Doanh nghiệp

Gửi tiền ngân hàng nào lãi cao nhất?

Hơn 14,7 triệu tỉ đồng chảy vào ngân hàng

Vàng sôi động, bất động sản khởi sắc, chứng khoán đã vượt ngưỡng kháng cự..., thế nhưng với nhiều người, gửi tiết kiệm vẫn là kênh được lựa chọn. Chị Thanh Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết số tiền tích cóp hơn 1 tỉ đồng đang được chị gửi ở ngân hàng (NH) trong khi chờ đợi cơ hội đầu tư. "Giá vàng đang ở quanh mức giá 120 triệu đồng/lượng, thấp hơn mức cao kỷ lục 124 triệu đồng/lượng hồi tháng 4 nhưng vẫn quá cao, quá rủi ro. Chưa kể số tiền của tôi cũng chỉ mua được chưa đến 10 lượng. Gửi tiết kiệm NH dù lãi không cao nhưng cũng bù đắp phần nào tiền chợ", chị nói và cho biết thêm chị gửi 1 tỉ đồng, kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 3,7%/năm thì tiền lãi nhận hằng tháng là hơn 3 triệu đồng. Trước đây, NH tính lãi 4,2%/năm, nên số lãi nhận được hằng tháng nhiều hơn, lên 3,5 triệu đồng. "Số tiền này mua nhà không đủ mà chơi chứng khoán thì không am hiểu nên để ở NH gửi lãnh lãi cho an tâm. Mấy tháng qua, NH giảm lãi huy động nên cũng đang xem NH nào có lãi cao hơn sẽ gửi vào", chị Thanh Hà cho hay.

Gửi tiền ngân hàng nào lãi cao nhất?- Ảnh 1.

Cá nhân gửi tiền vào ngân hàng ở mức cao kỷ lục

ẢNH: Ngọc Thắng

Chị N.H (Q.4, TP.HCM) kể chị gửi tiết kiệm cả năm nay chứ chưa đầu tư vì nhìn đâu cũng thấy rủi ro thua lỗ hoặc chôn vốn. Trong khi đó, đây là tiền chị dành dụm cho con du học. "Đầu tư có chuyện gì, ảnh hưởng đến chuyện học của con cái. Thôi cứ gửi tiết kiệm cho an tâm, mà cũng vẫn có lời", chị chia sẻ.

Chính sách phù hợp, dịch vụ huy động vốn đa dạng và tiện ích theo hướng tối đa hóa lợi ích và thanh toán thuận lợi..., kênh tiền gửi NH an toàn và hiệu quả tiếp tục là yếu tố thu hút khách hàng và thúc đẩy tiền gửi tăng trưởng trong những tháng gần đây.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN khu vực 2

Tâm lý chung này giúp huy động vốn của các NH tiếp tục tăng trong quý 1. Trong đó, nhóm Big4 (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) vẫn giữ được phong độ huy động vốn cao trong hệ thống. Cụ thể, BIDV tăng 1,22%, lên hơn 1,97 triệu tỉ đồng; VietinBank tăng 1%, lên hơn 1,62 triệu tỉ đồng; chỉ riêng Vietcombank huy động giảm 0,4%, xuống 1,5 triệu tỉ đồng. Nhóm NH cổ phần tư nhân cũng có tốc độ tăng trưởng huy động vốn ở mức cao. Chẳng hạn, lượng tiền gửi tại HDBank tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 465.321 tỉ đồng; BVBank có tổng vốn huy động tăng mạnh 34%, đạt hơn 102.000 tỉ đồng; VIB tăng 2% so với đầu năm, vượt 282.000 tỉ đồng, trong đó huy động bán lẻ là động lực chính, chiếm 70%; ACB tăng 4% so với cùng kỳ, đạt 664.000 tỉ đồng; Sacombank huy động thị trường 1 tăng 3,3%…

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi của cá nhân vào các tổ chức tín dụng tính hết tháng 2 tăng thêm 178.000 tỉ đồng so với cuối tháng 1, nâng tổng mức tăng trong 2 tháng đầu năm lên 301.000 tỉ đồng, đạt 7,366 triệu tỉ đồng. Tốc độ tăng lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân so với cuối năm 2024 lên 4,26% và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tương tự, NHNN chi nhánh khu vực 2 cho biết chỉ riêng tại TP.HCM, trong tháng 4 tiền gửi tăng 1,41% so với tháng trước và tăng 1,23% so với cuối năm. Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 1,34% so với tháng trước và tăng 5,94% so với cuối năm.

