Quang Minh, 34 tuổi ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết gia đình anh đã mua quạt tích điện ngay từ đầu hè. Tuy nhiên gần đây, khu nhà anh thi thoảng bị cắt điện, mỗi lần kéo dài từ sáng đến chiều tối và thời lượng pin của quạt không đủ.
Ban đầu, anh Minh định mua một chiếc máy phát điện để đảm bảo nhu cầu thắp sáng, làm mát, sạc pin điện thoại. Thế nhưng, máy hoạt động khá ồn, đòi hỏi bảo dưỡng thường xuyên, khói xăng ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Ngoài ra, thao tác giật nổ cần sức mạnh, vợ con ở nhà khó tự khởi động máy. Do đó, anh chuyển sang tìm hiểu về trạm sạc điện.
Anh Minh cho biết quạt tích điện anh mua tháng trước có công suất 15 W, giá 1,2 triệu đồng. Thực tế mỗi lần sạc đầy chỉ dùng được 6 tiếng. Trong khi đó, một trạm sạc Trung Quốc giá khoảng 2,3 triệu đồng, công suất 200 W có thể dùng cho nhiều thiết bị, từ cục phát Wi-Fi, quạt điện, nồi cơm điện, đèn học. Trạm sạc có thời gian dùng lâu gấp ba quạt tích điện, đảm bảo hoạt động cả ngày.
Theo Vũ Xuân Tùng, chủ một cửa hàng bán đồ điện tử tại Hà Nội, trạm sạc điện trước đây vốn kén khách, chỉ phục vụ nhóm người thích đi cắm trại, dã ngoại. Tuy nhiên, khi nắng nóng kéo dài và tình trạng cắt điện diễn ra, mặt hàng này liên tục khan hàng. Một số khách muốn mua phải đặt trước 3-7 ngày.
Ông Tùng cho biết phần lớn trạm sạc điện trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy mẫu mã, thương hiệu. "Một số rao bán trạm sạc giá vài triệu đồng, thương hiệu Đức nhưng thực chất là hàng Trung Quốc. Vẫn có các sản phẩm cao cấp, nhưng giá không dưới 10 triệu đồng, có nhiều tính năng như sạc bằng điện mặt trời, đầu ra sóng sin chuyển đổi, độ bền cao, dùng được lâu", ông Tùng nói.
Một nhóm hơn 10.000 thành viên trên Facebook chuyên bán quạt tích điện đầu mùa nóng cũng vừa đổi tên thành bán trạm tích điện. Viễn Dương, quản trị viên nhóm, cho biết nguyên nhân là quạt hiện khan hàng, bị đội giá trong khi trạm tích điện đang được nhiều người tìm mua nhờ tính cơ động cao.
"Trạm tích điện giải quyết được điểm yếu về thời gian sử dụng ngắn của quạt, lại dùng được với nhiều thiết bị. Nó cũng không ồn, tốn kém và khó dùng như máy phát điện nên phù hợp với các gia đình", Viễn Dương cho hay.
Phần lớn trạm sạc đáp ứng đủ nhu cầu của người dùng trong ngày. Mỗi trạm sạc thường tiếp điện cùng lúc được cho khoảng 4-5 thiết bị. Tuy nhiên, trạm sạc giá phổ thông thường dùng đầu ra sóng xung vuông thay vì sóng sin. Sóng xung vuông không phù hợp với mọi thiết bị gia dụng, nên có nguy cơ khiến thiết bị nhanh hỏng nếu dùng trong thời gian dài. Dù vậy, do chỉ sử dụng khi mất điện, người dùng khó nhận ra những thay đổi này vì tác động không lớn.
Theo các chuyên gia, người dùng có thể lựa chọn trạm sạc tùy mục đích và ngân sách. Trên thị trường, mẫu rẻ nhất khoảng vài triệu đồng, nhưng nhanh hết điện, xuất xứ không rõ ràng. Người dùng nên chọn các thương hiệu lớn, có bảo hành phòng trường hợp rủi ro. Một số trạm có thêm những tính năng cao cấp như sạc nhanh, EPS - tự động sang nguồn điện pin khi mất điện lưới, quản lý pin thông minh. Tuy nhiên, những tính năng này khiến sản phẩm trở nên đắt đỏ mà không quá cần thiết với nhu cầu phổ thông.