Khó khăn dự báo sẽ còn kéo dài trong năm 2023
Chia sẻ với người viết, ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, cho biết đang bước vào mùa vụ cuối năm, nhưng hiện nay nhà máy chỉ đang duy trì một nửa lượng lao động do thiếu đơn hàng. Nguyên nhân chính là các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ,… sụt giảm về nhu cầu khiến đơn hàng đứt gãy.
Không chỉ khó khăn ở hiện tại, lo ngại nhất đối với doanh nghiệp là suy giảm kéo dài và tác động mạnh sang cả năm 2023.
"Năm 2022, khó khăn chỉ mới bắt đầu từ quý IV, nhưng năm 2023 khả năng các trắc trở sẽ kéo dài cả năm bởi tình hình đơn hàng càng ngày càng giảm và có thể sẽ còn đi xuống cho tới giữa năm 2023 rồi sau đó phục hồi rất chậm. Tôi cho rằng đến cuối năm 2023, tình hình đơn hàng vẫn còn yếu so với giữa năm 2022", ông Quanh Anh chia sẻ.
Tình hình đơn hàng sụt giảm cũng diễn ra với nhiều ngành hàng xuất khẩu khác, chẳng hạn ngành cao su chứng kiến sức mua của các thị trường tiêu thụ giảm khoảng 20-30% do lạm phát tăng cao tại nhiều nước. Dự báo khó khăn này sẽ còn tiếp diễn sang năm 2023.
"Quý I, quý II/2023 vẫn chưa thấy điểm sáng nào cho ngành cao su, dự báo tình hình khó khăn vẫn kéo dài, thậm chí còn khó hơn quý IV năm nay", ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Đức Minh - Sài Gòn, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM, cho biết.
Khó khăn trong hoạt động sản xuất hiện lây lan sang lĩnh vực tiêu dùng. Cả hai ông lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ là Tập đoàn Masan và Thế Giới Di Động đều đã thừa nhận không đạt kế hoạch kinh doanh trong năm nay và sụt giảm so với năm trước.
“Khi thu nhập người lao động đi xuống thì sức mua giảm và tác động tới ngành bán lẻ. Ngay cả Bách Hoá Xanh cũng vậy", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Tài chia sẻ với các nhà đầu tư về tình hình kinh doanh hồi cuối tháng 11.
Ông Tài dự báo tình hình hiện tại có thể kéo dài ít nhất tới quý I/2023. Nếu tình hình thế giới tiếp tục bất ổn thì có thể kéo dài tới tận quý II hoặc quý III/2023, tới quý IV/2023 có thể dễ thở hơn.
Bước sang 2023, các chuyên gia kinh tế nhận định, khó khăn chung vẫn chủ yếu từ suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các nước phát triển. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hai động lực của Việt Nam gồm xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều chững lại do các yếu tố lạm phát toàn cầu.
Doanh nghiệp cầm cự, chờ thị trường tốt lên từ cuối năm 2023
Bối cảnh thị trường toàn cầu chuyển biến xấu như hiện nay khiến việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 trở nên khó khăn gấp bội với các doanh nghiệp. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực, không ngừng tìm kiếm đơn hàng, tìm phương án thích ứng để duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động.
Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, cho biết hiện tại công ty phải nhận làm thêm những sản phẩm không phải thế mạnh hoặc đơn hàng số lượng ít để có việc làm cho người lao động. Ngoài ra, công ty chuyển sang tìm những đơn hàng số lượng nhiều, giá rẻ để duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy.
"Chúng tôi phải tối ưu tất cả chi phí để đưa ra mức giá cạnh tranh nhất có thể, cố gắng lấy được đơn hàng thực hiện dù những đơn đầu tiên gần như không có lời. Nhưng đây là sự nỗ lực, trước mắt là để có việc cho người lao động, thứ hai là với đơn hàng số lượng lớn mình cần thời gian để công nhân quen việc, năng suất tăng thì mới hy vọng có lợi nhuận", ông Phạm Quang Anh cho hay.
Chia sẻ về kế hoạch năm 2023, đại diện May mặc Dony cho biết trước những biến động lớn, bất ngờ của thị trường, công ty sẽ phải đi theo hướng thận trọng hơn trong thời gian tới. Chiến lược khách hàng sẽ tập trung vào nhóm khách hàng mới có nhu cầu số lượng lớn, giá rẻ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
"Cách đây một tháng, doanh nghiệp cũng đối diện tình trạng không có hoặc rất ít đơn hàng sản xuất nhưng sau đó công ty tìm được những đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang và đã xuất được 2 container 40 feet đi Mỹ, nhờ đó công nhân có đủ việc làm đến cuối năm. Và tiếp đó, công ty chốt được đơn hàng khác cũng là khách hàng từ Trung Quốc dịch chuyển sang", ông Quang Anh nói.
Trong khi đó, với ngành rau quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 40% so với năm 2022. Cơ sở cho kế hoạch này là năm 2023, tiềm năng xuất khẩu của ngành rau quả sẽ rất lớn khi trong năm qua ngành hàng đã mở cửa nhiều thị trường cho các loại trái cây.
Cụ thể như trái sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hàng năm, Trung Quốc chi khoảng 4,5 tỷ USD để nhập khẩu từ các nước. Việt Nam có lợi thế nhất định về địa lý gần, việc vận chuyển nhanh hơn nhiều nước nên loại quả này được kỳ vọng sẽ mang hơn 1 tỷ USD cho ngành nông nghiệp.
"2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả. Dự báo mức tăng trưởng toàn ngành năm sau có thể sẽ vào khoảng 20-30% khi Trung Quốc dần gỡ bỏ chính sách Zero COVID và các nước quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm tốt cho sức khỏe, mặt hàng tươi ngon, dinh dưỡng như trái cây Việt Nam", ông Tùng nói.
Đứng trước nhiều khó khăn, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần đưa ra phương án kinh doanh theo ít nhất hai kịch bản khác nhau, chấp nhận hy sinh lợi nhuận, quản lý tốt dòng tiền và trên hết là giữ khách hàng để chờ thời điểm hồi phục.
"Ánh sáng" mà các doanh nghiệp có thể kỳ vọng đó sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam trong năm tới. Báo cáo tổng kết năm 2022 mới đây của NHNN cho biết ba bài toán lớn nhất của ngành ngân hàng bao gồm căng thẳng tín dụng, tỷ giá và niềm tin trên thị trường đã được hóa giải. Đây là cơ sở để các chuyên gia kinh tế tin rằng, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023.
"Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Hoạt động xuất khẩu có thể sẽ phục hồi tăng vào quý II/2023. Đồng thời, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III/2023 do hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ", Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế dự báo.