Doanh nhân

Hoàng Kiều: Cả đời gắn bó với lĩnh vực huyết tương, trở thành tỷ phú nhờ doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, thích làm từ thiện và mê hoa hậu

Ngoài ông Chính Chu, thì ông Hoàng Kiều cũng là một niềm tự hào khác của cộng đồng người Việt tại Mỹ. Ông Chính Chu thành danh trong ngành tài chính và chủ yếu hoạt động tại thị trường Mỹ, thì ông Hoàng Kiều thành danh trong ngành công nghệ sinh học – cụ thể là lĩnh vực huyết tương, hoạt động song song giữa thị trường Mỹ và Trung Quốc.

CẢ ĐỜI GẮN BÓ VỚI VỚI LĨNH VỰC HUYẾT TƯƠNG

Theo Forbes, thì ông Hoàng Kiều (tên tiếng Anh là Kieu Hoang) sinh năm 1944 tại làng Bích Khê – tỉnh Quảng Trị. Lúc nhỏ, vì gia cảnh khó khăn nên ông không có cả dép và áo để mặc, hàng ngày còn phải chặt những cây tre nhỏ mang về cho mẹ. "Cuộc sống trong những năm đó rất khó khăn", ông Hoàng Kiều hồi tưởng.

Cuộc sống của ông chỉ trở nên tốt hơn, khi chuyển vào Sài Gòn lúc 5 tuổi, để sống với người bác tên là Hoàng Thi Thơ – nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam. Bác Hoàng Thi Thơ đã giúp Hoàng Kiều có điều kiện đến trường và có 1 năm học về khoa học tại một trường đại học trước giải phóng.

Năm 1975, ông cùng gia đình đến Mỹ, năm đó ông 31 tuổi và có 1 vợ 5 con. Khởi đầu ở nước Mỹ với dân nhập cư chắc chắn là không dễ dàng. Gia đình ông phải sống dưới sự bảo trợ của CLB Phụ nữ và Nhà thờ Methodist ở Westlake Village – 1 thị trấn ở phía Bắc California, gần Los Angeles. Trong những ngày đầu, vì chưa có công việc, ông mua rau răm với giá thấp, chạy lòng vòng khu vực quanh thị trấn Westlake Village để bán với giá cao hơn bằng chiếc mô tô được tặng, nhằm phần nào chi trả sinh hoạt phí cho gia đình.

Sau đó, 1 thành viên của Nhà thờ - người từng làm việc tại Phòng thí nghiệm của Abbott đã phỏng vấn Hoàng Kiều cho một công việc đơn giản. Dù biết mình không có những kỹ năng cần thiết, Hoàng Kiều vẫn tự tin nói với người phỏng vấn: "Tôi thông minh nên tôi sẽ học rất nhanh". Công việc đầu tiên tại Abbott có giá 1,25 USD/h.

Tỷ phú Hoàng Kiều: Cả đời gắn bó với lĩnh vực huyết tương, trở thành tỷ phú nhờ doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, thích làm từ thiện và mê hoa hậu - Ảnh 1.

Ông Hoàng Kiều những ngày còn trẻ (ngoài cùng bên phải).

Trong vài năm sau đó, Hoàng Kiều đã thăng tiến rất nhanh tại nơi mình làm việc. Chỉ sau 1 năm, Hoàng Kiều được trao cho chức vụ Giám đốc của bộ phận chịu trách nhiệm thử nghiệm các mẫu huyết tương. "Tôi có thể tự hào nói rằng, tôi đã nhận được giấy phép đầu tiên của Cục Sinh học [tên ban đầu của FDA] để thực hiện xét nghiệm mẫu huyết tương cho các phòng thí nghiệm của Abbott," ông Hoàng Kiều tự hào kể.

Đến cuối thập kỷ 1970, sau nhiều năm làm việc cho Abbott, Hoàng Kiều bắt đầu manh nha ý định ra riêng để làm gì đó cho bản thân. Với những kinh nghiệm và kiến thức có sẵn ở mảng huyết tương trong những ngày tháng làm việc cho Abbott, ông quyết định khởi nghiệp trong ngành này.