Săn lãi suất cao

Lý giải hiện tượng tiền gửi tháng 2 của khách hàng cá nhân ùn ùn tăng lên là do các NH tăng lãi suất huy động. Mức lãi suất huy động 6%/năm xuất hiện ở nhiều NH ở các kỳ hạn trên 12 tháng, có NH còn huy động lên đến 7,7%/năm. Đối với kỳ hạn 3 tháng dao động từ 3,5 - 4,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,8 - 5,9%/năm… Đến cuối tháng 2, Chính phủ và NHNN có yêu cầu các NH giảm lãi suất huy động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Chính vì vậy, từ tháng 3 đến cuối tháng 4, hàng chục NH đã giảm lãi suất huy động từ 0,3 - 1%/năm tùy theo kỳ hạn. Mặc dù chưa tạo thành cuộc đua nhưng bước qua tháng 5, mặt bằng lãi suất có nhích lên ở một số NH từ 0,1 - 0,3%/năm.

Khảo sát cho thấy lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay xuất hiện ở một số NH, dao động từ 6 - 9,65%/năm nhưng kèm theo đó là một số điều kiện. ABBank có mức lãi huy động cao nhất lên 9,65%/năm đối với số tiền từ 1.500 tỉ đồng trở lên với kỳ hạn 13 tháng. Mức lãi suất cao thứ 2 là 9%/năm thuộc về PVcomBank cho kỳ hạn 12 - 13 tháng duy trì số dư tối thiểu 2.000 tỉ đồng. HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỉ đồng. Vikki Bank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, với số tiền tối thiểu 999 tỉ đồng. Ở mức lãi suất trên 6%/năm có NH như Bac A Bank cao nhất 6,2% với kỳ hạn 18 - 36 tháng đối với khoản tiền gửi trên 1 tỉ đồng. ACB áp dụng mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ khi khách hàng có số dư tiền gửi từ 200 tỉ đồng trở lên… Còn đối với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đang được NH huy động từ 1,6 - 4,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 4,2 - 5,7%/năm...

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN khu vực 2, lý giải số tiền gửi của dân cư vẫn tiếp tục tăng lên tại các tổ chức tín dụng và chiếm tỷ trọng lớn khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kềm giữ ở mức thấp, giá trị tiền đồng được kiểm soát… So sánh với những kênh đầu tư khác, tiền gửi tiết kiệm NH an toàn, hiệu quả và ít rủi ro hơn so với chứng khoán, bất động sản, vàng… Với những người có số tiền vừa phải, cần lãi để chi tiêu hằng tháng thì tiền gửi tiết kiệm NH vẫn hấp dẫn hơn đầu tư vào các kênh khác. "Chính sách phù hợp, dịch vụ huy động vốn đa dạng và tiện ích theo hướng tối đa hóa lợi ích và thanh toán thuận lợi..., kênh tiền gửi NH an toàn và hiệu quả tiếp tục là yếu tố thu hút khách hàng và thúc đẩy tiền gửi tăng trưởng trong những tháng gần đây", ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) thì cho rằng nguyên nhân khiến dòng tiền trú ẩn vào tiền gửi tiết kiệm vì thị trường vẫn trong giai đoạn "thắt lưng buộc bụng". Doanh nghiệp, cá nhân giữ tiền mặt để đề phòng những biến động có thể xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó dự báo. "Chính vì lượng tiền hiện nay vào NH nên lãi suất dự báo sẽ không tăng nhiều trong thời gian tới. Trong giai đoạn này khi chính sách thuế quan của Mỹ với các nước chưa có hồi kết thì tăng trưởng tín dụng có thể sẽ chậm lại. Nhu cầu vốn chưa cao thì lãi suất tiết kiệm cũng sẽ không tăng. Việc ổn định lãi suất tiết kiệm cũng sẽ giúp không gây sức ép lên lãi vay", ông Nguyễn Hữu Huân nhận xét. 

