Giá đường trong nước có thể duy trì ở mức cao năm nay
Trong báo cáo cập nhật về ngành mía đường, SSI Research cho biết trong tháng 4, giá đường thế giới đạt 0,27 USD/pound tăng 35% so với đầu năm, tăng 56% so với cùng kỳ và cao hơn mức đỉnh 10 năm. Nguyên nhân là do sản lượng đường của Ấn Độ và Trung Quốc có chiều hướng “đi xuống” trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) đã điều chỉnh giảm dự báo lượng đường dư cung trên thế giới trong niên độ 2022 - 2023 từ 6,2 triệu tấn trong tháng 11/2022 xuống 4,2 triệu tấn trong tháng 2/2023. Còn Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng, lượng đường tồn kho trên thế giới có thể giảm 13% so với cùng kỳ trong niên độ 2022 - 2023, tạo áp lực khiến giá đường neo ở mức cao.
Tại Việt Nam, trong tháng 5, giá đường trong nước tăng lên 20.000 đồng/kg (tăng 10% so với đầu năm, tăng 12% so với cùng kỳ), sau khi hầu như không thay đổi trong suốt quý I ở mức khoảng 18.000 đồng/kg.
USDA cho rằng, mức tiêu thụ đường nội địa của Việt Nam sẽ ổn định so với cùng kỳ, khoảng 2,3-2,4 triệu tấn/năm. Còn Hiệp hội mía đường Viêt Nam (VSSA) nhận định, sản lượng đường trong nước dự kiến đạt 871 nghìn tấn (tăng 17% so với cùng kỳ) cho niên độ 2022 - 2023.
SSI Research cũng dự báo, giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
Ngoài ra, đơn vị phân tích còn kỳ vọng, Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.
“Giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường”, SSI Research viết trong báo cáo.
Đường Quảng Ngãi có thể đạt đỉnh lợi nhuận ở quý II
CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) đã công bố kết quả kinh doanh tháng 4 với doanh thu thuần đạt 1.280 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 224 tỷ đồng, lần lượt tăng 51% và gấp 2,6 lần cùng kỳ.
Với kết quả ấn tượng trên, lợi nhuận của QNS trong tháng 4 bằng 63% lợi nhuận quý I (357 tỷ đồng) nhờ giá bán tăng, nhất là trong giai đoạn giá đường thế giới vượt đỉnh 10 năm.
Với kết quả tháng 4 tích cực, luỹ kế 4 tháng đầu năm của QNS đạt 3.400 tỷ đồng và 580 tỷ đồng, hoàn thành 41% và 48% kế hoạch năm đề ra
SSI Reseach cho rằng, QNS sẽ tận dụng cơ hội nhờ nhu cầu đường trong nước tăng lên. Tổng sản lượng đường cả năm 2023 ước tính đạt 200.000 tấn (tăng 54% so với cùng kỳ) nhờ mở rộng diện tích canh tác (tăng 45% so với cùng kỳ) và sản lượng đường cao hơn.
Đối với mảng sữa đậu nành, đơn vị phân tích cho rằng, mảng này sẽ đi ngang so với năm 2022. SSI Research kỳ vọng thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mức tiêu thụ sữa đậu nành trong nửa cuối năm 2023.
Tương tự, trong báo cáo cập nhật về QNS hồi tháng 5, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, mảng đường được dự đoán sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể cho công ty. Tuy nhiên, triển vọng của phân khúc sữa đậu nành bị suy giảm do doanh số bán hàng thấp hơn dự kiến
Theo nhận định của VDSC, kết quả kinh doanh của Đường Quảng Ngãi sẽ đạt đỉnh trong quý II nhờ sản lượng và giá bán đường tăng mạnh. Trong khi đó, mức nền cao của nửa cuối 2022 và rủi ro giá đường hạ nhiệt (do gia đường thế giới giảm và nguồn cung nội địa tăng) sẽ khiến lợi nhuận nửa cuối 2023 không còn tăng trưởng đột biến như nửa đầu năm.
