Ngoài việc có một cái đầu và tư duy tốt, còn có rất nhiều thứ khác mà một người sếp thành công cần làm được, từ việc giữ bình tĩnh trước mọi áp lực cho đến việc thúc đẩy nhân viên phát huy khả năng để làm việc tốt hơn.
Khởi đầu năm mới luôn là một cơ hội tuyệt vời để quyết tâm cải thiện các kỹ năng của bản thân. Dưới đây là 6 mẹo cực đơn giản giúp bạn đẩy mạnh năng lực quản lý và cải thiện kỹ năng lãnh đạo một cách hiệu quả.
1. Lắng nghe nhân viên – khởi đầu của ý tưởng tuyệt vời và giải pháp tối ưu
Đồng ý rằng với vai trò của một người sếp, bạn có quyền giao việc và thậm chí là ra lệnh cho nhân viên của mình. Nhưng bên cạnh đó, bạn có dành thời gian để tìm hiểu xem nhân viên nghĩ gì về các quy trình và chính sách hiện tại không? Bằng cách trở thành một người sếp biết lắng nghe, bạn sẽ có được cái nhìn thực sự sâu sắc và thực tế về những điều gì khiến nhân viên của bạn trì trệ trong công việc. Đồng thời, bạn sẽ biết được những công cụ nào, những hỗ trợ nào có thể giúp nhân viên của bạn làm việc hiệu quả và vượt trội hơn.
2. Giao quyền và nhiệm vụ cho nhân viên – đừng khó chịu, hãy cảm thấy thoải mái
Nếu bạn luôn muốn tự mình làm tất cả, thì gần như bạn sẽ có rất ít cơ hội cho sự phát triển. Khi bạn xây dựng và vận hành một doanh nghiệp, rõ ràng bạn thể làm được mọi việc nhưng tuyển nhân viên phù hợp cho từng vị trí công việc mới là lựa chọn sáng suốt hơn. Bạn cần phải thoải mái với việc giao quyền và nhiệm vụ cho các nhân viên của mình.
Rất khó để tin tưởng rằng các nhân viên có thể làm việc tốt như bạn, đặc biệt là khi các công việc họ làm, các quyết định họ đưa ra có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của bạn. Nhưng để cải thiện kỹ năng lãnh đạo của bản thân, bạn nhất định phải học cách cảm thấy thoải mái và tin tưởng khi giao quyền và nhiệm vụ cho nhân viên.
3. "Sếp không được phép sai" – Suy nghĩ sai lầm khiến bạn luôn "căng" như dây đàn
Không phải tất cả sếp đều nhận được sự tôn trọng của các nhân viên. Một trong những lý do tạo nên sự khác biệt này đó là việc sếp có dám thừa nhận khi mắc sai lầm hay không. Dù bạn có là người lãnh đạo công ty hay đội nhóm nào đó thì cũng đừng cố tình che giấu lỗi lầm hay tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của bạn trong mắt các nhân viên mà dẫn họ đến với những suy nghĩ sai lệch và tiêu cực. Nếu bạn cho nhóm của bạn thấy bạn sẵn sàng tự chịu trách nhiệm khi gặp sư cố thì nhân viên của bạn sẽ bớt sợ mắc lỗi hơn trong quá trình làm việc và dám bước ra khỏi "vùng an toàn" của họ để phát huy khả năng của bản thân.
4. Đừng bỏ rơi nhân viên – Hãy là người củng cố tinh thần và "mentor" cho họ
Vận hành một doanh nghiệp, lãnh đạo một đội nhóm thực sự không hề dễ dàng. Chắc chắn bạn cũng tự nhận thấy mình luôn trong trạng thái cực kỳ bận rộn.
Tuy nhiên, hãy dành một phần thời gian để củng cố tinh thần và "mentor" cho họ khi cần, ngay cả khi điều này khiến bạn phải thay đổi lịch trình công việc của mình.
Việc tạo cho nhân viên của bạn một cơ hội để chia sẻ suy nghĩ, mối quan tâm của họ sẽ giúp bạn có thể trò chuyện với họ trong một tâm thế tốt hơn. Từ đó, bạn có thể đưa ra những phương án tốt hơn và tạo ra môi trường làm việc lý tưởng cho đội ngũ của mình.
5. Giữ bình tĩnh trước mọi tình huống – "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng vẫn không làm được
Cảm thấy căng thẳng khi công viêc có sự cố là phản ứng rất tự nhiên của mỗi con người. Người lãnh đạo cũng vậy nhưng hãy học cách "giữ bình tĩnh trước mọi tình huống". Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn cho nhân viên của mình thấy bạn có thể giữ bình tĩnh khi mọi thứ không thuận lợi hay có vấn đề phát sinh.
Các nhân viên của bạn có thể học cách giữ bình tĩnh trong các trường hợp tương tự và có thể họ sẽ quản lý sự căng thẳng của bản thân tốt hơn. Điều này thực sự sẽ rất có ích khi bạn và đội ngũ của mình phải đối mặt với những thách thức và rủi ro trong tương lai.
6. "Tay sếp bẩn kìa" – Hành động nhỏ, thông điệp lớn
Là một người sếp, bạn hoàn toàn có quyền giao nhiệm vụ cấp thấp hơn cho các nhân viên khác. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn không thể tự xử lý các sự cố máy tính cá nhân hoặc xử lý các vấn đề vận chuyển đơn giản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính.
Khi bạn làm những việc không phải nhiệm vụ của mình sẽ tạo động lực cho các nhân viên có tinh thần vượt lên trên những nhiệm vụ của chính bản thân họ. Điều này sẽ giúp các đội nhóm và nhân viên của bạn đoàn kết hơn, biết tương trợ lẫn nhau và luôn duy trì được động lực để tiến về phía trước.