Grab đang đàm phán mua lại một phần lớn cổ phần của tập đoàn ngân hàng Malaysia AMMB Holdings (AmBank), Tech in Asia dẫn lời nguồn tin thân cận cho biết.
Hai nguồn tin cho biết những đàm phán ở thời điểm hiện tại vẫn đang trong giai đoạn ban đầu, dù vậy, Grab là một trong những cái tên muốn mua cổ phần của ngân hàng lớn thứ 4 Malaysia xét theo tổng tài sản AmBank. AmBank hiện có giá trị vốn hoá 12 tỷ ringgit (tương đương 2,74 tỷ USD).
Trước đó, vào hôm 7/5, trang The Edge đưa tin Grab đang tìm kiếm cơ hội để mua lại cổ phần từ hai cổ đông lớn nhất của AmBank là ANZ và Azman Hashim, cựu chủ tịch của nhà băng này.
ANZ hiện đang nắm giữ 21,68% cổ phần trong khi đó ông Azman, người lãnh đạo AmBank trong giai đoạn từ năm 1982 đến tháng 1/2022, nắm giữ 11,83% cổ phần.
Về phần mình, khi liên hệ với Grab, Tech in Asia nhận được phản hồi rằng Grab không muốn bình luận “về những tin đồn hoặc phỏng đoán”.
Nguồn tin của Tech in Asia không chia sẻ cụ thể về số lượng cổ phần hay số tiền đầu tư mà Grab sẵn sàng bỏ ra liên quan đến AmBank. Dù vậy, nguồn tin cho biết chiến lược ngân hàng truyền thống của Grab tại Indonesia dường như phù hợp với các động thái gần đây của hãng gọi xe này. Trước đó, Grab mua lại 16,3% cổ phần của ngân hàng Bank Fama International.
Sự quan tâm của Grab đến lĩnh vực ngân hàng truyền thống đồng thời AmBank muốn tìm kiếm các nhà đầu tư là kết quả của nhiều diễn biến gần đây.
Đầu tiên, GXS Bank, một liên doanh của Grab và Singtel, mới đây đã nhận được giấy phép hoạt động ngân hàng số từ Bank Negara Malaysia. GXS đồng thời đã thiết lập một mối quan hệ tập đoàn với Kuok Brothers, công ty đầu tư của người giàu nhất Malaysia Robert Kuok. Trong thông cáo báo chí phát đi hôm 29/4, Grab cho biết GXS sẽ nắm giữ 55,45% cổ phần của ngân hàng số mà họ đang đề xuất.
Thứ hai, AmBank mới đây đã đạt được một thoả thuận với chính phủ Malaysia liên quan đến đại án quỹ đầu tư 1MDB từng gây rúng động tại Malaysia. Cụ thể, nhà băng này sẽ phải thanh toán khoản phạt lên tới 2,83 tỷ ringgit (645 triệu USD) dù phủ nhận mình đã làm sai bất kỳ điều gì vào năm 2017.
Án phạt này của AmBank liên quan đến việc nhà băng từng xử lý lô trái phiếu trị giá 5 tỷ ringgit (1,14 tỷ USD) do 1MDB phát hành vào tháng 5/2009. Lô trái phiếu 30 năm và được ngân hàng bảo lãnh này sau đó đã bị lấy trộm và “lật kèo” bởi ông Low Taek Jho và các cộng sự.
Cơ quan pháp luật Malaysia đã điều tra việc phát hành lô trái phiếu, bao gồm cả việc một số nhân sự cấp cao của AmBank có thể có liên quan đến việc “lật kèo” trái phiếu. Các nhà điều tra đưa ra kết luận ông Low Taek Jho và đồng phạm có thể đã bỏ túi 600 triệu ringgit (136 triệu USD) từ thiệt hại của 1MDB.
Thứ ba, từ năm 2016, ANZ liên tục muốn giảm bớt sự liên quan của mình đối với thị trường Châu Á bằng cách đóng cửa kinh doanh tại một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Singapore. ANZ cũng cho biết sẽ bán bớt cổ phần tại một số ngân hàng ở Malaysia, Indonesia, và Trung Quốc.