"Các hạn chế của Mỹ giờ đã là bình thường mới và chúng tôi đang trở lại hoạt động kinh doanh như thường lệ", Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, nói. Doanh thu hết năm 2022 của Huawei đạt 636,9 tỷ nhân dân tệ (91,53 tỷ USD), cao hơn 0,02% so với mức 636,8 tỷ nhân dân tệ năm 2021. Đây là lần đầu sau ba năm, hãng công nghệ Trung Quốc mới có mức tăng trưởng dương. Năm 2021, công ty từng chứng kiến mức giảm doanh thu tới 30%.
Huawei vẫn bán điện thoại chủ yếu tại Trung Quốc, nơi người dùng không gặp khó khăn khi sử dụng máy thiếu các dịch vụ của Google. Dòng Mate 50 ra mắt tháng 9/2022 thậm chí tạo ra cơn sốt tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Công ty nhận hơn một triệu đơn đặt trước và hàng dài người xếp hàng bên ngoài cửa hàng bán lẻ trong ngày mở bán.
Đầu 2019, Huawei gần như đã vượt Samsung để chiếm ngôi số một thị trường smartphone. Ngoài các dòng giá rẻ, cấu hình tốt, hãng đã tạo được thương hiệu cao cấp với dòng Mate và dòng P có nhiều tính năng, công nghệ mới và chất lượng camera ấn tượng.
Tuy nhiên, tới tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể cần ngăn chặn tiếp cận chuỗi cung ứng công nghệ, trong đó có các dịch vụ Google. Điều này khiến Huawei buộc phải phát triển hệ điều hành HarmonyOS của riêng mình và hệ sinh thái Huawei Mobile Services. Một năm sau, Mỹ tiếp tục giáng đòn mạnh hơn khi các xưởng đúc chip sử dụng công nghệ Mỹ bị cấm vận chuyển các thành phần linh kiện quan trọng cho Huawei.
Mỹ hiện vẫn coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia vì cho rằng công ty có quan hệ với chính quyền Trung Quốc. Ngoài ra, một số tin đồn xuất hiện trong nhiều năm rằng Huawei giấu thiết bị gián điệp trong các thiết bị mạng để theo dõi, gửi dữ liệu đánh cắp được về Bắc Kinh. Tuy nhiên, Huawei liên tục phủ nhận điều này.