Cơ hội chặn đà tăng giá vé máy bay
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg, chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án Hãng hàng không Sun PhuQuoc Airways (SPA). SPA là hãng hàng không thứ hai của Tập đoàn Sun Group, ra đời sau hãng hàng không chung cao cấp Sun Air. Nếu như Sun Air cung cấp các dịch vụ bay private jet đẳng cấp được cá nhân hóa và chuyên biệt hóa dành cho khách hạng sang thì SPA có mô hình kinh doanh chính là vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thương mại, kết hợp khai thác mô hình charter phục vụ khách du lịch đi đến các trung tâm du lịch, kinh doanh của VN và thế giới, điển hình là các vùng biển đảo du lịch nổi tiếng, các trung tâm tài chính thương mại nhộn nhịp.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc
Ảnh: T.L
Theo chủ trương chấp thuận, SPA sẽ có tổng quy mô đội bay dự kiến đến năm 2030 là 31 tàu bay. Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.500 tỉ đồng (tương đương khoảng 98,81 triệu USD). Dự kiến, SPA sẽ chính thức khai thác các chuyến bay đầu tiên ngay trong quý 4 năm nay, kết nối Phú Quốc với các trung tâm kinh tế - du lịch trọng điểm trong và ngoài nước.
Sự ra đời của SPA với đội tàu tới 31 chiếc được ví như "mưa rào giữa nắng hạn", bởi hơn 2 năm qua, các hãng hàng không nội địa phải chật vật chống chọi với tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng trên diện rộng, kéo theo nhiều hệ lụy. Có những thời điểm, tổng đội tàu bay của 5 hãng hàng không nội địa sụt giảm tới hơn 30% so với giai đoạn trước Covid-19. Do thiếu hụt đội tàu bay nên các hãng hàng không phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa. Còn nhớ nửa đầu năm 2024, thị trường nội địa sụt giảm tới gần 20% so với cùng kỳ 2023, gây biến động mạnh. Hàng loạt đường bay nội địa bị cắt giảm, giá vé máy bay thiết lập mặt bằng mới cao ngất ngưởng. Các hãng trầy trật trong bài toán bay là lỗ, không bay cũng lỗ, muốn thuê, muốn mua thêm máy bay cũng không được.
Trong khi đó, người tiêu dùng ngoảnh mặt với hàng không vì giá vé quá cao. Nhiều "hub" du lịch chỉ trong thời gian ngắn thậm chí trở thành điểm đến bị "tẩy chay", một phần vì chi phí di chuyển quá lớn. Điển hình là Phú Quốc. Trong những giai đoạn cao điểm du lịch, khách có thể phải chi tới 10 triệu đồng cho 1 vé máy bay khứ hồi tới Phú Quốc, bằng chi phí cho cả chuyến du lịch Thái Lan hoặc Malaysia trong 4 - 5 ngày.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhìn nhận về nguyên tắc chung, việc có thêm một hãng hàng không sẽ tăng độ cạnh tranh không chỉ ở thị trường VN mà còn ở tầm quốc tế. Chỉ xét riêng thị trường nội địa, việc có thêm một "người chơi" mới chắc chắn sẽ mở rộng không gian và lực lượng cạnh tranh, tạo sức thúc đẩy mạnh hơn, tốt hơn đối với thị trường. Cuối cùng, hưởng lợi sẽ là người tiêu dùng. "Đối tượng hướng tới của SPA là khách du lịch quốc tế và tính đẳng cấp cũng khá cao nên lợi ích tác động tới thị trường và người dân cũng sẽ thể hiện theo từng bước đi, qua chất lượng, chứ ta không kỳ vọng hãng hàng không mở ra là lập tức tạo cú hích xoay chuyển khiến giá vé máy bay hạ ngay được", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, việc Sun Group mở thêm hãng hàng không hướng mạnh ra quốc tế tại thời điểm này là tuyệt đối đúng lúc. Bên cạnh nhu cầu kết nối quốc tế của VN rất lớn, chúng ta đang khởi động sự kiện mang tính thời cơ là APEC 2027 tại Phú Quốc. Tất cả những sự chuẩn bị của Phú Quốc cùng các điểm đến lớn của VN tích hợp vào sự kiện này sẽ tạo ý nghĩa thúc đẩy, tạo điểm đột phá rất mạnh cho du lịch, góp phần tạo cơ hội để VN ghi điểm với thế giới. Vì thế, SPA được mở ra sẽ hỗ trợ đắc lực việc đón đầu dòng khách quốc tế từ các nước trên thế giới đến với đảo ngọc Phú Quốc nhân dịp APEC 2027 sắp diễn ra.

