Từ khi Tp.HCM chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, người dân nơi đây đã đổ xô tới các siêu thị, cửa hàng bán lẻ để tích trữ lương thực, thực phẩm. Cùng với đó, nhiều mặt hàng trở nên khan hiếm và tăng giá đột biến, đặc biệt là rau củ.
Trong khi chợ truyền thống vẫn đóng cửa thì người dân gần như chỉ biết trông chờ vào hệ thống các siêu thị như Co.op Mart, Co.op Food, AEON, Bách Hóa Xanh,...
Tuy nhiên, sau vài ngày thực hiện giãn cách xã hội, chuỗi Bách Hóa Xanh thuộc CTCP Đầu tư Thế giới di động nhiều khách hàng bị phàn nàn do tăng giá hàng loạt mặt hàng trong hệ thống.
Hôm qua 13/7, Bách Hóa Xanh đã có văn bản gửi tới khách hàng và cổ đông, giải thích lý do tăng giá. Theo đó, Thế Giới Di Động khẳng định, Bách hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, công ty không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do phải bù đắp cho chi phí vận chuyển, chi phí nhân công, xét nghiệm,... đang tăng cao.
Trước nhu cầu với các mặt hàng nhu yếu phẩm của người dân tăng mạnh, AEON Việt Nam cho biết đơn vị này đã tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu tại hệ thống Siêu thị AEON.
Doanh nghiệp này còn khẳng định, họ sẽ đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng, đồng thời nỗ lực làm việc với nhà cung cấp để cân đối và giữ giá cả được ổn định và không biến động.
Đại diện AEON Việt Nam cho biết thêm: trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp cũng đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá trong thời gian dịch bệnh.
AEON Việt Nam đã tăng lượng dự trữ thực phẩm để đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của khách hàng. Cụ thể: thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, cá) tăng 400 – 600%, thực phẩm khô tăng 200 – 400%. Bởi vậy, sẽ không có tình trạng khan hiếm hàng hoặc giá cả bị thay đổi bất thường.
Bên cạnh đó, do diễn biến dịch, các hoạt động giao thông vận tải, vận chuyển hàng hóa phần nào đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động cung ứng của nhà cung cấp.
AEON Việt Nam đang cố gắng tăng trữ lượng hàng hóa để không hụt hàng trong siêu thị.
Với sự hỗ trợ và hướng dẫn sát sao của các Bộ, Sở ngành chức năng, điển hình là Bộ Công thương và Sở Công thương TP.HCM, AEON Việt Nam đã phối hợp với các nhà cung cấp đăng ký danh sách các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu đi qua địa bàn thành phố, phục vụ công tác tạo luồng xanh của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM để đảm bảo hàng hóa vận chuyển thông suốt phục vụ người dân.
Ngoài ra, AEON Việt Nam cung cấp nhiều hình thức mua sắm online nhằm mang đến sự tiện lợi, hạn chế tập trung nhiều nơi đông người, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Từ cuối tháng 5 khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên cả nước, số lượng đơn hàng qua các kênh trực tuyến của AEON Việt Nam tăng đột biến. Cụ thể chỉ tính riêng tháng 6, số lượng đơn hàng qua GrabMart tăng gần 4 lần, qua ứng dụng AEON tăng đến 7 lần so với tháng 5.
Tiếp đó, tới ngày 9/7 khi TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân hạn chế ra đường để đảm bảo phòng dịch, số lượng đơn hàng online tiếp tục tăng, đặc biệt với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô. AEON Việt Nam còn bố trí riêng khu vực thu ngân cho các đơn hàng Grab, Now cùng chỗ ngồi trong thời gian tài xế chờ và đảm bảo giãn cách.
Trong một số thời điểm, các siêu thị AEON phải tạm thời phân bổ lại thời gian xử lý đơn hàng. AEON Việt Nam cho biết đã và đang tiếp tục tăng cường nhân sự cho các kênh bán hàng online để tiếp nhận và chuẩn bị đơn hàng, kịp thời giao cho khách.
Ông Nguyễn Nhơn Quý – Trưởng phòng Truyền thông AEON Việt Nam cho biết: "Tại hệ thống siêu thị AEON TP.HCM, chúng tôi đã lên kế hoạch tăng trữ lượng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, khẳng định đảm bảo đủ hàng, với giá cả bình ổn, đồng thời phục vụ trên nhiều kênh bán hàng online để khách hàng lựa chọn".
Các xe bán hàng lưu động sẽ đến lần lượt các điểm bán mỗi ngày theo lộ trình Sở Công thương và UBND các Quận đã bố trí
Ở khía cạnh khác, từ ngày 13/07, theo đề nghị của Sở Công thương TP.HCM, AEON Việt Nam bắt đầu triển khai các xe bán hàng lưu động tại các khu đông dân cư để kịp thời giảm bớt những khó khăn trong việc đi lại mua sắm các sản phẩm thiết yếu của người dân. Dự án dự kiến sẽ kéo dài suốt giai đoạn TP. HCM thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16.
Các xe bán hàng lưu động sẽ đến lần lượt các điểm bán mỗi ngày theo lộ trình Sở Công thương và UBND các Quận đã bố trí. Hoạt động này nhằm đảm bảo người dân tại các khu vực khác nhau đều có thể dễ dàng mua được hàng hóa thiết yếu. Sở Công thương và UBND Quận sẽ thông tin đến người dân về thời gian và điểm bán tại khu dân cư theo từng ngày.
Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày, góp phần giảm bớt khó khăn của khách hàng khi các dịch vụ ăn uống mang về được yêu cầu tạm dừng theo Chỉ thị 16 của thành phố; khu vực ẩm thực tự chọn tại các siêu thị AEON vẫn được mở, đồng thời đảm bảo đầy đủ các món ăn chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của khách hàng.