Tuổi thơ của Hoàng Thị Thúy Vân, 28 tuổi, ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ ăm ắp kỷ niệm với cây chè, nhưng buồn nhiều hơn vui. Từ bé, ngoài giờ đi học Vân đã leo đồi hái chè. Năm lớp 7, mẹ cô bị bệnh về mắt, phải chạy chữa khắp nơi suốt gần một năm. Anh chị đi học xa, một mình Vân quán xuyến cả đồi chè một hecta, cứ ngày hái, tối về lo cơm nước, sao chè đến nửa đêm. Hết lứa chè nhà mình, cô lại đi làm đổi công cho hàng xóm.
Nghề làm chè không chỉ vất vả mà còn có cả những nguy hiểm. Có lần sao chè, vì vội không cuộn tóc Vân bị cuốn chặt vào máy đảo, may hàng xóm chạy đến kịp rút điện, nếu không đầu trụi cả mảng. Những ngày mưa lớn, đường lên đồi trơn trượt, cô bé ngã nhào, cả người ướt đẫm dưới mưa.
Thương con nhỏ, mẹ Vân mắt đau vẫn đội mũ bảo hiểm kín đến cổ để sao chè. Trời tháng 6 nắng to, nhìn mẹ cởi mũ, tóc ướt như vừa gội xong, đứa con bật khóc. "Cố học để mà thoát cảnh này con nhé", mẹ dặn. Thúy Vân tự thề học giỏi để đổi đời và về chặt hết chè đi.
Nỗ lực học tập của cô gái vùng chè được đền đáp. Cô tốt nghiệp đại học và hào hứng với cuộc sống thành phố. Làm chuyên viên kinh doanh, Vân được nhận biệt danh "thưởng nóng", khi luôn được nhận thưởng nóng nhờ vượt chỉ tiêu công việc. Cô út trở thành niềm tự hào của bố mẹ nông dân.
Nhưng sống giữa thành phố ngột ngạt, bụi bặm, ba lần bị ngộ độc thực phẩm khiến Vân trăn trở liệu đây có phải nơi mình nên bám trụ. Sau khi khỏi trận ngộ độc thứ ba, cô xin về quê nghỉ phép. Ngồi trước hiên nhà, nhìn đồi chè ngút ngàn, đột nhiên câu nói của thầy giáo trong khóa học về khởi nghiệp văng vẳng bên tai cô.
Trong một khóa học đó, thầy khuyên học viên nên khởi nghiệp bằng nghề mình tinh thông nhất, nghĩa là "nhắm mắt vào vẫn có thể làm được". Khi được hỏi, Vân đáp: "Là hái chè ạ. Ngày nhỏ có hôm em hái chè buổi trưa, buồn ngủ quá nhắm mắt lại vẫn hái được". Người thầy cười: "Vậy hãy chọn chè nhé". Thúy Vân lập tức phản đối: "Em sợ chè lắm".
Tối đó, lại xem video quả táo thần kì của ông Kimura (trồng táo không cần thuốc hóa học, táo bổ đôi để hai tháng không hỏng) và đọc cuốn sách về nông nghiệp sạch, Hoàng Thị Thúy Vân quyết sẽ về quê trồng chè theo hướng thuận tự nhiên.
Tháng 3/2019, Vân dọn hành lý rời phố. Lúc nghe em gái thông báo, chị gái cô cảnh báo: "Em sẽ gặp muôn vàn khó khăn và khó khăn lớn nhất là được bố mẹ đồng ý".
Đúng như lời cảnh báo, bố mẹ Thúy Vân không khuyên nạt được con nên nổi giận. Cả năm đầu, ông bà không nói với con câu nào.
Không được canh tác trên đồi chè nhà mình, Vân thuê lại 8 sào chè của người dân trong vùng để cải tạo. Hàng ngày, cô trốn bố mẹ, chạy xe máy lên đồi 8 km, rồi leo bộ hơn một km để cải tạo đất, gây cỏ cho vườn. Khi về, Vân lẻn vào nhà, thay quần áo sạch sẽ mới dám xuất hiện trước mặt bố mẹ.
Ngoài việc gây cỏ để giữ ẩm cho đất, chống xói mòn, Vân thu rơm, phân xanh đắp vào gốc chè. Cô trồng xen canh các loại cây để tạo nguồn lực phân bón tại chỗ, ủ đậu tương, hoa quả chín bổ sung dinh dưỡng cho vườn trong những thời gian đầu chuyển đổi.
"Tôi xem cây chè đang được chăm sóc theo lối thông thường là một đứa trẻ thành phố, được nâng niu, chăm bẵm nên để bạn ấy tìm lại được sức sống bản năng tự nhiên cần có thời gian dõi theo, hỗ trợ, bảo vệ khi những hiểm nguy nhất... Rồi dần dần bạn ấy quen với tự nhiên, sức đề kháng tự nhiên tốt hơn sẽ để bạn ấy sống đời sống tự do như đứa trẻ đã cứng cáp trưởng thành". Vân nói.
