dịp Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng trong đời sống văn hoá của người Việt Nam.
Nhanh chón,g bài viết của chị Thu Giao nhận được nhiều sự đồng tình khi mọi người cho rằng chính lễ nghĩ phức tạp, vui chơi có phần “phát tướng” ngày Tết hôm nay đã khiến nó trở thành nỗi ám ảnh. Song, cũng nhiều ý kiến cho rằng bài viết đã nhìn vấn đề một cách phiến diện, chưa nhận thấy nét đẹp văn hoá của dịp lễ này đúng theo tên gọi của nó: Tết đoàn viên.
Chị Thu Giao (cựu Giám đốc Nhân sự, người sáng lập Hội Quán Tuyệt Diệu) cũng có chia sẻ sắc sảo về vấn đề “Ghét Tết” của mình.
Để bàn luận thêm về vấn đề Tết của mỗi người này, chúng tôi cũng đã có cuộc nói chuyện vui vẻ cùng nhà thơ Phong Việt. Là thế hệ 8X, đã từng trải qua nhiều cái Tết xưa cũ trong ký ức, nhà thơ Phong Việt cũng đưa ra những quan điểm của mình đối với dịp Tết Nguyên đán quan trọng nhất này.
Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi mà còn để sum vầy!
Chào Phong Việt, không biết gần đây anh có đọc được bài viết “Ghét Tết” của chị Thu Giao (cựu Giám đốc Nhân sự, người sáng lập Hội Quán Tuyệt Diệu) chia sẻ trên mạng xã hội?
Có! Tôi cũng đã có đọc qua những dòng chia sẻ của chị Thu Giao vài ngày gần đây.
Anh suy nghĩ thế nào trước những dòng tâm sự “Ghét Tết” và quan điểm cho rằng Tết ngày nay đang trở nên ‘xấu xí’ hơn?
Cá nhân tôi, từ lâu luôn xem Tết là dịp nghỉ ngơi, sum họp với gia đình sau một năm dài mà đôi khi vì cuộc mưu sinh không có dịp tụ họp.
Nhà thơ Phong Việt chia sẻ, những luận điểm của chị Thu Giao không hề sai, song chị đang nhìn dưới góc nhìn của một người ở thế hệ của chị.
Theo tôi, Tết Việt so với ngày trước đã có phần nhẹ nhàng, thoải mái hơn rất nhiều. Như thế hệ 8X đời đầu chúng tôi, ngày Tết thật sự không còn câu nệ chuyện phải sắm sửa, biếu xén, vất vả trong việc làm bánh mứt, chúc Tết từ hàng trên đến xóm dưới… hay thậm chí là cứng nhắc trong các lễ nghi cúng bái ông bà thời trước. Nếu có gặp nhau thì chỉ là 1-2 ly rượu, gọi là chúc tụng năm mới. Sau đó, chúng tôi cũng đã chọn sau ngày mùng 1 thăm viếng hai bên Nội Ngoại, rồi cùng đi du lịch xa. Cái Tết vì thế có phần nhẹ nhàng, tình cảm hơn.
Còn ở đâu đó, trong những làng quê còn nặng nề về chuyện ăn Tết, còn tồn tại những nguyên tắc cứng nhắc, tôi nghĩ chúng ta cũng phải chấp nhận như một mặt trái của cuộc sống. Để thay đổi cho một cái Tết văn minh, hiện đại hơn, đó là câu chuyện giáo dục lối sống của cả một thế hệ, không hề đơn giản chút nào.
Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi, mà còn sum họp với gia đình sau một năm dài mà đôi khi vì cuộc mưu sinh không có dịp tụ họp.
Quan điểm của anh thế nào cách nhìn nhận về ngày Tết và cảm nhận Ghét Tết.
Có lẽ chị Thu giao nhìn từ góc độ của thế hệ chị ấy nhiều, thành ra cảm giác áp lực Tết luôn nặng nề là có thật. Ngoài ra, tôi tin rằng ở thế hệ của chị ấy, phần lớn con cái chọn (hoặc bị) sống cùng cha mẹ sau khi lập gia đình nhiều hơn chúng tôi. Và một khi sống cùng cha mẹ, chúng ta mặc nhiên sẽ hiểu có nhiều giá trị văn hoá gia đình được thiết lập thành quy chuẩn. Vì vậy, cứ thế cha mẹ tạo ra áp lực cho con cái, mà đôi khi vì chữ Hiếu họ bắt buộc phải nghe và làm theo. Nhưng thực tế trong lòng rất mệt mỏi.
Cần nhìn Tết ở thái độ tích cực hơn, về những đóng góp của nó vào đời sống văn hoá, tinh thần của người Việt.
Tết Nguyên đán là một phần máu thịt của người Việt Nam
Tết Nguyên đán có ý nghĩa như thế nào đối với văn hoá người Việt Nam?