Hạ tầng hàng không VN đang chuyển động mạnh mẽ, cố gắng theo kịp nhu cầu phát triển của thị trường
ẢNH: Độc Lập
Tháo "nút thắt" hạ tầng hàng không
Không chỉ năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không từng bước phục hồi và nâng cao, hàng loạt dự án mở rộng, xây mới các cảng hàng không đang ồ ạt triển khai trên cả nước hứa hẹn sẽ tạo không gian phát triển mới cho toàn ngành.
Đơn cử, T3 là ga hành khách quốc nội lớn nhất nước nâng tổng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm đã hoàn thành vượt tiến độ 2 tháng, đưa vào khai thác từ ngày 19.4, giúp Tân Sơn Nhất thoát cảnh ùn tắc nghiêm trọng nhiều năm qua. Cùng với đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng, là dự án sân bay có quy mô và công suất lớn nhất VN dự kiến khai thác giai đoạn 1 vào năm 2026.
Trước đó, cuối năm 2024, dự án sân bay Gia Bình cũng đã được khởi công xây dựng tại xã Xuân Lai và TT.Gia Bình, H.Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là sân bay phục vụ nhiệm vụ bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng không quân Công an nhân dân, song, Chính phủ đã thống nhất nâng cấp sân bay Gia Bình trở thành cảng hàng không bậc nhất phía bắc và chia sẻ một phần hành khách, hàng hóa cho sân bay Nội Bài. Trong thời kỳ 2021 - 2030, sân bay Gia Bình có công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm và 250.000 tấn hàng hóa/năm, tầm nhìn đến năm 2050 công suất tăng lên 15 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Mới nhất, Bộ Xây dựng công bố quy hoạch sân bay quốc tế Phú Quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, với tổng diện tích khoảng 1.050 ha, tổng vốn đầu tư đến năm 2030 là hơn 26.500 tỉ đồng và thêm gần 25.800 tỉ đồng cho giai đoạn sau năm 2030. Theo quy hoạch, sân bay Phú Quốc sẽ được mở rộng với mục tiêu đạt công suất 18 triệu hành khách/năm, gấp 4,5 lần so với hiện trạng (4 triệu khách/năm). Mục tiêu tới năm 2050, sân bay được nâng cấp với công suất 50 triệu khách/năm.
Ngoài các sân bay trọng điểm kể trên, hàng loạt dự án sân bay tại các địa phương khác cũng được lên kế hoạch đầu tư xây dựng. Trong đó có thể kể đến các dự án sân bay Măng Đen (Kon Tum), Vân Phong (Khánh Hòa), Quảng Trị, Sa Pa...
Ông Tan Shao-Yen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn CPG (một trong những tập đoàn hàng đầu của Singapore chuyên triển khai các dự án về quy hoạch, thiết kế, giám sát và quản lý các dự án cảng hàng không), đánh giá nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không sẽ ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ tại VN. Đối với ngành này, phát triển hạ tầng sân bay luôn mất rất nhiều thời gian, cần tìm quỹ đất, kêu gọi được vốn, thiết kế rồi xây dựng… Vì thế nhu cầu thực tế luôn đi nhanh hơn hạ tầng.
"Trước đây, việc phát triển hạ tầng hàng không của VN chủ yếu dựa vào một đơn vị nhà nước là Tổng công ty cảng hàng không ACV. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ VN đã có chủ trương kêu gọi, khuyến khích các nhà thầu, doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng các dự án sân bay. Về phần thủ tục, quy trình phê duyệt đầu tư công phía nhà nước luôn mất nhiều thời gian hơn là để doanh nghiệp tư nhân tự quyết nên thời gian phát triển hạ tầng hàng không tại VN sẽ được rút ngắn. Đây là hướng đi rất hiệu quả đã được chứng minh ở các nước có thị trường hàng không phát triển và VN có thể tiếp tục phát huy", ông Tan Shao-Yen nhìn nhận .