Lứa đầu không phun thuốc hóa học, cả đồi chè mầm vừa nhú đã bị sâu ăn trọc, rệp bám kín. Đến chăm chè, sâu bám khắp người Vân. Giũ không hết sâu, cô nhảy ùm xuống suối, đợi cho quần áo khô mới làm tiếp.
Hàng xóm ban đầu mắng cô "bố mẹ cho ăn học tử tế mà bỏ phố rúc vào rừng". Thấy cô để cỏ mọc tốt hơn chè mà không nhổ, không phun thuốc trừ sâu thì bảo "bị điên". "Tôi chỉ biết thu mình vào một góc, câm điếc trước lời bàn tán và sự phản đối kịch liệt của bố mẹ", Vân nhớ lại.
Về quê, cô tham gia các khóa đào tạo về khởi nghiệp, các lớp học chuyên môn về trồng chè, đọc sách và nghiên cứu trên Internet để tìm giải pháp cho mình. "Vân là cô gái trẻ ham học vô cùng. Từng ở phố về, nhưng em giản dị, chân chất như một nông dân chính hiệu", anh Lương Văn Tuấn, Bí thư Đoàn xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, nói.
Trong một lần đến hội chợ quảng bá trà ở Hà Nội, Vân gặp anh bộ đội nghiện trà, "say" cả cô thôn nữ. Kết hôn xong, chồng phải xa nhà nên vẫn chỉ mình cô xoay xở với đồi chè. Mang bầu, bụng vượt mặt, Vân vẫn chạy xe máy, leo đồi, làm thuốc trừ sâu từ gừng, tỏi, ớt, làm men vi sinh tưới cho chè, vác bộ phân bò lên bón từng gốc cây.
Con chưa đầy một tuổi, Vân đã bế theo đến các buổi hội chợ. Nhiều lần, vì theo mẹ đi học, cô bé ngủ trưa ở sân trường, ở sân hội chợ. Đi đường xa, ăn uống thất thường, người mẹ mất sữa, đứa trẻ lả đi vì đói. "Nhìn con, tôi tự hỏi mình có đang chọn con đường khó quá không?", cô nói.
Giữa năm 2020, tầng đất ở vườn chè của Vân đã tơi xốp trở lại. Những ngọn chè đua nhau lớn, thậm chí tốt hơn vườn được chăm sóc kiểu truyền thống. Trời nắng to, vườn khác ủ rũ, vườn chè của cô vẫn tươi. Dân trồng chè trong xã đến thăm vườn của Vân, một số người bắt đầu học theo cách trồng này.
Thúy Vân cũng thường xuyên chia sẻ về quá trình trồng chè, làm trà trên mạng xã hội. Khách bắt đầu đặt hàng. Một người bạn ở Hà Nội cũng quyết định về đồng hành cùng cô.
Có khách hàng, có người đồng cam cộng khổ, Vân có thêm động lực. Cô thiết kế lại bao bì sản phẩm, đi gom rơm phơi khô gói trà để vận chuyển đi xa đỡ dập nát, thân thiện với môi trường.
Tháng 6/2021, sản phẩm An Vân Trà của cô được công nhận đạt tiêu chuẩn ISO. Nhiều khách ở phố tìm đến vườn của Vân để trải nghiệm. An Vân Trà cũng là một trong tám đơn vị nhận quỹ học bổng 2021 của Wise (Sáng kiến hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh).
"Thay vì xấu hổ khi con gái bỏ phố về quê, nay bố mẹ tôi dần tự hào về Vân. Khách đến nhà ông lúc nào cũng háo hức mời trà, khoe 'trà thuận tự nhiên đó'", chị gái Vân kể.
Giữa năm ngoái, chị Nghiệp đang là giáo viên 10 năm biên chế của một trường cấp hai ở Lai Châu cũng cùng chồng, một viên chức về Thái Nguyên, phụ giúp em gái. Một đồng nghiệp của chị gái, khi nghe kể về hành trình khởi nghiệp của Vân cũng bỏ nghề cùng về làm trà. Từ 8 sào chè ban đầu, nay vườn mở rộng gần một héc ta.
Mỗi ngày, nhận được tin nhắn của khách hàng, Thúy Vân càng thấy những giọt mồ hôi, nước mắt ba năm qua rơi đều có ý nghĩa. "10 năm rồi , anh và bố anh mới được dùng loại trà có hương vị giống ngày xưa đến thế. Cảm ơn em!", một vị khách ở phố vừa nhắn cho Vân.