Lãi suất trên thị trường liên NH giảm

Trong những ngày gần đây, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên NH giảm 0,3 - 0,5%/năm so với đầu tháng 5. Ngày 22.5, lãi suất qua đêm xuống còn 3,86%/năm, 1 tuần còn 3,95%/năm, 2 tuần còn 4,11%/năm, 1 tháng còn 4,3%/năm, 3 tháng còn 4,61%/năm… Doanh số giao dịch ở các kỳ hạn cũng tăng cao hơn. Trên thị trường mở, NHNN vẫn tiếp tục bơm tiền cho các thành viên. Ngày 23.5, hơn 1.344 tỉ đồng đã được bơm ra thị trường với lãi suất 4%/năm ở kỳ hạn 14 ngày. Với những diễn biến trên thị trường cho thấy thanh khoản của hệ thống NH khá tốt, tạo điều kiện cho lãi suất huy động đối với khu vực doanh nghiệp, cá nhân ổn định.

Các tin khác

Vietlott lại tìm ra vé số trúng độc đắc tiền tỷ

Vietlott vừa tìm thấy 1 vé số trúng độc đắc Jackpot 2 gần 3,7 tỷ đồng ở loại hình xổ số Power 6/55 vào tối nay. Hai kỳ quay liền trước của sản phẩm Power 6/55, Vietlott cũng liên tiếp tìm ra vé số trúng Jackpot tiền tỷ.

Giá vàng bật tăng

Sáng nay (24/5), giá vàng đồng loạt tăng. Hiện giá vàng trong nước cao hơn thế giới trên 15 triệu đồng/lượng.

Vân Đồn chuyển mình, sẵn sàng trở thành đặc khu kinh tế phía Bắc

Một vùng đảo từng lặng lẽ bên vịnh Bái Tử Long, nay đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành tâm điểm chiến lược mới của miền Bắc. Vân Đồn – mảnh đất nơi Đông Bắc Tổ quốc, giờ không chỉ được nhắc đến như một điểm đến nghỉ dưỡng, mà đang được định hình trở thành đặc khu kinh tế ven biển của phía Bắc giai đoạn 2025–2030.

Nửa thế kỷ là điểm đến tin cậy của bộ đội và nhân dân

Qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Bệnh viện Quân y 175 đã có những bước đi vững chắc với nhiều thành tựu, từng bước khẳng định vị thế bệnh viện tuyến cuối quân đội, là điểm đến tin cậy của bộ đội và nhân dân.

Sự thật đằng sau việc hơn 5 triệu hộ kinh doanh "không chịu lớn"

Lý do là gì? Theo chuyên gia, ngoài rào cản tâm lý với hộ kinh doanh thì mô hình chuyển đổi ra sao rất quan trọng. Không thể lấy mô hình doanh nghiệp lớn với bộ máy kế toán, hệ thống quản trị, giám đốc - ban kiểm soát - kế toán trưởng - báo cáo tài chính phức tạp để áp cho hộ bán bún hay người khởi nghiệp.

Chi tiết chế độ cho hơn 13.000 cán bộ Trung ương nghỉ việc

Trong đợt tinh gọn bộ máy, gần 15.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước được chi để hỗ trợ hơn 13.000 cán bộ Trung ương nghỉ việc theo Nghị định 178, Nghị định 67. Bộ Tài chính đứng đầu cả về số người và kinh phí, chiếm hơn 76% tổng số tiền hỗ trợ.