Hoàng Kiều đã thành lập công ty chuyên về huyết tương tên Rare Antibody Antigen Supply Inc – chuyên cung cấp kháng nguyên kháng thể hiếm, cũng như bắt đầu mua lại các trung tâm huyết tương trên khắp nước Mỹ.

Đến năm 1985, ông đã có 11 trung tâm về huyết tương trải khắp nước Mỹ. Hoạt động kinh doanh chủ chốt của ông ở Mỹ trong giai đoạn đầu là thu thập và cung cấp huyết tương đặc trị, bao gồm Anti-D, Viêm gan B, Cytomegalovirus (CMV) và Varicella Zoster Virus (VZV).

Tỷ phú Hoàng Kiều: Cả đời gắn bó với lĩnh vực huyết tương, trở thành tỷ phú nhờ doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, thích làm từ thiện và mê hoa hậu - Ảnh 2.

Ông Hoàng Kiều đang chụp hình bên ngoài trụ sở Shanghai RAAS trong năm 2018.

Trong vài năm tiếp theo, việc kinh doanh của ông trải rộng ra toàn cầu và bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại Trung Quốc. Ở thời điểm đó, rất ít doanh nghiệp nghĩ rằng đầu tư tại Trung Quốc sẽ sinh lời nhiều và Hoàng Kiều là một trong những người hiếm hoi đó.

Có thể nói, Hoàng Kiều cũng khá may mắn, lúc ông đến Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư, lại ‘trúng’ vào một đợt dịch bệnh nghiêm trọng tại đất nước này. Năm 1987, có một đợt dịch viên gan A bùng phát tại Trung Quốc, khiến 300.000 người nhiễm bệnh. "Lúc đó, tôi đã có thể nói với họ, tôi có thể cung cấp những phương án cần thiết để ngăn chặn bệnh dịch. Đây là điều tôi có thể giúp đỡ", ông Hoàng Kiều kể.

Vào năm 1987, không có công ty nước ngoài nào được phép sở hữu hơn 50% cổ phần của một công ty Trung Quốc; thế nên, ông đã hợp tác với Trung tâm Huyết học Thượng Hải để làm ăn tại thị trường này. Tiếp theo, vào năm 1992, Hoàng Kiều tiếp tục hợp tác với nhiều đối tác bản địa để mở Shanghai RAAS, bắt đầu bán abumin "AlbuRAAS" - là một nguồn tập trung huyết tương và các loại thuốc khác có nguồn gốc từ huyết tương.

LẦN ĐẦU LỌT VÀO DANH SÁCH TỶ PHÚ CỦA FORBES NHỜ SHANGHAI RASS IPO Ở SÀN THÂM QUYẾN NĂM 2014

Năm 2014, Shanghai RAAS tiến hành IPO trên sàn chứng khoán Thâm Quyến, Trung Quốc. Do giới giới đầu tư đã đánh giá rất cao doanh nghiệp chuyên sản xuất huyết tương này, nên thương vụ IPO thành công mỹ mãn. Lúc đó, ông Hoàng Kiều là Phó chủ tịch Shanghai RAAS, nắm giữ 37% cổ phần công ty với 80 triệu cổ phiếu; tương đương có khối tài sản quy đổi ra tiền trị giá khoảng 1,4 tỷ USD. Ngay lập tức, ông có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes.

Những năm sau đó tiếp tục là thời điểm vàng son của ông Hoàng Kiều, khi cổ phiếu của Shanghai RAAS tiếp tục tăng mạnh, bất chấp thị trường chứng khoáng Trung Quốc sụp đổ trong năm 2015 và 2016. Thế nên, dù tỷ lệ nắm cổ phiếu Shanghai RAAS của ông Hoàng Kiều có giảm đi, song vẫn có khối tài sản trên 3 tỷ USD trong khoảng 2015-2017, chính thức lọt vào danh sách Forbes 400.

Năm 2017, Shanghai RAAS Blood Products được tạp chí Forbes bình chọn đứng thứ 4 trong 10 công ty đổi mới sáng tạo nhất năm.

Sau khi có rất nhiều tiền vào năm 2014, ông Hoàng Kiều bắt đầu kinh doanh đa ngành, dấn sâu vào mảng F&B.

