Kế hoạch lãi 210 tỷ, muốn huy động 440 tỷ đồng đầu tư vào công ty con
ĐHĐCĐ thường niên diễn ra ngày 9/6 của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 980 tỷ đồng, đi ngang so với kết quả năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 210 tỷ, tăng 14%.
Về phương án phân phối lợi nhuận, cổ đông đã thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho năm 2021 với tỷ lệ 20%. Số lượng cổ phiếu phát hành cụ thể sẽ tùy thuộc vào số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại 31/12/2022. Năm 2022 công ty dự kiến không chia. Đối với 2023, tỷ lệ cổ tức sẽ được trình lên ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Bên cạnh đó, KSB dự kiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và riêng lẻ với tổng khối lượng khoảng 58,1 triệu cổ phiếu. Trong đó, phương án chào bán 38,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện 50%. Đồng thời chào bán 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 22.000 đồng/cp, thấp hơn 19% so với thị giá KSB chốt phiên 12/6. Tổng số tiền 440 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán riêng lẻ sẽ được đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư KSB - công ty con do KSB nắm 100%.
Ngoài ra, KSB cũng dự kiến phát hành 3,5 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng 4,59% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Thời gian hạn chế chuyển nhượng trong 12 tháng.
Cổ đông cũng đã thông qua đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Quốc Phòng, đồng thời thông qua giảm số lượng thành viên HĐQT từ 7 xuống 6 người.
M&A các mỏ đá mới và công ty cùng ngành để mở rộng quy mô cung cấp
Tại đại hội, ban chủ tọa đã trả lời các câu hỏi thắc mắc của cổ đông. Đối với việc mở rộng, xuống sâu tại mỏ đá Phước Vĩnh (tỉnh Bình Dương), công ty hiện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện gia hạn mỏ.
Đối với mỏ đá Tam Lập, dự kiến cuối tháng 6 sẽ có chấp thuận chủ trương đầu tư và đầu quý III tới sẽ đưa vào khai thác.
Ban lãnh đạo dự đoán xu hướng giá bán các sản phẩm đá sẽ tăng trong tương lai do nhu cầu lớn từ các nhà đầu tư, trong khi việc cấp phép khai thác hay mở rộng mỏ đá hiện nay đang rất khó khăn do liên quan đến các chính sách đổi mới của pháp luật, quỹ đất, công tác đền bù,...
Theo báo cáo của KSB, các dự án hạ tầng giao thông đáng chú ý trong thời gian tới là cao tốc Bắc Nam phía Đông - giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai 4 (Hà Nội) và đường vành đai 3 (TP HCM). Trong đó, dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ mở ra cơ hội cho mảng vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá xây dựng.
Các mỏ đá của KSB có thuận lợi là gần các khu vực đang phát triển, đang được đẩy mạnh đầu tư công, các khu đô thị, khu công nghiệp và các thành phố của Đông Nam Bộ. KSB đang tiến hành đầu tư vào các mỏ mới và công ty khác trong ngành để mở rộng quy mô cung cấp.
Năm nay, công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng Khu công nghiệp (KCN) KSB giai đoạn 2, sớm đưa sản phẩm vào kinh doanh. Ban lãnh đạo thông tin việc mở rộng KCN KSB giai đoạn 2 đang thực hiện điều chỉnh phương án, hoàn tất các thủ tục pháp lý, thực hiện đền bù và đầu tư cơ sở hạ tầng. Đối với KCN giai đoạn 1, công ty đã cho thuê hơn 90%.
Bên cạnh đó năm nay, công ty sẽ tìm kiếm các quỹ đất tại Bình Dương, Bình Phước để xin chủ trương thành lập KCN mới.
Ngoài ra công ty có dự định đầu tư vào CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB). KSB đã có kế hoạch cân đối nguồn vốn hiện hữu, cũng như huy động thêm nguồn vốn mới thông qua việc phát hành cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại VLB.
Hiện tại, KSB nắm giữ 41% cổ phần VLB, đây là doanh nghiệp khai thác nhiều mỏ đá xây dựng tại khu vực Đồng Nai với công suất 4 triệu m3/năm. VLB sở hữu mỏ Tân Cang 1 với trữ lượng 49,8 triệu m3, là một trong những nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành, Vành Đai 3.
Trong báo cáo mới công bố của Công Ty Chứng Khoán KIS, ngành đá xây dựng Nam Bộ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong 2023 do ảnh hưởng sự suy giảm đáng kể số lượng dự án nhà ở xây mới 2022-2023 và hoạt động xây dựng chững lại của các dự án được triển khai trước 2022.
Bên cạnh đó, phần lớn các dự án hạ tầng trọng điểm đều đang trong giai đoạn chuẩn bị mặt bằng và lựa chọn nhà thầu cho đến cuối 2023. Do vậy, mặc dù nhu cầu sử dụng đá có chiều hướng gia tăng tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với tiềm năng.
Phải đến năm 2024, nhu cầu đá xây dựng sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ sau khi đại dự án sân bay Long Thành bắt đầu chuyển sang giai đoạn xây dựng. Theo tiến độ công bố, giai đoạn xây dựng được diễn ra vào những tháng cuối 2023.
Nhu cầu đá cho riêng sân bay này chiếm khoảng 59% nhu cầu đá xây dựng tại các công trình trọng điểm trong kế hoạch xây dựng 2024 - 2030.
Ngoài ra, 15 dự án giao thông trọng điểm khác theo kế hoạch cũng sẽ được triển khai trong giai đoạn này bao gồm: Đường vành đai 3, tuyến Metro line tại TP HCM, 5 tuyến cao tốc tại khu vực Nam Bộ và 8 tuyến cao tốc tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước tính cũng sẽ làm tăng thêm nhu cầu khoảng 7 triệu m3 đá xây dựng. Chuyên gia ước tính lượng đá tiêu thụ hàng năm trong giai đoạn 2024-2030 bình quân sẽ tăng thêm 10% so với 2022.
Dựa vào các phân tích trên, chuyên gia dự báo hầu hết các mỏ đá tại Nam Bộ đều được hưởng lợi từ bức tranh tăng trưởng ngành, nhất là các mỏ đá tại các khu vực Biên Hòa, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Bắc Tân Uyên (Bình Dương) sẽ được hưởng lợi lớn nhất nhờ lợi thế vượt trội về vị trí địa lý trong việc cung cấp đá cho TP HCM và ĐBSCL, hai khu vực đang cực kỳ khan hiếm nguồn cung đá xây dựng.
Bên cạnh đó, các mỏ đá tại Đồng Nai và Bắc Tân Uyên có thể cung cấp lượng lớn nguyên vật liệu cho các dự án hạ tầng khác nhau đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai.