Thất nghiệp không đáng sợ, cái đáng sợ nhất chính là không có ý chí vươn lên. Hàng trăm nghìn sinh viên thất nghiệp mỗi năm kia không phải đều đối diện với tương lai đen tối. Họ sẵn sàng chạy grab, làm nhân viên tiếp thị, bán hàng… Họ lao vào cuộc đời để chịu đựng ma sát, thậm chí có lúc trầy da tróc vẩy. Đổi lại họ có được những thứ khiến cả quãng đời về sau họ luôn phải thầm biết ơn.
Dưới đây là những lời giãi bày, trải lòng của "Tony buổi sáng" cho câu chuyện chọn nghề gì vốn luôn khiến các bạn trẻ tiến thoái lưỡng nan. Toàn bộ nội dung được trích trong cuốn sách cùng tên của tác giả.
***
Hồi còn đi học, Tony nghe tuyển "nhân viên bán hàng" là dội ngược. Vì tưởng tượng cảnh mồ hôi mồ kê chạy xe máy ào ào trên đường, phía sau là thùng hàng, vô năn nỉ chỗ này chỗ kia, có khi bị đuổi. Rồi trong giao tiếp, cái thế người bán bao giờ cũng thấp hơn thế người mua, nó bảo con trâu màu vàng cũng dạ "vàng quá", sĩ diện ít ai chịu làm, dân mình thích sĩ. Rồi bị ép doanh số, một tháng phải bán được bao nhiêu sản phẩm, còn không thì phải nghỉ, nên cuộc sống cũng sẽ áp lực hơn.
Với tâm lý đó nên sinh viên ra trường ít đứa nào chịu làm nhân viên bán hàng. Nhưng Tony ngồi suy nghĩ lại, mình dưới quê lên, trên răng dưới dép, lại học kinh tế ra, có nghề ngỗng gì đâu, nếu làm nhân viên văn phòng ngồi máy lạnh giỏi lắm 1000 USD/tháng thì tích lũy đến bao giờ mua được nhà ở phố. Nếu là con gái thì thôi kiếm thằng chồng nào chịu khó, việc nhà việc cửa giao cho nó cày, trong khi mình là đàn ông con trai, thì cần phải vững vàng về tài chính.
Nghĩ vậy nên một ngày kia Tony mới đăng báo tự quảng cáo. Bạn bè một số đứa nói nhục thế, cầm tờ báo có hình Tony quảng cáo ở mục Người Tìm Việc mà cười khinh bỉ lắm. Tony thấy chả nhục gì, sức lao động của mình là hàng hóa, phải quảng cáo để tăng khả năng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng chớ.
Đúng như dự đoán, họ gọi điện mời phỏng vấn, cơ duyên gặp nhiều người, giúp họ làm thêm vào chủ nhật hoặc buổi tối, cũng có thêm chút đỉnh. Nhờ chị Lan giới thiệu mà Tony thi tuyển vào công ty của Nhật làm nhân viên bán hàng ngay lúc nhận bằng tốt nghiệp. Nhờ những năm tháng nước mắt nước mũi, dưới sự đào tạo khắt khe và kỷ luật hà khắc của người Nhật mà Tony mới có được ngày hôm nay.
Trở lại việc làm sale, cái nghề nó cực khổ như vậy nhưng cũng là môi trường tốt nhất để 1 đứa ngáo ngơ trở nên bản lĩnh. Làm sale, mình sẽ TỰ đào tạo mọi kỹ năng, từ phân tích tâm lý, đến ăn nói, nhậu nhẹt hát hò, đàm phán thương lượng, tung chiêu quánh phủ đầu… đến năn nỉ xuống nước thảo mai nịnh nọt.
Vì bán hàng nó cực, nên thu nhập thường sẽ gồm lương cứng và hoa hồng. Lương cứng thì thường chỉ đủ sinh hoạt, thu nhập tích lũy là hoa hồng, nên sẽ là động lực thức khuya dậy sớm để làm. Nhân viên bán hàng được ví như là chiến sĩ ra mặt trận vậy, còn hậu phương là cán bộ chứng từ, logistic, kho bãi…
Trần Quốc Tuấn trong Binh Thư Yếu Lược có nói, cốt yếu nhất trong việc đánh thắng giặc Nguyên Mông là "quý hồ tinh bất quý hồ đa", tức quân cốt yếu là sự tinh nhuệ chứ không phải là đa số. Công ty nào có đội ngũ quân tinh nhuệ thì đều chiến thắng, thương trường là chiến trường.
