Chiều ngày 9/6, Tổng Công ty phát điện 2 - CTCP (EVNGENO2) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Tính đến thời điểm 14 giờ, cuộc họp có sự tham dự của 33 cổ đông, nắm giữ gần 1,2 tỷ cổ phần, tương ứng 99,98% lượng cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo HĐQT công ty, năm 2023 được dự báo là một năm khó khăn đối với ngành điện nói chung và EVNGENCO2 nói riêng bởi tình hình thuỷ văn không thuận lợi làm hạn chế huy động từ nguồn thuỷ điện; tình hình cung ứng nhiên liệu than cho nhiệt điện gặp nhiều khó khăn và hiệu suất bị ảnh hưởng trong quá trình vận hành.
Do đó, lãnh đạo công ty đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 của Công ty mẹ với tổng sản lượng điện hơn 2 tỷ KWh, tổng doanh thu 4.677 tỷ đồng (gồm doanh thu bán hàng, thu nhập tài chính, thu nhập khác) và lợi nhuận sau thuế hơn 1.202 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này lần lượt giảm 16%, 26% và 45% so với kết quả năm 2022. Trong đó, công ty ước tính thu nhập tài chính trong năm nay là 1.136 tỷ đồng.
Tổng sản lượng điện hợp nhất, công ty ước tính đạt hơn 16 tỷ KWh, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Khối nhiệt điện dầu dự kiến không có sản lượng.
Về kế hoạch đầu tư xây dựng, EVNGENCO2 dự kiến sẽ chi khoảng 51 tỷ đồng. Công ty cho biết tiếp tục giữ nguyên các khoản góp vốn vào các công ty khác như tại ngày 31/12/2022.
Trường hợp, CTCP Thuỷ điện A Vương (Mã: AVC) được phê duyệt tăng vốn điều lệ từ quỹ đầu tư phát triển, vốn góp của EVNGENCO2 tại công ty này cũng tăng tương ứng theo quy định (tại cuối năm 2022, EVNGENCO2 đã góp 656 tỷ đồng, tương ứng 87,45% vốn điều lệ tại Thuỷ điện A Vương ).
Bên cạnh đó, theo cáo cáo thường niên, EVNGENCO2 cho biết đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án chuyển đổi Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I sang đốt khí Lô B.
Các dự án nguồn điện mới được EVNGENCO2 tiếp tục triển khai, bao gồm Dự án Thuỷ điện Trung Sơn mở rộng; Thuỷ điện Sông Ba Hạ mở rộng và Thuỷ điện Quảng Trị mở rộng. Các dự án này đã được kiến nghị đến Bộ Công Thương bổ sung vào trong Quy hoạch Điện VIII.
Công ty còn đang hợp tác với các đối tác nhằm nghiên cứu đầu tư các dự án Điện mặt trời nổi trên lòng hồ thủy điện thuộc EVNGENCO2; nghiên cứu tiềm năng thủy điện tích năng tại các Công ty thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Quảng Trị và Thủy điện A Vương.
Về phương án phân phối lợi nhuận, công ty sẽ chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 14% bằng tiền mặt, tương ứng 1.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy với gần 1,2 cổ phiếu đang lưu hành, công ty phải chi 1.661 tỷ đồng tiền trả cổ tức. Trong đó, công ty đã chi gần 600 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức (tỷ lệ 5%) và còn cần chi hơn 1.000 tỷ đồng để trả phần cổ tức còn lại.
Đồng thời, công ty cũng dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ tối thiểu 11% bằng tiền.
EVNGENCO2 chính thức được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2013, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu 100% vốn.
Ngày 1/7/2021, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Ngày 7/5/2021, cổ phiếu GE2 của EVNGENCO2 đã chính thức giao dịch trên UPCoM. Tuy nhiên đến ngày 29/12/2022, cổ phiếu này đã huỷ đăng ký giao dịch (ngày giao dịch cuối cùng 28/12/2022).
Lý do được đưa ra là, sau một năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên công ty vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán và chưa được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất đăng ký công ty đại chúng.
Theo Khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019: "Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này."