Vào tháng 5/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty TNHH The Sherpa – một công ty thành viên của Masan đã công bố ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage – công ty sẽ sở hữu thương hiệu Phúc Long.
Giá trị của giao dịch này là 15 triệu USD cho 20% cổ phần, tương đương mức định giá sau giao dịch là 75 triệu USD (khoảng 1.725 tỷ đồng).
Masan cho biết, VinCommerce (WinCommerce bây giờ) đã thiết lập Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược với Phúc Long, theo đó hai bên cùng phát triển mô hình "Kiosk Phúc Long" thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Đồng thời, "Kiosk Phúc Long" sẽ chia sẻ 20% doanh thu với cửa hàng VinMart+.
Mới đây, vào tháng 1/2022, Masan đã mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỉ lệ sở hữu lên 51%. Với giá 110 triệu USD cho 31% cổ phần tương ứng định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD. Theo đó, P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022. Như thế, Phúc Long chính thức trở thành công ty con của Masan.
Nối tiếp thành công bước đầu của việc triển khai kiosk Phúc Long tại các điểm bán thuộc WCM, Masan đã tăng tốc chiến lược Point of Life ("POL") bằng cách xây dựng và thí điểm mini-mall, mô hình phục vụ đa dạng các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu (bao gồm nhu yếu phẩm, dược phẩm, sản phẩm tài chính và dịch vụ giải trí, viễn thông chiếm 60-80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt) trên một hệ sinh thái tích hợp từ offline đến online.
Với các cửa hàng thí điểm mang lại kết quả khả quan, Masan tự tin rằng mô hình mini-mall thu hút khách hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Kể từ khi nhận được khoản đầu tư ban đầu của Masan, Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược POL. Chiến lược này giờ đây sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan.
Từ mức định giá 75 triệu USD, khoảng hơn 1.700 tỷ đồng hồi tháng 5/2021, sau chưa đầy 1 năm về với Masan, giá trị của Phúc Long tăng gấp gần 5 lần, lên 355 triệu USD.