Nên này các bạn trẻ, dù tốt nghiệp ngành gì, đang thất nghiệp mà đứng trước cơ hội làm nhân viên bán hàng, đừng có ngại. Lao vô làm đi, sĩ diện làm gì. Thất nghiệp ăn bám mới nhục chứ đi làm là không có cái nghề nào cao hơn nghề nào.
Mình chịu cực khổ một thời gian sau đó ngon lành lắm. Cạm bẫy thương trường cũng nhiều, mình giỏi giang hóa chứ đừng có ma lanh hóa. Các bạn cứ nhìn một con diều bay cao như vậy, là nhờ cái sợi dây cột dưới đất.
Nhiều lúc con diều nghĩ, thôi cắt sợi dây đi, sẽ bay cao vút lên trời xanh luôn. Nhưng thử đi. Sợi dây đó chính là tính kỷ luật, chính là đạo đức. Mà con người mình không có nó, bay cao chỉ là "cuốn theo chiều gió", rơi xuống lúc nào không hay.
Các bạn trẻ nhớ kỹ lời Tony dặn. DÙ LÀM GÌ Ở ĐÂU VỚI AI, đồng tiền mình làm ra phải là đồng tiền sạch, phải từ mồ hôi trí tuệ của mình. Ai dạy khôn dạy khéo gì đó kệ họ. Thật thà chưa bao giờ là cha dại cả, trung thực là cái khôn ngoan nhất trong mọi khôn ngoan mà con người có thể nghĩ ra.
Có một bạn trẻ tên Kiên, người Phù Cát Bình Định. Hồi nhỏ quậy phá gì đó mà bị mất hết một cái tai. Nó nói con ham chơi chỉ học đến lớp 11 đã nghỉ. Theo bạn bè vô Nam làm công nhân. Sau đó, nó nghỉ phụ hồ, làm giao hàng nước đóng bình cho các nhà máy trong khu công nghiệp ở Dĩ An, lương 3 triệu. Sau thời gian, nó xin sếp làm công việc bán hàng kiêm giao hàng. Làm quần quật từ mờ mờ sáng đến khuya. Gọi tiếp thị khắp nơi, hang cùng ngõ hẻm gì cũng chạy đến, nửa đêm ai gọi giao nước cũng đi. Rảnh là nó đi tới tận nhà gửi card tiếp thị vô khe cửa, nên 1 tháng hoa hồng cũng được 3-4 triệu nữa.
Lần lĩnh hoa hồng đầu tiên tiên nó mời Tony đi ăn, nói con hẻm biết lấy gì cảm ơn. Mà dượng sang trọng quá, con mang theo toàn bộ tiền của con để dành xưa giờ luôn nè. Mình mà cầm 10 triệu đồng thì khách sạn 5 sao nào cũng dám vô dượng há. Thấy nó ốm nhách, da mặt đen thui vì chạy suốt ngày ngoài nắng, cái túi căng phồng ra vì những 10 triệu tiền mặt mang theo, Tony hẻm biết nói gì, chỉ thấy rưng rưng nước mắt. Mới nói thôi dượng cũng chẳng có gì cho con, tạo hóa ban cho dượng chút I-ốt thông tuệ hơn người, thôi con ráng tích lũy thêm đi, cày thêm được khoảng 100 triệu thì dượng chỉ cho cách làm ăn, còn mua nhà mua cửa lấy vợ đẻ con nữa.
Bữa đi ăn với nó đến giờ cũng mấy tháng. Bữa nay, nó gọi qua nói con để dành được 50 triệu rồi dượng, tối dượng có về Villa De Tony hem để con qua gửi dượng cất giùm. Nó nói trên Bình Dương ai cũng khen con dễ thương nên mối lái nhiều lắm. Con phải dậy từ lúc 4h, đi giao hàng từ 5h sáng đến 10h đêm mới xong, tháng nào con cũng tích lũy được ít nhất 2 chỉ.
Tony nói sao con giống mấy ông bà mình ở quê dữ vậy, lâu lâu lòi ra 1 đống vàng ki ki cóp cóp…
Nhưng con chịu làm như vậy, dượng thấy ưng cái bụng. Dượng sẽ giúp con.