Kiến thức xung quanh ta là vô hạn. Bạn không thể liệt kê hết được tất cả những điều bạn có thể học được trong đời. Thế nhưng, bạn hoàn toàn nắm bắt được những kỹ năng hữu dụng bạn cần phải trau dồi cho mình. Dưới đây là một số điều cơ bản trong nghệ thuật giao tiếp mà bất kỳ ai cũng cần phải nắm để con đường sự nghiệp luôn rộng mở.
1. Những lời khách sáo cũng cần phù hợp
Những lời khách sáo thể hiện sự cung kính và cảm kích của bạn, cho nên chỉ cần vừa đủ là được. Có người làm giúp bạn một chút việc nhỏ, bạn chỉ cần nói "Cảm ơn", "Xin lỗi, đã làm phiền bạn". Còn những lời lẽ khách sáo thiếu hụt tình cảm như "Tôi không giỏi giang gì, mong các bạn chỉ giáo nhiều hơn" thì có thể miễn.
2. Lựa chọn thời điểm
Những lời góp ý hay từ chối, tốt nhất đừng nhằm vào sáng thứ 2, hầu như mọi người đều sẽ có triệu chứng "tinh thần ngày thứ 2". Ngoài ra cũng đừng nhằm vào trước khi tan ca vào ngày thứ 6, để tránh ảnh hưởng tới tâm trạng nghỉ ngơi cuối tuần của đối phương.
Đôi khi trong công việc, có những lúc bạn không thể kiểm soát cảm xúc của mình. Điều quan trọng là bạn phải giữ được bình tĩnh và hạn chế bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài nhiều nhất có thể. Có như vậy, bạn mới tư duy và nhìn nhận mọi vấn đề với một "cái đầu lạnh" để phân tích thấu đáo sự việc.
Một khi để cảm xúc xen vào những việc bạn đang giải quyết, sẽ rất khó để bạn có thể công tư phân minh hoặc xử lý mọi việc ổn thỏa. Do đó, bình tĩnh chính là chiếc chìa khóa quan trọng nhất để bạn luôn nhẹ nhàng bước vào mọi cuộc đua. Và lựa chọn một thời điểm phù hợp để bày tỏ quan điểm, góp ý... chính là lúc "ghi điểm" cho chính bạn.
3. Nghệ thuật khen ngợi
Khen ngợi việc làm chứ không phải cá nhân. Nếu đối phương nghe thấy lời tán dương của bạn qua một người khác, họ sẽ kinh ngạc hơn so với nghe từ chính miệng của bạn. Ngược lại, nếu phê bình đối phương thì nhất thiết không được để người thứ 3 nói tới tai người đó để tránh thêm mắm thêm muối. Kỳ thực là lãnh đạo của một đơn vị, điểm này lại càng quan trọng.
Khi người khác khen ngợi bạn chỉ cần nói cảm ơn là được. Thông thường khi được người khác khen ngợi, đa phần mọi người đều trả lời "Cũng tàm tạm!" hoặc mỉm cười đáp lễ. Làm vậy chi bằng thẳng thắn tiếp nhận và trực tiếp nói lời cảm ơn với đối phương. Đôi khi đối phương khen ngợi trang phục hoặc thứ gì đó của chúng ta, nếu bạn nói: "Đây chỉ là đồ giả thôi!"ngược lại còn khiến người khác cảm thấy lúng túng. Người khiêm nhường khi nhún mình cũng cần phải biết đặt mình vào thế của người khác, lưu lại cho họ một bậc thang rút lui, đừng làm quá tuyệt đối.
Thể hiện sự độ lượng khi khen ngợi đối thủ của mình. Khi bạn khen ngợi đối thủ hoặc những người mình chán ghét thì đừng vội nói: "Nhưng mà…". Dẫu bạn không tán đồng quan điểm của đối phương thì cũng nên nói: "Đúng vậy, anh ấy rất nỗ lực", như vậy sẽ thể hiện được sự độ lượng của bạn.
4. Phê bình cũng có thể khiến người khác bùi tai
Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Dẫu là bạn có ý tốt thì đối phương chưa hẳn đã tiếp nhận, thậm chí còn hiểu lầm ý tốt của bạn. Trừ khi bạn và đối phương có mối quan hệ hay sự tín nhiệm nhất định. Nếu không thì đừng tùy tiện đưa ra lời phê bình.
Cách nói khiến người khác tiếp nhận khá dễ dàng là: "Về việc này của bạn, tôi có cách nghĩ thế này, bạn có thể tham khảo thử xem".
Đừng phê bình bạn bè hay đồng nghiệp của mình trước mặt người khác. Những chuyện riêng tư này nên đóng cửa bảo nhau thì tốt hơn.
Ngoài việc đưa ra lời phê bình còn cần đưa ra đề xuất cải thiện một cách tích cực, mới có thể khiến lời phê bình của bạn thêm tính thuyết phục và cảm nhận được sự chân thành của bạn.
5. Tránh đề cao bản thân trong giao tiếp
Đừng cho rằng ai cũng quen biết bạn. Bạn không phải cái rốn của vũ trụ. Nhiều người cho rằng mình tài giỏi, "trên cơ" mọi người dẫn tới hành động phách lối. Nên nhớ, không được thể hiện rằng mình giỏi hơn đối phương. Đừng sửa lỗi sai của người khác. Đừng trực tiếp sửa phát âm, lời văn hay sự thực gì đó của người khác. Như vậy không chỉ khiến đối phương cảm thấy ngượng ngùng, mà còn chứng tỏ rằng bạn rất thích thể hiện bản thân.
Tuyệt đối không được thất lễ, chê bôi bằng những lời lẽ phản cảm, thiếu tế nhị.
Nói tóm lại, mọi kỹ năng giao tiếp đều là vô giá khi bạn biết tận dụng chúng đúng cách. Nếu trau dồi và thành thạo những kỹ năng kể trên, bạn đã có thể tự tin tạo ra một bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp tương lai của mình.