Doanh nghiệp

Hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tóm tắt:
  • Nghị quyết 68 hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa miễn thuế thu nhập trong 3 năm đầu và bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh.
  • Kinh tế tư nhân đóng góp lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn về vốn, quản trị và công nghệ.
  • Hộ kinh doanh được khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp nhờ chính sách ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục.
  • Nghị quyết cam kết cung cấp miễn phí phần mềm kế toán, tư vấn pháp lý và đào tạo quản trị cho doanh nghiệp nhỏ.
  • Mục tiêu nâng số lượng doanh nghiệp tư nhân lên 2 triệu vào năm 2030 thông qua hỗ trợ thực chất và tài chính toàn diện.

Hỗ trợ thực chất, phù hợp

Theo thống kê, khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng 940.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng 82% tổng số lao động. Đa số trong này là những đơn vị có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế; phần lớn có năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp; năng suất lao động, hiệu quả lao động và sức cạnh tranh chưa cao… Thực tế từ trước đến nay, nhà nước cũng đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản như quy định phức tạp về chế độ kế toán, báo cáo tài chính, thuế hay khó tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng khiến khối này không thể lớn…

Hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ bằng nhiều chính sách thiết thực

ẢNH: Cao An Biên

Nghị quyết 68 (NQ 68) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ngoài việc đưa ra các chính sách chung cho kinh tế tư nhân còn nêu rõ: Có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa; bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập; bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách T.Ư và địa phương cho các chương trình, chính sách hỗ trợ DN… Nghị quyết cũng nhấn mạnh phải hỗ trợ thực chất, hiệu quả thông qua rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026…

PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết ở nhiều nước, DN nhỏ, siêu nhỏ là đối tượng được hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp. Họ có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng thông qua việc cho vay tín chấp, cho vay dựa trên phương án kinh doanh. Cộng đồng DN siêu nhỏ cũng được tạo điều kiện thuận lợi trong quy trình thực hiện thủ tục hành chính, thuế, bảo hiểm… bởi đây là đối tượng DN thường không có đội ngũ hỗ trợ pháp lý như các DN lớn. Vì vậy, việc có chính sách riêng, hỗ trợ thực chất, phù hợp với nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình là rất phấn khởi. "NQ 68 lần đầu tiên xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế. Trong khu vực này, các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ cùng hộ gia đình là lực lượng rất lớn. Việc có các chính sách ưu đãi đặc biệt, thiết thực để thúc đẩy lực lượng này phát triển mạnh hơn, lớn nhanh hơn chính là góp phần quan trọng thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển", PGS-TS Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh.

Khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN

Một trong những điểm mới mà NQ 68 đưa ra là sẽ bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026. Việc này được đánh giá sẽ góp phần thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Bởi trước đây, dù đã có nhiều chính sách kêu gọi, hỗ trợ để hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN nhưng trong giai đoạn 2018 - 2020, ước tính cả nước chưa đến 2.000 DN được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, phân tích: nếu bỏ thuế khoán thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ nộp thuế theo từng lần phát sinh (từng lần thu nhập), nghĩa là nếu lỗ vẫn phải nộp thuế. Trong khi đó, DN được khấu trừ giữa doanh thu với chi phí đầu vào và nếu bị lỗ thì không phải nộp thuế thu nhập. Chưa kể, NQ 68 nêu rõ sẽ miễn thuế thu nhập DN cho các DN trong 3 năm đầu thành lập. Với các điều kiện như vậy, sau khi bỏ thuế khoán, hộ kinh doanh nếu chuyển đổi lên DN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn. Điều này sẽ khuyến khích họ chuyển đổi thành DN nhiều hơn.

Theo ông Trần Xoa, trước đây nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển lên thành DN chủ yếu vì lo ngại chế độ kế toán, chứng từ, báo cáo thuế, bảo hiểm… Trong khi đó, việc đóng thuế khoán cố định hằng năm thì đơn giản và thường ở mức thấp vì kê khai doanh thu thấp. Tuy nhiên từ đầu tháng 6 tới đây, quy định các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Quy định này sẽ ngăn chặn tình trạng khai báo không trung thực về doanh thu và mức thuế khoán cũng sẽ không còn ở mức quá thấp. 

"NQ 68 nêu rõ các giải pháp hỗ trợ cho hộ kinh doanh như cung cấp phần mềm kế toán, được tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị DN và đặc biệt sẽ đơn giản hóa để dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm. Đồng thời khi bỏ thuế khoán và áp dụng các giải pháp nêu trên thì tôi nghĩ rằng số lượng hộ kinh doanh chuyển lên DN sẽ khá nhiều vì để được hưởng các chính sách ưu đãi. Khi đó, chắc chắn mục tiêu nâng số lượng DN lên 2 triệu vào năm 2030 - gấp đôi hiện nay - là có thể đạt được", luật sư Trần Xoa nói.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Xuân Thảo cho rằng việc bỏ thuế khoán, hỗ trợ pháp lý, tư vấn về quản trị, đào tạo và đặc biệt là đơn giản hóa quy trình kê khai thuế, bảo hiểm cho hộ kinh doanh sẽ giúp đối tượng này yên tâm, từ đó họ sẽ mạnh dạn chuyển thành DN. Ví dụ, nếu một hộ gia đình đang nộp thuế khoán 20 - 30 triệu đồng thì thời gian đầu chuyển thành DN sẽ được miễn thuế, thu ngân sách có thể giảm đi. Tuy nhiên sau đó các DN sẽ ngày càng phát triển, lớn mạnh hơn thì việc quản lý của các cơ quan nhà nước cũng dễ dàng và nguồn thu sẽ tăng trở lại. Chỉ có trở thành DN thì từ nhỏ mới có thể biến thành lớn hơn, đóng góp nhiều hơn vào kinh tế đất nước.

NQ 68 nêu rõ các giải pháp hỗ trợ cho hộ kinh doanh như cung cấp phần mềm kế toán, được tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị DN và đặc biệt sẽ đơn giản hóa để dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm. Đồng thời khi bỏ thuế khoán và áp dụng các giải pháp nêu trên thì tôi nghĩ rằng số lượng hộ kinh doanh chuyển lên DN sẽ khá nhiều vì để được hưởng các chính sách ưu đãi. Khi đó, chắc chắn mục tiêu nâng số lượng DN lên 2 triệu vào năm 2030 - gấp đôi hiện nay - là có thể đạt được.

Luật sư Trần Xoa

Hỗ trợ thực chất, hiệu quả DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh

- Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Đẩy mạnh số hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình DN. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

- Cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị DN, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

- Thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính cho các DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên chủ DN, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động xã hội.

(Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân)


Các tin khác

Cổ tích ở Trường Sa: Gặp lại sau 47 năm

Đầu năm 2025, gần 47 năm sau sự kiện trôi dạt trên vùng biển Trường Sa, những cán bộ chiến sĩ trên chiếc xuồng nhôm của đảo Phan Vinh đã tụ hội tại nhà riêng của đảo trưởng Vũ Văn Hà. Họ ôn kỷ niệm xưa và kể về cuộc sống hôm nay.

Việt Nam chi 5,6 tỷ USD nhập hàng Mỹ trong 4 tháng

Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi khoảng 5,6 tỷ USD nhập khẩu hàng từ Mỹ, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, các mặt hàng nguyên liệu và thiết bị công nghệ cao, điều này cho thấy Việt Nam đang tích cực tăng nhập khẩu hàng Mỹ, hướng tới cân bằng cán cân thương mại hài hòa.