Cả năm 2023, VDSC dự phóng Đường Quảng Ngãi sẽ có doanh thu thuần 9.145 tỷ đồng và 1.552 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 11% và 21% so với cùng kỳ.
Giá đường tăng, liệu tất cả doanh nghiệp đều được hưởng lợi?
Trong ba quý đầu năm tài chính 2023, doanh thu thuần của CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar - Mã: SBT) đạt 18.000 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 537 tỷ đồng (giảm 17% so với cùng kỳ) do chi phí lãi vay tăng 77% so với cùng kỳ.
SSI Research cho rằng, việc Bộ Công thương áp dụng biện pháp chống trợ cấp chống bán phá giá có thể có tác động trái chiều. Vì trong năm tài chính 2022, sản lượng tiêu thụ của SBT đạt 1 triệu tấn đường, trong đó khoảng 60% đến từ đường sản xuất từ mía và phần còn lại đến từ đường nhập khẩu.
Với việc áp thuế, TTC Sugar có thể dần chuyển sang nguồn mía đường cho nhu cầu sản xuất đường, do doanh thu đường từ mía có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với đường nhập khẩu. Đối với đường thô nhập khẩu, SBT sẽ dựa trên hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường được Bộ Công Thương cấp phép năm 2023.
Một doanh nghiệp ngành đường khác là CTCP Mía đường Lam Sơn (Mã: LSS) cũng có kết quả kinh doanh quý I không quá khả quan với 1.000 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 16 tỷ đồng giảm lần lượt 15%, 16% so với cùng kỳ.
Tương tự SBT, LSS có tỷ lệ đường thương mại ở mức cao. Theo SSI Research, mảng hoạt động này sẽ bị ảnh hưởng trong năm 2023 do thuế chống trợ cấp chống bán phá giá được áp dụng gần đây. Bên cạnh đó, LSS không trúng thầu đường thô trong hạn ngạch nhập khẩu giai đoạn 2021-2022.
Đơn vị phân tích đánh giá, LSS sản xuất được 55 nghìn tấn/năm (chiếm 52% sản lượng tiêu thụ, đây là mức thấp so với các công ty cùng ngành) nên việc tăng giá đường không mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Vì thế, tăng trưởng doanh thu của LSS trong năm 2023 có thể bị ảnh hưởng do lượng đường nhập khẩu thấp.
So với hai doanh nghiệp trên, CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) có kết quả kinh doanh khả quan trong 3 quý đầu năm tài chính 2023 tương đối khả quan. Cụ thể, SLS ghi nhận 1.100 tỷ đồng doanh thu thuần và 298 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng lần lượt 73% và 298% so với cùng kỳ.
Về dài hạn, SSI Research dự báo SLS sẽ hưởng lợi từ việc tăng sản lượng và giá bán, doanh thu có thể đạt 1.392 tỷ đồng, 367 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2023.
Thị trường đường có bước vào giai đoạn tăng mới?
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong ngắn hạn ông Lộc cho rằng nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu trực tiếp chính ngạch và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với lượng đường sản xuất từ mía của vụ ép 2022 -2023 dẫn đến nguồn cung vẫn dồi dào. Trong khi đó, sức cầu đường chỉ mới bắt đầu tăng do bắt đầu mùa nóng nắng nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung.
Tuy nhiên, do giá đường quốc tế tăng, giá đường trong nước có thể sẽ tăng thêm một chút nếu kiểm soát được hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu. Tuy nhiên, giá vẫn sẽ ở mức thấp hơn so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực như Indonesia, Philippines và Trung Quốc.
Về dài hạn, đại diện VSSA cho rằng đà tăng giá vừa qua chưa thể kết luận là ngành đường đang bước vào chu kỳ tăng mới sau nhiều năm lao dốc do cuộc khủng hoảng dư cung.
“Thời gian qua, có lúc giá đường tăng theo quy luật cung - cầu nhưng cũng có lúc lại là do yếu tố đầu cơ như tôi vừa phân tích. Do đó, đợt tăng vừa qua không hẳn là do yếu tố cơ bản, thị trường vẫn còn dư cung”, ông Lộc nói.