Tôi tin rằng: Tết vẫn là khoảng thời gian thiêng liêng nhất đối với người Việt. Nó giống như một phần máu thịt khi bạn là người Việt Nam vậy.
Thực tế dịp Tết luôn là nhắc nhớ chúng ta về những giá trị gia đình, giá trị cuộc sống mà đôi khi trong một năm dài bận rộn với mưu sinh đến mức quên lãng, hoặc chấp nhận quên trước thực tế khắc nghiệt của cuộc sống.
Với những người xa xứ, ngày Tết lại càng ý nghĩa hơn nữa. Tôi tin rằng, vào dịp đó, ai cũng chỉ mong muốn trở về nhà sau một năm vất vả lao động thôi. Bản thân tôi cũng là người xa quê, có năm cũng không về quê ăn Tết cùng gia đình được, nhưng thực tế trong thâm tâm vẫn luôn hướng về quê nhà như trong tiềm thức mình đã từng…
Với những người lao động xa xứ, dịp Tết lại càng ý nghĩa hơn, vì ai cũng chỉ mong muốn trở về nhà sau một năm vất vả mà thôi.
Tết vẫn là khoảng thời gian thiêng liêng nhất đối với người Việt. Nó giống như một phần máu thịt khi bạn là người Việt Nam vậy.
Trong văn hóa Việt Nam vẫn còn khá nhiều những tục lệ, lễ nghi, cúng kiếng… có phần “phức tạp’”vào ngày Tết, theo anh chúng ta có nên giữ gìn nó?
Cá nhân tôi nghĩ có những giá trị văn hoá luôn cần được gìn giữ, như việc cúng ông Táo, cúng rước ông bà về ăn Tết hay cúng đầu năm cầu bình an trong gia đình… Vì nó là nét đẹp của Tết Việt xưa nay. Vấn đề ở chỗ là chúng ta nên chọn cách cúng kiếng vừa đảm bảo đủ phong tục, vừa văn minh, gọn nhẹ… Đừng nhất thiết phải bày biện, nấu nướng đầy đủ các món như ngày xưa với những nguyên tắc cứng nhắc.
Theo nhà thơ, những lễ nghi cúng ông Táo, cúng rước ông bà về ăn Tết hay cúng đầu năm cầu bình an trong gia đình… thì vẫn nên duy trì. Vì nó là nét đẹp của Tết Việt xưa nay.
Hãy ăn Tết một cách văn minh, gọn nhẹ!
Vậy chúng ta cần làm gì để giữ một cái Tết đẹp?
Tôi nghĩ việc đầu tiên và duy nhất cần làm là giản lược tất cả lễ nghi, cách sắm sửa rườm rà ngày Tết. Giống như việc cúng kiếng đêm giao thừa phải cần 10 món thì có thể bây giờ chỉ cần 1-2 món thôi. Tiếp khách không cần thiết phải câu nệ việc nấu nướng bày biện, mà chỉ cần ít mứt bánh với trà nước là đủ. Nhà cửa chỉ cần gọn gàng là được, đừng ép mình vào tình huống là một năm đi dọn dẹp nhà chỉ trong 1-2 ngày trước Tết để rồi phải tự làm khổ mình. Tết vui hay không đều phụ thuộc vào ý thức của chúng ta, những người trẻ ngày hôm nay thôi!
Tết vui hay không đều phụ thuộc vào ý thức của chúng ta, những người trẻ ngày hôm nay thôi!
Vì vậy hãy ăn Tết một cách văn minh, gọn nhẹ…
Gia đình anh thường đón Tết như thế nào?
Thường thường mọi năm, tôi hay về quê ăn Tết cùng gia đình, xem như dịp sum họp, có cơ hội về thăm họ hàng, bà con,… mà thực tế suốt 1 năm dài không thể ghé được. Còn như năm trước vànăm nay, tôi sẽ ăn Tết ở Sài Gòn vì bối cảnh gia đình cũng có những thay đổi khác so với ngày xưa.
Ngày Tết với gia đình nhà thơ Phong Việt đúng nghĩa là những ngày dùng để nghỉ ngơi.
Và thực tế, gia đình tôi ăn Tết rất đơn giản, cúng kiếng ít và đồ ăn thì chỉ có 1-2 món như thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt… Cũng không mua sắm gì đặc biệt, chỉ với một ít mứt bánh để tiếp khách… Ngày Tết với tôi đúng nghĩa là dịp để nghỉ ngơi, đưa con đi hội hoa Tết, xem xiếc,… thời gian rảnh có thể đọc sách, xem phim… mà ngày bình thường đôi khi không đủ thời gian để sắp xếp được.
Vậy thôi…
Cám ơn nhà thơ Phong Việt vì những chia sẻ thú vị này!