Mặc dù lạm phát Mỹ đã có những dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên trên thực tế vẫn đang ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây. Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) trong động thái gần nhất đã tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, đồng thời vẫn thể hiện quyết tâm khống chế "bão giá". Các hành động của FED đều có tác động không nhỏ đến các ngân hàng trung ương toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ.
Trong nước, mặt bằng lãi suất tiết kiệm có lúc bị đẩy lên 10-12,5% khiến cho lãi suất đầu ra cũng bị đẩy lên, doanh nghiệp phải tiếp cận vốn với mức giá cao hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Trong động thái mới nhất, cơ quan điều hành đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm lãi suất và sẽ "theo dõi chặt chẽ" các ngân hàng đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao.
Mặc dù đã có những can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước, song mặt bằng lãi suất vẫn được neo ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây và đang có các dự báo trái chiều về xu hướng lãi suất thời gian tới. Để mang đến thêm góc nhìn cho nhà đầu tư, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của TS. Ngô Ngọc Quang, chuyên gia kinh tế, Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính Fikash.
Chuyên gia đánh giá thế nào về tình hình lạm phát tại Mỹ hiện nay và khi nào FED sẽ ngừng tăng lãi suất?
Ông Ngô Ngọc Quang:Lạm phát cao nhìn chung là một gánh nặng của nền kinh tế, Mỹ cũng không là ngoại lệ. Tính đến đến thời điểm tháng 11/2022, theo số liệu của cục thống kê Lao động của Mỹ, lạm phát trung bình của cả năm 2022 đạt 8,15%, chủ yếu nguyên nhân do giá nhiên liệu leo thang. Nhiều dự báo đang cho thấy, giá của các mặt hàng thiết yếu trên có thể chưa hạ ngay trong thời gian ngắn. Vì lẽ đó, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ khó hạ mức lạm phát về mức ổn định chỉ trong một hay vài tháng tới.
FED vì lẽ đó sẽ tiếp tục cân nhắc việc tăng lãi suất đi kèm với việc thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát. Nhiều khả năng việc này sẽ xảy ra ngay trong quý 1/2023 khi FOMC triển khai kỳ họp mới trong tháng 3. Lãi suất hướng tới 5% có thể sẽ là chốt chặn tiếp theo để quốc gia này giảm thiểu tác động của lạm phát.
Còn thị trường Việt Nam thì sao thưa ông?
Ông Ngô Ngọc Quang: Năm 2022, trong bối cảnh cả thế giới vẫn chật vật sau đại dịch, Việt Nam lại ghi nhận đà tăng trưởng nổi bật. Số liệu mới nhất từ Tổng Cục Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, cao nhất trong 12 năm trở lại đây, nhiều chỉ số sản xuất cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Những tín hiệu này đang cho thấy tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang được ổn định và có những dấu hiệu tích cực.
Năm 2023, Việt nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Về mặt quốc tế, kinh tế thế giới vẫn đang chịu áp lực suy giảm, năm sau có thể sẽ có nhiều biến động khó lường. Thứ hai là, Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa trở lại và quốc gia này sẽ sớm trở lại đường đua một cách mạnh mẽ. Điều này cũng sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn.
Về tình hình trong nước, nhiều dự báo cũng lạc quan về tình hình của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, một số điểm nghẽn nan giải trên thị trường tài chính và tài sản vừa qua có thể sẽ cần giải pháp quyết liệt hơn để tiềm năng của nền kinh tế có thể được khai thác triệt để. Cơ quan điều hành cũng đã có những hành động tích cực hơn như khống chế lãi suất huy động ngân hàng ở mức dưới 10%, tạo dư địa giảm lãi suất cho vay; kiểm soát và ổn định tỷ giá,..
Ông dự báo thế nào về mặt bằng lãi suất thời gian tới?
Ông Ngô Ngọc Quang: Những biến động mạnh của cả thị trường trong nước và thế giới dịp cuối năm khiến các doanh nghiệp đa số đều chuyển sang thế phòng thủ, đồng thời chưa có tín hiệu đẩy mạnh sản xuất trở lại dù một mùa Tết đang cận kề.
Hiện các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi vay vốn. Lãi suất cho vay dù đã được điều chỉnh, song vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ về vốn cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, có thể sẽ cần phải đẩy mạnh hơn nữa để doanh nghiệp có thể mạnh dạn hơn sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tập trung vào khối sản xuất - xuất khẩu.
Như đã trao đổi bên trên, áp lực của các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng sẽ có thể khiến lãi suất điều hành trong nước nhích nhẹ lên trong đầu năm nay. Tuy nhiên, cơ quan quản lý vẫn sẽ cố gắng ổn định tình hình trong nước.
Lãi suất tiền gửi vẫn sẽ còn cao do phụ thuộc vào việc thị trường chịu sự ảnh hưởng tăng lãi suất từ phía Mỹ và chưa thể hạ xuống dưới vùng 8% trong quý 1/2023.
Cũng lưu ý thêm, các ngân hàng thương mại cần tích cực xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính của toàn bộ hệ thống. Việc cạnh tranh bằng lãi suất cần được thay thế bằng cạnh tranh dịch vụ khách hàng, dịch vụ hỗ trợ thanh toán và đẩy nhanh quy trình thủ tục cho vay.
Thời gian tới, cơ quan điều hành cũng sẽ có nhiệm vụ tiếp tục đảm bảo cung ứng vốn đủ cho nền kinh tế, song vẫn phải cân đối với áp lực lạm phát từ cả trong nước và thế giới. Vấn đề tỷ giá, lãi suất, cung ứng tín dụng phù hợp, đảm bảo chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn sẽ là những nội dung được Ngân hàng Nhà nước tập trung điều tiết trong thời gian tới.