Tỷ phú Hoàng Kiều: Cả đời gắn bó với lĩnh vực huyết tương, trở thành tỷ phú nhờ doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, thích làm từ thiện và mê hoa hậu - Ảnh 3.

Ông Hoàng Kiều đã mời diễn viên Lý Băng Băng làm người đại diện cho rượu vang Kieu Hoang Winery.

Vào năm 2014, ông đã quay về Mỹ để mua lại công ty sản xuất rượu vang của gia đình Michael Mondavi tại Napa Valley, rồi đổi tên thành Kieu Hoang Winery và mời diễn viên Lý Băng Băng làm người phát ngôn của thương hiệu.

Lý do mà ông Hoàng Kiều nhảy vào lĩnh vực rượu vang, vì nhận thấy sự tương đồng giữa quy trình sản xuất rượu và công việc kinh doanh huyết tương. Bao gồm các bước như lọc, điều chỉnh độ pH và lên men tương tự như khi xử lý cả huyết tương và rượu vang. "Tôi đang cố gắng tạo ra thứ mà chúng tôi gọi là rượu tốt cho sức khỏe và rượu thông thường", ông Hoàng Kiều bình luận. Sản phẩm của nhà máy rượu này chủ yếu phục vụ cho thị trường Trung Quốc.

Năm 2015, ông đã trả 33 triệu USD để mua lại phức hợp tổ chức sự kiện hạng sang Hummingbird Nest Ranch tại Simi Valley. Ông có kế hoạch biến Hummingbird Nest Ranch thành một trung tâm chăm sóc sức khỏe và tổ chức tiệc cưới, cũng như trở thành phim trường mini cho Hollywood.

Năm 2016, ông mở cửa hàng Q Sushi & Kieu Hoang Wine Lounge tại Shoppes – Westlake Village. Tại buổi ra mắt nhà hàng, ông đã mời thị trưởng thành phố lúc đó và Mireia Lalaguna – Hoa hậu Tây Ban Nha kiêm Hoa hậu thế giới 2015, tham dự.

Mới đây, ông vừa ra mắt thương hiệu KHKMY – chuyên về thời trang và mỹ phẩm cao cấp phong cách Ý cho cả nam lẫn nữ, kết hợp giữa khoa học – nghệ thuật. Ông cũng là founder và CEO của công ty RAAS Nutritionals – sản xuất sản phẩm liên quan đến ngành y, như thực phẩm chất năng hay khẩu trang.

Tỷ phú Hoàng Kiều: Cả đời gắn bó với lĩnh vực huyết tương, trở thành tỷ phú nhờ doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, thích làm từ thiện và mê hoa hậu - Ảnh 4.

Dự án kinh doanh mới nhất của tỷ phú Hoàng Kiều.

Trong bài phỏng vấn Fobes năm 2016, ông từng nói: "Đứng nói về cổ phiếu và cũng đừng nói về tiền tỷ. Bạn có thể là tỷ phú hôm nay, nhưng ngày mai sẽ không còn nữa". Và câu nói đó có vẻ đang vận vào đời doanh nhân 77 tuổi này, khi ông liên tục rớt hạng trên BXH tỷ phú. Từ 1,4 tỷ USD năm 2014, tăng lên 3,8 tỷ USD năm 2015 và giảm xuống còn 3,1 tỷ năm 2016, 2,9 tỷ năm 2017, 2,8 tỷ 2018 và bị văng khỏi danh sách tỷ phú Forbes vào năm 2019.

Hiện tại, ông cũng không còn giữ chức Phó Chủ tịch Shanghai RAAS, mà ‘truyền ngôi’ lại cho con trai Tommy Trong Hoang. Tommy Trong Hoang được xem là người thừa kế chính thức của tỷ phú Hoàng Kiều.

THÍCH LÀM TỪ THIỆN VÀ MÊ HOA HẬU

Trước khi nổi tiếng thế giới, ông Hoàng Kiều từng muốn làm ăn tại Việt Nam – cụ thể là Tiền Giang. Năm 2010, ông từng có kế hoạch đưa cuộc thi Hoa hậu thế giới về tổ chức tại Việt Nam nhưng thất bại.

