Người tiêu dùng được lợi gì khi giảm thuế VAT
Ngay từ đầu năm, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rất nhiều về việc Bộ tài chính ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc Hội, theo đó hướng dẫn giảm thuế Giá trị gia tăng (sau đây gọi tắt là VAT) từ 10% xuống 8%, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2022.
Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, tức người nộp thuế không phải là người chịu thuế. Nó luôn xuất hiện trong dòng cuối của mỗi hoá đơn nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng ý thức được việc mình đã trả VAT thông qua hành vi tiêu dùng như thế nào.
Người nộp thuế cho nhà nước là người bán, cung cấp dịch vụ nhưng người chịu thuế thực chất là người tiêu dùng cuối cùng hàng hóa, dịch vụ đó. Vì vậy, bất cứ một sự thay đổi chính sách nào của Chính phủ liên quan đến VAT đều ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của dân chúng và nhận được sự quan tâm rất lớn.
Nhiều mặt hàng không chịu tác động của đợt điều chỉnh thuế GTGT lần này
Anh N (Hà Nội) cho biết: Khi đọc được thông tin trên các phương tiện đại chúng, anh đã lùi việc đi mua máy tính mới về sau ngày 01/02/2022 để đợi quy định giảm thuế VAT chính thức được áp dụng. Nhưng khi đến cửa hàng, anh không khỏi hụt hẫng khi được nhân viên cho biết, số tiền anh phải trả cho sản phẩm công nghệ yêu thích không hề tiết kiệm được 2% thuế VAT như tính toán.
Ảnh minh hoạ
Đây có lẽ là vấn đề nhiều người sẽ gặp phải vì có nhiều mặt hàng không chịu tác động của đợt điều chỉnh thuế VAT lần này như đường, gạo, đồ chơi, sách, điện thoại, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm,….
Trước khi nghị định 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực, có các mức thuế suất VAT như sau: Nhóm hàng hoá không chịu thuế (sản phẩm trồng trọt chăn nuôi chưa qua chế biến, dịch vụ giáo dục, y tế, xuất bản...), nhóm hàng hoá chịu thuế suất 0% (hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu,…), nhóm hàng hoá chịu thuế suất 5% (chủ yếu các mặt hàng nông sản đã qua chế biến, thiết bị dụng cụ y tế, sách, đồ chơi trẻ em,…) và 10 % (phần lớn bộ phận hàng hoá, dịch vụ trên thị trường).
Đứng ngoài đợt điều chỉnh thuế VAT lần này có những mặt hàng hiện đang áp dụng thuế suất 0%, 5% hoặc không chịu thuế VAT và những mặt hàng đang áp dụng thuế suất VAT 10% nhưng không nằm trong diện giảm thuế lần này.
Như vậy kể từ ngày 01/02/2022, có 4 mức thuế suất VAT 0%, 5%, 8% và 10% được áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Dần dần người tiêu dùng sẽ không quá bất ngờ khi bắt gặp những mặt hàng miễn nhiễm với "tin tốt" này.