Ông Hoàng Kiều đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua đất đai ở Tiền Giang và dự định thâu tóm cổ phần Công ty Du lịch Tiền Giang. Tuy nhiên, tỷ phú Hoàng Kiều cũng đã nhanh chóng vỡ mộng với cuộc chơi này và bỏ cuộc do triển khai xây dựng hàng loạt các công trình gặp trục trặc; chịu mất hơn 10 tỷ tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, không vì thế mà ông nản lòng với quê hương, mà vẫn làm từ thiện đều đặn sau đó. Năm 2006, ông đã hợp tác với Hội chữ thập đỏ để xây dựng 5.000 ngôi nhà tình thương tại quê hương Quảng Trị. "Tôi muốn thể hiện lòng biết ơn và sự đền đáp của mình với quê hương và xã hội", ông Hoàng Kiều bày tỏ. Tổng cộng ông đã quyên góp cho Việt Nam khoảng 1 triệu USD.

Tỷ phú Hoàng Kiều: Cả đời gắn bó với lĩnh vực huyết tương, trở thành tỷ phú nhờ doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, thích làm từ thiện và mê hoa hậu - Ảnh 5.

Ông Hoàng Kiều đang trao 5 triệu USD hỗ trợ nạn nhân cơn bão Harvey.

Trong năm 2016, ông cũng đã quyên góp 1 triệu USD cho quỹ Fund A Need tại Napa Valley. Vào năm 2017, ông cũng đã quyên góp 5 triệu USD cho những nạn nhân của trận lũ lịch sử tại San Jose – Mỹ; trước đó ông cũng quyên góp 5 triệu USD để giúp nạn nhân của Houston xây dựng lại cuộc sống sau cơn bão Harvey.

Ông cho biết, mình đã cam kết dùng 20% tài sản ròng của bản thân để làm từ thiện.

Ngoài thích làm từ thiện, ông Hoàng Kiều còn quan hệ thân thiết với các người đẹp. Điều đó thể hiện rõ nét ở mối tình chóng vánh của giữa ông và người mẫu Ngọc Trinh trong năm 2016. Có thể nói, ông là doanh nhân ‘thấm nhuần’ luật bất thành văn trong kinh doanh ‘đại gia phải đi kèm chân dài’, bởi 2 bên cùng có lợi, nhất là ở thị trường châu Á.

Tỷ phú Hoàng Kiều: Cả đời gắn bó với lĩnh vực huyết tương, trở thành tỷ phú nhờ doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc, thích làm từ thiện và mê hoa hậu - Ảnh 6.

Năm 2016, bắt đầu có thông tin ông Hoàng Kiều là bạn trai mới của Ngọc Trinh.

Trước đó, chỉ có giới kinh doanh biết ông là ai, nhưng sau khi thông tin ông là bạn trai của Ngọc Trinh lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mặt báo, thì công chúng ở Việt Nam đều biết ông là ai. Thậm chí có không ít người nghi ngờ, đây là chiêu PR rượu vang Kieu Hoang Winery trá hình của vị tỷ phú này.

Trong năm 2007, để tạo thanh thế cho bản thân tại Việt Nam cũng như chạy đà cho kế hoạch mang cuộc thi Hoa hậu thế giới về Việt Nam, ông từng mời đương kim hoa hậu thế giới lúc đó – Trương Tử Lâm và bà Chủ tịch Julia Morley cùng đồng hành trong một chương trình thiện nguyện tại Việt Nam. Sau đó, ông Hoàng Kiều tiếp tục mời hoa hậu thế giới 2008 Ksenia Sukhinova và bà Julia Morley đến thăm Việt Nam vào năm 2009.

Như đã nói ở trên, ông cũng mời diễn viên Lý Băng Băng làm người đại diện cho thương hiệu rượu vang Kieu Hoang Winery và hoa hậu thế giới 2015 - Mireia Lalaguna khi ra mắt nhà hàng sushi. Có thể nói, ông chính là ‘người quen’ của cuộc thi Hoa hậu thế giới – Miss World.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm